ÂM BINH - SỐ PHẬN VÀ TÌNH NGƯỜI TRÊN MIỀN CÁT
Nguồn: Báo Người Lao Động http://nld.com.vn/20120817101051584p1196c1198/am-binhso-phan-va-tinh-nguoi-tren-mien-cat.htm
Đây có thể là câu chuyện về số phận của một người đàn bà, của 2 người đàn ông, cũng có thể là câu chuyện của cát, gió, sóng biển của một vùng đất anh dũng nhưng câu chuyện ấy có sức mạnh lay động, khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi con người
VƯỢT LÊN CĂM THÙ VÀ NỖI ĐAU CHIẾN TRANH
Ngay trong đêm phải chôn cất đứa con trong nước mắt, Nhi đã phải nén lòng nặn bầu sữa nóng mà đáng lẽ dành cho con gái chị để cứu sống 2 người thương binh ở 2 bờ chiến tuyến đang bên bờ vực sinh tử, đó là Quân - người lính Việt cộng và Trung - người lính Việt Nam Cộng hòa.
Vượt lên trên sự căm thù và nỗi đau chiến tranh, nhân vật Nhi bừng sáng lên tấm lòng nhân hậu và tình người ấm áp trong một khu vườn hoang vu vốn chỉ có cát, gió, cỏ dại, tiếng sóng biển và những nấm mộ. Tấm lòng nhân hậu, bầu sữa nóng và những bát cháo trắng đạm bạc như một sợi dây vô hình gắn kết số phận 3 con người lại với nhau.
Rồi hòa bình lập lại, Trung tìm đường vượt biên đoàn tụ gia đình, Quân hăng say với công cuộc tái thiết đất nước, chỉ có Nhi vẫn ở lại miền đất hoang vu đầy âm binh của chị, chịu đựng bao hệ lụy do “che giấu Việt cộng” rồi “bao che kẻ vượt biên” và cả sự kỳ thị gièm pha của bà con làng xóm.
Ba mươi năm sau, 2 người lính năm xưa - một trở thành cán bộ lãnh đạo địa phương, một trở thành Việt kiều yêu nước – cùng tìm về với Nhi, vị ân nhân đã luống tuổi vẫn sống ở vùng đất âm binh, để ôn lại kỷ niệm xưa và cũng để thuyết phục Nhi đồng ý với dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng quê nghèo với những con đường lớn trải nhựa sẽ chạy qua chính vùng đất đầy những nấm mộ này.
Hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của việc xây dựng phát triển quê hương, Nhi nghẹn ngào chia tay khu vườn âm binh và ôm theo hài cốt con gái ra đi, để lại khu đất chị đã gắn bó máu thịt gần như cả cuộc đời với hy vọng mang lại những thay đổi tốt đẹp hơn cho quê hương mình.
MỘT KHÔNG GIAN KỊCH RẤT RIÊNG
Vở diễn tuy chỉ có 4 nhân vật và không gian chỉ xoay quanh khu vườn hoang vu làng Cát nhưng đã thật sự khiến khán giả xúc động nhờ vào diễn xuất nhập tâm của các diễn viên. NSƯT Hoàng Yến đã lột tả rất thành công nhân vật Nhi từ khi còn là một cô gái trẻ cho đến khi về già.
Hình ảnh Nhi đau xót, run rẩy vắt sữa vào chén đặt lên mộ cúng con cùng với những đoạn độc thoại bằng giọng nói uất nghẹn nỗi đau đã nhận được những tràng pháo tay của tất cả khán giả có mặt trong khán phòng Nhà hát Thế Giới Trẻ.
Gốc Phi Lao già trong khu vườn cát ngoài câu nói mở đầu vở kịch không hề có một câu thoại nào khác, chỉ lặng lẽ ngồi trong khu vườn như một chứng nhân lịch sử của một câu chuyện bi tráng. Những bức tranh cát được vẽ kết hợp theo nền nhạc, lúc khoan thai hài hòa gợi đầy tâm sự theo tiếng gió và sóng biển, lúc dồn dập căng thẳng theo tiếng đạn bom đã khiến khán giả hoàn toàn bị lôi cuốn vào không gian độc đáo của vở kịch. Hình ảnh bờ biển, mặt trăng, cát, gió, sóng, những bờ lau cỏ dại trong khu vườn cát, gương mặt người con gái trẻ với mái tóc dài gợn xoăn như sóng biển, gương mặt người phụ nữ vấn khăn trên mái tóc khi đã luống tuổi… được diễn viên Trí Đức thể hiện hài hòa với âm nhạc như tạo thành dòng chảy của lịch sử, dòng chảy của thời gian.
Nền tranh cát kết hợp với những nấm mộ cát trên sân khấu, dòng cát ròng ròng chảy từ tay Nhi xuống tay Trung lúc chia tay và từ tay Trung xuống tay Nhi khi họ gặp lại nhau đã tạo nên một không gian rất riêng cho vở kịch. Những hạt cát ấy phản ánh cái nghèo của làng Cát như trong câu hát của Nhi: “Nghèo chi nghèo rứa mà nghèo/Đêm nằm cát vẫn còn theo lên giường”.
ĐỊNH HƯỚNG "GU" XEM KỊCH CỦA GIỚI TRẺ Buổi công diễn vở kịch Âm binh tối qua cũng là suất diễn đầu tiên theo định hướng “sân khấu kịch tối thứ năm hằng tuần” của Ban Giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ. Giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ Trần Ngọc Giàu cho biết ông hy vọng qua các suất diễn tối thứ năm hằng tuần này, Nhà hát Thế Giới Trẻ sẽ mang một chút tính chất kinh điển của sân khấu kịch nhà trường đến với công chúng yêu kịch và hy vọng sẽ góp một phần điều hướng cho “gu” xem kịch của giới trẻ hiện nay: Xem kịch không phải chỉ tìm lấy tiếng cười và sự giải trí đơn thuần mà còn đòi hỏi những vở kịch phải đáp ứng về mặt ý tưởng, phản ánh được nhiều khía cạnh, vấn đề của xã hội. |
Bình luận