Category : Tác giả Lê Chí Trung, Họa sĩ Trí Đức, Họa sĩ Thế nhân

Tác giả Lê Chí Trung

người đăng @dmin | 23-08-2015 12:00 am

“Người vô học bén duyên sân khấu”

Tác giả Lê Chí Trung, giải Cù nèo vàng năm 2009, đã tự nhận mình như thế

- Phóng viên: Ngoài đời, hình như anh hơi... khó tính, thậm chí khó chịu. Vậy sao anh có thể viết được nhiều vở hài nổi tiếng, như: Giải oan Thị Mầu, Số đỏ, Chuyện đùa như thật...?


- Lê Chí Trung: Đâu cứ phải đi qua nhiều nỗi buồn người ta mới viết được bi kịch? Tôi không nghĩ cứ phải cười sằng sặc từ đầu đến cuối vở mới là hài kịch. Cuộc sống buồn vui lẫn lộn. Người làm sân khấu có câu khi cái bi lên đến tột đỉnh thì chuyển sang cái hài và ngược lại. Có lẽ vì thế, những vở bi-hài kịch thường mang lại nhiều xúc cảm nghệ thuật và được người xem đón nhận nồng nhiệt.


 
- Gần đây, anh hay chuyển thể các tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước năm 1945, có phải vì anh cảm thấy mệt mỏi và muốn né tránh hiện thực hôm nay?


- Trong số mấy chục tác phẩm của tôi, tôi chỉ chọn chuyển thể ba tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Giông tố. Trước hết, tôi yêu cách nhìn đời và con người-nhân vật trong các tác phẩm của ông. Thứ hai, trong thế hệ các nhà văn thời lãng mạn, hiện thực phê phán... theo cảm nhận của riêng tôi, Vũ Trọng Phụng là người gần chúng ta nhất.
 
Loại người như Xuân tóc đỏ, ông bà Văn Minh, cô Duyên, cô Ái, tú bà Ách Nhoáng... chẳng phải còn đầy rẫy trong xã hội chúng ta ngày nay? Chuyển thể không phải là cách né tránh hiện thực mà là thổi thêm hơi thở ngày nay vào những tinh hoa văn học trong quá khứ. Tôi đã hơn một lần nói rằng, tôi không làm nô lệ cho quá khứ. Tôi không tự khoe mình. Nhưng tôi đã và còn viết nhiều vở đi đến tận cùng hiện thực trong cõi sống con người ngày nay. Tôi có vở mới viết xong cách đây nửa tháng mà nhiều đạo diễn đàn anh đã ồ lên “Thằng này gấu quá...”.

Nghệ sĩ Bình Minh, Thanh Vân và NSƯT Hồng Vân trong vở Mẹ và người tình, vở diễn đoạt giải A Hội Sân khấu VN 2009, do Lê Chí Trung viết kịch bản. Ảnh: Thanh Hiệp



-Anh từng là người viết phê bình rất “máu lửa”. Sao gần đây anh không viết? Hay anh đã bị lụt nghề?
- Khi tôi có nhiều vở dựng, tôi không viết phê bình nữa. Ở ta không có đời sống phê bình lành mạnh. Rất nhiều người quen nghĩ rằng, phê bình là đánh người này, đập người kia. Nếu tôi có công tâm, trong sáng đến mấy người ta cũng bảo rằng mình đang “chơi” đồng nghiệp. Có điều những người viết phê bình cũng nên hiểu mình đang đứng trong nền sân khấu nào. Anh không thể viết ra những cảm nhận như một khán giả bình thường hoặc ảo tưởng về một nền sân khấu. 


-Lúc này nghe nói anh còn có nghề kinh doanh địa ốc? Có phải đó là nghề kiếm tiền nuôi nghề sáng tác của anh?
- Tôi vẫn nhớ nhà phê bình sân khấu Hồ Thi. Khi ông ngoài sáu mươi, ông rất tâm đắc với câu: “Lục thập tòng sở dục”. Đại ý là người trên sáu mươi tuổi nên làm theo điều mình muốn. Tôi hình như cũng còn một quãng nữa mới đến sáu mươi. Nhưng mấy chục năm qua tôi luôn khoanh tay đứng ngoài thế tục.  Tôi thích gì làm nấy. Điều quan trọng, tôi nói với các con tôi, bố mẹ chỉ để lại cho các con vài chữ, đó là nhân cách làm người. Ai đó có thể không ưa mình về mọi chuyện nhưng không ai dám khinh mình...


- Anh có bằng lòng với những gì mình đạt được?
- Người nghệ sĩ là không bằng lòng với tất cả. Vừa rồi, tôi đã đọc mấy bài viết tiễn biệt nhà thơ Hữu Loan. Buồn. Buồn cho nhiều thân phận nghệ sĩ. Tôi đã từng có rất nhiều buổi chiều một mình đi giữa những đồi sim, nhưng không thể vẽ lên nỗi ám ảnh về đồi sim như ông ấy. Tