Category : Tin tức vở diễn

CÁT TRẮNG NHƯ GẠO chạm đến tận cùng của cảm xúc

người đăng @dmin | 13-08-2015 12:00 am


“Cát trắng như gạo” là vở diễn dự thi trong Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc của tác giả, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh được biểu diễn vào sáng ngày 23/7 tại nhà hát Âu Cơ. Vở kịch mang nội dung giản dị nhưng đã chạm tới tận cùng cảm xúc của khán giả. Cát Trắng như gạo là câu chuyện về một họa sĩ đã bỏ người yêu của mình ra đi biệt xứ ngay trước ngày cưới khi biết mình bị bệnh câm, anh mong muốn sự ra đi của mình là một giải thoát cho người yêu. Sau 20 năm trở lại quê hương, anh mới biết mình đã có một cô con gái và hoàn cảnh trớ trêu là người yêu xưa của anh đang mang trọng bệnh và cô con gái đang trong tình cảnh bị điều tra vì tội trộm cắp tài sản.

 

Xuyên suốt vở kịch là chan chứa một tình yêu, người con tưởng chừng như bướng bỉnh khó bảo nhưng mang nặng một tình yêu vô bờ bến cho người mẹ nghèo bệnh tật, tình yêu khắc khoải của người đàn ông hướng về người phụ nữ mà suốt đời anh mang nợ, tình yêu của người đàn bà cứ đau đáu với trái tim như hóa đá nuôi con trong mỏi mòn đợi chờ.

Những tình tiết, biểu cảm của nhân vật, âm thanh rung lên của những nét họa trên cát… lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả, nó khiến người xem như đang chìm đắm vào câu chuyện ở một miền quê sông nước, ở một miền cát trắng xa xôi.

Ai đó bảo, ở văn và kịch Nguyễn Quang Vinh luôn thấy cát, cát mênh mông, cát lênh láng trên những triền phi lao cứ rơi vào sân khấu, từ vở Âm binh, đến vở Cát trắng như gạo luôn có một màu trắng đến nghẹn lòng đã cho thấy tình yêu vô bờ của tác giả dành những đồi cát quê hương Quảng Bình đầy nắng gió. Chính điều đó khiến nghệ thuật tranh cát luôn được nhà văn Nguyễn Quang Vinh đưa lên sân khấu kịch như một sự thử nghiệm mới mẻ và được khán giả nhiệt tình hưởng ứng.

Với diễn xuất tài tình của các diễn viên chính là điểm then chốt làm nên thành công của vở kịch. Diễn viên, họa sĩ Đức Trí đã thể hiện rất tốt độ dày về tính cách, chiều sâu của nhân vật, diễn viên Hoàng Yến vào ba vai trong một vở kịch, cô thể hiện khả năng diễn xuất tinh tế và độ làm chủ sân khấu một cách xuất sắc.

Cho dù vở kịch còn hạn chế bởi cảm giác hơi đơn điệu do quá ít nhân vật, nhưng vẫn không át đi sự rung cảm đến tận cùng của cảm xúc mà vở diễn mang lại.


Nghệ thuật tranh cát được tác giả, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh đưa lên sân khấu khiến khán giả vô cùng thích thú.

Khi vừa mới kết thúc vở diễn, một khán giả lớn tuổi đã thốt lên “ Câu chuyện giản dị, mộc mạc nhưng mang đậm tình người, tính nhân văn sâu sắc, quá tuyệt, quá tài tình!”.

 

Hạ Ly

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/cat-trang-nhu-gao-cham-den-tan-cung-cua-cam-xuc.html














 

Cát trắng như gạo: Đơn điệu vì... phá cách

PN - Biểu diễn dự thi vào sáng 3/7, vở diễn Cát trắng như gạo (TG, ĐD Nguyễn Quang Vinh) của Nhà hát Thế Giới Trẻ TP.HCM trở thành một trong những “điểm nóng” của cuộc thi Nghệ thuật sân khấu (SK) kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vì cách làm quá lạ của các tác giả.

Cát trắng như gạo gần gũi, dung dị và xúc động với những câu chuyện tình yêu của con người miền sông nước Nam bộ. Đó là tình yêu đôi lứa, là tình yêu của đứa con gái nhỏ tưởng chừng rất ngang tàng, ngỗ nghịch dành cho người mẹ phải chịu nhiều đau khổ và người cha chưa từng biết mặt; là sự khắc khoải của người đàn ông bao năm cứ ngỡ sự ra đi của mình sẽ mang lại hạnh phúc cho người mình yêu...

Tiếc rằng, hiệu ứng của vở diễn lại chưa đạt, chính vì cách làm. Cát trắng như gạo có bốn nhân vật, được xây dựng đầy đặn từ tính cách đến số phận. Cả ba vai nữ trong vở đều do NSƯT Hoàng Yến đảm nhận. Không phủ nhận bản lĩnh của NSƯT Hoàng Yến trong việc làm chủ SK và sự đa dạng, nhanh nhạy trong diễn xuất. Một số khán giả phải khá lâu sau mới nhận ra cả ba vai nữ đều do một người đóng. Nhưng thử nghiệm này cho thấy sự bất ổn.

Dù bản lĩnh làm chủ SK, nhưng việc Hoàng Yến cùng lúc đóng ba vai khiến khán giả thấy nhàm chán

Việc diễn viên (DV) đóng ba vai và liên tục xuất hiện trên SK khiến khán giả thấy nhàm vì thiếu màu sắc và sự sinh động, ở những đoạn diễn thể hiện chiều sâu tâm lý, vẫn thấy cả ba nhân vật cùng một màu, từ cách nhấn âm, ngắt câu đến biểu cảm trên khuôn mặt, ánh mắt; có khác chỉ là ở tạo hình nhân vật, phục trang, giọng nói vùng miền... NSƯT Hoàng Yến là người miền Bắc nên khi đảm nhận hai vai diễn nhân vật miền Tây bị hạn chế trong phát âm giọng miền Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc người xem.

Vai nam duy nhất của vở diễn là nhân vật người câm. Điều này trở thành con dao hai lưỡi. Yếu tố này có thể giúp DV đóng một lúc ba vai “khoe” khả năng làm chủ SK của mình. Nhưng về tổng thể, vở diễn trở nên đơn điệu. Nhiều lúc khán giả chỉ thấy DV độc thoại.

Có thể đây là một sự thử nghiệm, phá cách. Nhưng một tác phẩm SK, ở cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp, việc một DV cùng lúc đóng cả ba vai chính, thứ, phụ có vẻ không phù hợp. Tác phẩm SK là một công trình tập thể, ngoài tác giả, đạo diễn, thiết kế… còn là đội ngũ DV chính, phụ và cả DV quần chúng. DV có thể đóng nhiều vai nếu giữa các nhân vật có mối liên hệ; hoặc do nội dung yêu cầu, hoặc đạo diễn có ý đồ phục vụ cho hiệu quả tổng thể của vở diễn, chứ không đơn giản chỉ là để DV thể hiện khả năng diễn xuất.

THẢO VÂN

 

 

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận