TTO - Với vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy, Nhà hát Thế giới trẻ vừa có thêm một vở diễn tạo được ấn tượng tốt trong chuỗi kịch lịch sử hướng tới khán giả học đường, tiếp nối các vở Yêu là thoát tội, Vụ án cậu TRời ... Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà) sẽ được công diễn vào tối 10-3 và sắp lịch diễn định kỳ thứ năm hằng tuần tại sân khấu của Nhà hát Thế giới trẻ (thuộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) hay phục vụ theo yêu cầu của các trường học trong TP.
Nỗi đau của những người phụ nữ
Thành Thăng Long thuở ấy là kịch bản từng được Nhà hát Kịch VN dàn dựng với cái tên Anh hùng và mỹ nhân, vở đoạt HCV khi tham gia Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
Năm 2015, với phiên bản cải lương mang tên Tình sử hai vương triều, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai lại tiếp tục giành HCV tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm đó.
Lý Chiêu Hoàng (NSND Hoàng Yến) lúc về già nhớ những người đã khuất, ngẫm về những biến cố của thời cuộc - Ảnh: GIA TIẾN
Thế nhưng, với bản lĩnh của mình, êkip của NSND Hoàng Yến đã làm cho Thành Thăng Long thuở ấy không hề mang bóng dáng của những bản dựng trước đây. Không hoành tráng về cảnh trí, trang phục, số lượng diễn viên…, vở được đầu tư tốt về nội lực diễn viên, tinh tế về trang phục, cảnh trí, âm nhạc…
Lấy dấu mốc thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, kịch bản xoáy sâu vào thân phận những người đàn bà trong sự chuyển xoay khắc nghiệt của thời cuộc.
Trần Thị Dung bị miệng đời gièm pha lấy kẻ bức tử chồng, đẩy hai con vào nỗi đau oan trái - Ảnh: GIA TIẾN
Trần Thị Dung bị miệng đời gièm pha lấy kẻ bức tử chồng, đẩy hai con vào nỗi đau oan trái. Công chúa Thuận Thiên bị ép lấy người khác khi đang mang thai đứa con với chồng cũ. Cay đắng nhất có lẽ là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý - người luôn dằn vặt vì bất tài mà đánh mất vương triều Lý, bị sắp đặt nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, rồi vì không thể sinh con mà bị ép rời bỏ tình yêu, rời bỏ ngôi hoàng hậu và nhìn chị ruột thế chỗ...
Phúc họa đó nằm dưới bàn tay xoay chuyển của thái sư Trần Thủ Độ - một nhân vật mà cùng với Hồ Quý Ly đã trở thành cái tên khiến sử sách ngày sau phải nâng lên đặt xuống…
Tây Phong là một phát hiện thú vị với vai Trần Thủ Độ
Xốn xang với lịch sử
Thành Thăng Long thuở ấy đã kỳ công xây dựng được những lớp diễn khiến người xem phải xốn xang, nao lòng. Đó là khi Lý Chiêu Hoàng đối đầu với Trần Thủ Độ. Khí chất của nàng đã khiến sự kiêu hãnh của Trần Thủ Độ phải chùng xuống và biết rằng có một kẻ mà ông không khuất phục nổi.
Mối tình đau đớn của Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng có lẽ là mối tình đầy xót xa trong lịch sử. Để củng cố, tập trung quyền lực cho nhà Trần, Trần Thủ Độ đã buộc họ lìa xa, Lý Chiêu Hoàng phải trải qua những năm tháng đằng đẵng cô đơn. Rồi cuối cùng, với sự sắp đặt của Trần Cảnh, bà lấy tướng Lê Tần.
Lớp diễn "gả chồng cho vợ" của Trần Cảnh là lớp diễn xúc động nhất của vở diễn
Lớp diễn "gả chồng cho vợ" của Trần Cảnh là lớp diễn xúc động nhất của vở diễn. Ai bày ra nỗi trớ trêu khi lòng còn thương mà phải buộc trao tay người mình yêu cho người đàn ông khác. Khi Lý Chiêu Hoàng và Lê Tần dợm bước đi, nàng quay nhanh lại sập cánh cổng thành, nhạc trỗi lên, Trần Cảnh khuỵu xuống. Đứng trên vạn người mà không thể giữ được tình yêu, ai thấu cho nỗi lòng của một quân vương…
Hoàng Yến lại một lần nữa có vai diễn hay với nhân vật Lý Chiêu Hoàng, khi thể hiện một chặng đường thăng trầm từ thời trẻ đến trung niên và lúc về già. Chiêu thánh thời trẻ có chút khó khăn cho Hoàng Yến vì sự cách biệt tuổi tác, tuy nhiên những giai đoạn sau cô vào vai ngọt và chinh phục tình cảm của khán giả.
Hoàng Yến vai Lý Chiêu Hoàng, Tây Phong vai Trần Thủ Độ
Tây Phong là một phát hiện thú vị với vai Trần Thủ Độ. Người làm nghề biết đến anh nhiều ở vị trí đạo diễn vở Ngộ nhận của sân khấu Hồng Hạc. Tây Phong có ngoại hình phù hợp với nhân vật, đảm nhận một vai lớn nhưng anh ít nhiều tạo ấn tượng.
Tuy nhiên, đoạn Trần Thủ Độ về già, chàng nghệ sĩ trẻ cần thêm thời gian để ngấm nhân vật sao cho vẫn giữ được thần thái, tính cách Trần Thủ Độ nhưng có những chuyển biến thuyết phục khán giả hơn.
Thành Thăng Long thuở ấy có còn có sự tham gia của các diễn viên Lê Hoàng Giang, Phương Minh, Chu Anh, Sĩ Hoàng, Huy Thục, Quốc Việt… Cảnh trí trong vở diễn có sự phá cách, là hai trụ cao nối bằng cổng thành với hai cầu thang lên xuống có thể xoay chuyển, vận dụng linh hoạt trong những phân đoạn góp phần khắc họa thêm nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, nếu như cảnh trí được xử lý màu sắc cho xưa cũ và tinh tế hơn có lẽ sẽ tăng thêm cảm xúc của người xem. Âm nhạc cũng khá mới mẻ. Trong đó, đặc biệt là việc xử lý đọc rap cho nhân vật người chép sử trẻ. Đây cũng là một thử nghiệm để đem lại không khí mới cho vở và hướng tới khán giả trẻ là đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, phần nhạc rap nên được chăm chút để có sự kết hợp xưa - nay và đặt để trong hoàn cảnh phù hợp.
Từng được một số nhà hát dàn dựng và giành Huy chương vàng tại các hội diễn và cuộc thi sân khấu toàn quốc, nhưng ở lần trở lại trên sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh), vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy của tác giả Chu Thơm, do NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn, đã mang một diện mạo mới, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Tuy là vở diễn đề tài lịch sử theo kịch bản cũ, song Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế giới trẻ là vở diễn hoàn toàn mới, không bị rơi vào lối mòn và phong cách của những bản dựng trước đó của các nhà hát, thể hiện được sự khác biệt và những sáng tạo độc đáo của đạo diễn và tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ. Phản ánh về một giai đoạn lịch sử chuyển giao giữa hai triều đại với những bi kịch cung đình và thân phận con người trong vòng xoáy quyền lực, nhưng vở diễn lại không để người xem rơi vào quá khứ nặng nề, bi lụy mà vẫn lấp lánh những khoảng lắng trữ tình, những trào dâng cảm xúc của ý thức trách nhiệm, biết trọng lợi ích của quốc gia, của những bản tình ca. Cho dù biết rằng, những nỗi đau của mỗi cá nhân, mỗi thân phận con người sẽ rồi như hạt cát nhỏ bồi đắp dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Nội dung vở diễn xoay quanh những âm mưu cung đình trong thời điểm nhà Trần thay thế nhà Lý với nhân vật trung tâm là Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là cuối cùng của nước ta thời phong kiến tự chủ, đầy truân chuyên, chìm nổi theo thời cuộc. Vở Thành Thăng Long thuở ấy đã tái hiện hình ảnh một Lý Chiêu Hoàng trên ngôi vị vương quyền mang nỗi đau dằn vặt của một tội nhân để mất vương triều vào tay dòng họ khác, vua cha bị bức tử, bản thân mất đi đứa con trong bụng khi chưa kịp chào đời, rồi bị ép rời bỏ tình yêu, rồi phải rời bỏ cả ngôi hoàng hậu để người khác thế chỗ... Trong những biến động khắc nghiệt của lịch sử, Lý Chiêu Hoàng và những người phụ nữ khác như hoàng hậu Trần Thị Dung, công chúa Thuận Thiên... đều không tránh khỏi những bi kịch trên bàn cờ thế sự, đổi thay giữa hai vương triều. Theo tác giả, nhà viết kịch Chu Thơm, nỗi đau và mất mát của Lý Chiêu Hoàng có thể dễ nhìn thấy, nhưng cái khó thể hiện nhất chính là niềm u uất trong suốt cuộc đời bà với tình yêu và những niềm hạnh phúc, khổ đau. Tuy nhiên, đối diện với nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua ấy, vẫn hiển hiện một Lý Chiêu Hoàng mạnh mẽ, sắc sảo và cá tính, biết hy sinh vì đại cuộc của dân tộc và đất nước. Bằng lý trí sáng suốt của mình, bà vẫn nhận ra cái tài trị nước của Trần Thủ Ðộ và biết chỉ có ông mới mang lại được sự ổn định trong bối cảnh suy tàn của nhà Lý. Yêu Trần Cảnh, nhưng bà lại chấp nhận những nghịch cảnh, dời đi để nhà vua củng cố quyền lực, tập trung xây dựng đất nước, chuẩn bị chống giặc ngoại xâm đang lăm le ngoài bờ cõi. Ðó là một tình yêu cao cả mà thầm lặng nhưng ít người thấu hiểu. Ðể có được thành công của vở diễn, phải kể tới diễn xuất tài năng của NSND Hoàng Yến trong vai Lý Chiêu Hoàng xuyên suốt cuộc đời thăng trầm của nhân vật từ khi trẻ đến trung niên và lúc về già. Bằng từng hành động kịch, ánh mắt và lời thoại thấm đẫm cảm xúc, người nghệ sĩ diễn như "rút ruột" tự đáy lòng, cho thấy tâm tư, những nỗi đau của phận nữ nhi và cả khí chất khảng khái của một công chúa, một nữ hoàng triều Lý.
Bên cạnh diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ, một trong những yếu tố góp phần mang lại thành công của vở diễn là các sáng tạo mới trong thiết kế, trang phục và âm nhạc. Cảnh trí sân khấu được tối giản với hai bục trắng trên nền phông sẫm màu, có thể vận dụng linh hoạt tùy theo từng phân cảnh và phù hợp nội tâm nhân vật. Trang phục của các nhân vật chủ yếu có hai mầu đỏ và đen, vẫn bảo đảm được sự sang trọng chốn cung đình, vừa thêm phần ấn tượng ở một vở diễn nhiều bi kịch chính trường. Ðặc biệt, đạo diễn đã mạnh dạn kết hợp yếu tố hiện đại trong âm nhạc vở diễn khi đưa cả đọc rap vào cho nhân vật người chép sử cùng những bản tình ca đẹp, nâng đỡ cảm xúc người xem. Những thử nghiệm này góp phần giảm bớt sự nặng nề, khô khan của một vở chính kịch lịch sử, mang đến không khí tươi mới, thu hút khán giả, nhất là giới trẻ.
Thành Thăng Long thuở ấy là vở diễn tiếp nối chuỗi kịch lịch sử trên sân khấu xã hội hóa của Nhà hát Thế giới trẻ và sẽ được diễn định kỳ thứ năm hằng tuần tại rạp diễn của nhà hát. Nhà hát cũng dự kiến đưa vở diễn vào phục vụ tại các trường học theo hợp đồng tại TP Hồ Chí Minh.
Thành Thăng long thuở ấy' - Nối tiếp chuỗi kịch lịch sử vào học đường
(VOH) - Làm kịch lịch sử cho người trẻ, cho HS-SV không phải quá mới mẻ, nhưng câu chuyện về “Thành Thăng Long thuở ấy” do NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng cũng làm người xem tò mò và bị lôi cuốn.
Vì câu chuyện này vốn không mới nhưng qua tài diễn xuất của ê-kíp vốn rất quen thuộc với kịch sử của NSND Hoàng Yến thuộc Trường đại học Sân khấu diện ảnh TPHCM thì câu chuyện lại là một bức tranh khác, không mang theo bóng dáng của bất kỳ một bản dựng nào trước kia.
Một giai đoạn lịch sử được khai thác qua nhiều loại hình sân khấu từ chèo, cải lương, phim… nhưng lần này là một lát cắt đầy hương vi: có nhạc rap, có những bản tình ca hay đến nao lòng, có không gian kịch sử đẹp đến lạ và nhiều yếu tố hấp dẫn khác làm nên một câu chuyện đẹp và thương của “Thành Thăng Long thuở ấy” – một kịch bản tiếp theo nằm trong dự án kịch sử vào học đường.
Những ngày cuối tuần, các diễn viên của vở “Thành Thăng Long thuở ấy” tất bật chạy lại vở sau buổi ra mắt khá thành công. Từ những lời góp ý của các nhà chuyên môn, báo giới và khán giả, ê-kíp điều chỉnh và tập luyện lại cho khớp đường dây kịch bản để chuẩn bị cho kế hoạch biểu diễn định kỳ vào tối thứ 5 hàng tuần tại sân khấu Thế Giới Trẻ. Song song đó là biểu diễn tại nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kịch bản này nằm trong dự án “Kich lịch sử vào học đường” do NSND Hoàng Yến làm giám đốc sản xuất, sau thành công của “Yêu là thoát tội” , “Vụ án cậu trời”…
“Thành Thăng Long thuở ấy” tác giả kịch bản: Chu Thơm – một giai đoạn lịch sử Lý – Trần vốn đã rất rất quen thuộc với người yêu sân khấu. Nhiều ê-kíp, đạo diễn đã từng để lại những dấu ấn riêng với bản dựng của mình. Nhưng lần này Đạo diễn Giang Mạnh Hà cùng diễn viên của mình đã làm nên một điều thật khác biệt, với lối dàn dựng có tư duy, như một tác phẩm điện ảnh thu nhỏ có sự chọn lựa và suy nghĩ điều mà điều khán giả cần.
Âm nhạc hiện đại khi có cả nhạc Rap và những giai điệu Ballad nhẹ nhàng. Cảnh trí gần như tối giản với những chiếc cầu thang xoay, với thành quách, tường thành… một lối thiết kế bắt mắt và thông minh khi cùng lúc có thể thay đổi các chiều không gian sân khấu với những cú xoay cầu thang, hay di chuyển những bức tường thành phá cách.
Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất phải dành cho diễn viên, những diễn viên có nghề và vốn rất quen thuộc với chính kịch. Những diễn viên giỏi luôn biết cách làm mình tỏa sáng dù đó là dạng vai vì hay thể loại kịch gì. Có rất nhiều năm kinh nghiệm như NSND Hoàng Yến hay diễn viên trẻ Lê Hoàng Giang hoặc Quốc Việt thì họ cũng đều làm cho người xem thấy hài lòng với vai diễn theo cách riêng của họ.
Lê Hoàng Giang – diễn viên trẻ nhưng đảm nhận vai nam chính của nhân vật hạnh phúc, cho biết: “Để chúng ta biết nhiều hơn về sử Việt Nam, khi ta tìm hiểu với những buổi kịch như thế này sẽ giúp học sinh thích thú hơn, không phải cảm thấy quá khô khan. Với sự đón nhận của khán giả hôm nay thì mình có niềm tin là các bạn học sinh sẽ thích vở kịch này”.
Đã có lần chúng tôi thắc mắc, bỏ nhiều tiền để đầu tư hàng loạt vở sử cho người trẻ, học sinh, sinh viên, vậy thì có chắc tái đầu tư được không? NSND Hoàng Yến – nhà sản xuất của chương trình chỉ cười và chia sẻ rằng lấy sự yêu kịch của lớp khán giả trẻ trong tương lai để tái đầu tư.
Quả thật điều NSND Hoàng Yến nói cũng là niềm trăn trở của biết bao người làm sân khấu. Bằng cách này hay cách khác – họ hết sức khéo léo đề được người trẻ chấp nhận. Không thể vội vã nhưng phải đặt để mình vào vị trí người xem để hiểu cần làm gì cho hay nhất. Thực tế cho thấy thì dự án này đang có những khoản “lời” thật sự - Họ lời khi có được những bản dựng chất lượng và người xem cũng là người có gu, có chính kiến.
Kịch bản “Yêu là thoát tội” của dự án này cán mốc 100 suất diễn vào năm 2020, con số này là con số ít ai dám nghĩ tới, huống chi là kịch sử. Với họ vậy là đủ.
Khi tiếp tục đầu tư vào “Thành Thăng Long thuở ấy”, ê-kip này cũng chỉ mong nhận được khoản lời là sự háo hức chờ đón của công chúng trẻ - vì đó là khoản lời duy nhất họ cần để có niềm tin cho những dự án tiếp theo – NSND Hoàng Yến chia sẻ thêm: “Mình nghĩ đúng là phải diễn bằng tất cả tâm hồn bởi vì nó không phải là kịch sinh hoạt, không phải kịch do tác giả tạo ra từ sự hư cấu mà nó là kịch lịch sử đã định hình ít nhiều trong đầu người xem. Nên mình phải đóng làm sao không gây sự phản cảm, phải để cho người ta yêu thích nhân vật lịch sử. Mục đích của chúng mình là diễn cho học sinh các trường phổ thông trung học nên làm sao để các em tiếp cận và yêu được các nhân vật lịch sử”.
Việc sử dụng âm nhạc hiện đại cho một kịch bản sử là xưa nay hiếm nhưng khi đạo diễn Giang Mạnh Hà dám thử thách, chứng tỏ ông cũng dám chấp nhận những khen chê từ công chúng, miễn sao mang lại hiệu quả tốt nhất cho bản dựng: “Đây là một câu chuyện sống động chúng tôi muốn chuyển tải đến lớp trẻ. Hiện nay sân khấu đang nhạt nhòa do khán giả xa rời sân khấu hay do tác phẩm chưa đủ sức hút đối với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Chúng tôi mong muốn gửi gấm đến khán giả một câu chuyện mà đặt tính hấp dẫn lên hàng đầu để thu hút khán giả trẻ”.
Học sử thông qua tác phẩm sân khấu từ lâu không còn mới, nhưng làm thế nào để các em học sinh thích. Từ sân khấu các em thấy yêu hơn sử và ngược lại thì còn gì bằng. Câu chuyện này chắc chắn sẽ còn phải làm dài chứ không chỉ một sớm một chiều và những người yêu trẻ, yêu kịch đã bắt tay vào làm và đang làm rất tốt.
Đạo diễn Tây Phong - lần đầu tiên bước chân lên sân khấu với vai trò diễn viên và đảm nhận vai phản diện quan trọng trong kịch bản nhưng làm người xem ngỡ ngàng vì sự điềm nhiên và tĩnh tại trong tâm thế, tạo hình nhân vật – Khóc, cười cho vòng xoay thế cuộc – chua cay, xót xa nhưng đầy lôi cuốn.
Cũng như các nghệ sĩ của vở anh cũng chỉ mong mang thêm những nét chấm phá khác cho kịch sử để khán giả không còn nghĩ nó nặng nề và kén người xem: “Đây cũng là một cơ hội để mình hoàn thành nhiệm vụ đạo diễn tốt hơn. Mình nghĩ là các diễn viên cứ đào sâu vào nhân vật, giống như những cách mà các bậc tiền bối đã làm và làm bằng một sự chân thật thì sẽ có kết quả. Mình mong các bạn học sinh sinh viên và các anh chị đón nhận các vở kịch có đề tài lịch sử giống như vở “Thành Thăng Long thuở ấy”.
Người làm sân khấu chỉ biết làm hay nhất có thể và luôn lắng nghe công chúng để được là một phần của công chúng. Vấn đề còn lại: hay hoặc chưa hay sẽ còn tùy thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người. Và làm nghệ thuật là “làm dâu trăm họ”, khen – chê chỉ là một giới hạn rất mong manh.
Thế nhưng có một êkip bền bỉ với dòng kịch sử, với người trẻ thì đó đã là một điều đáng được động viên và khích lệ. Mong dự án này sẽ tiếp nối những thành công.
Bắt đầu với buổi diễn phục vụ đầu tiên vào tối thứ 5 ngày 18/3 tại Nhà hát Thế Giới Trẻ.
Bình luận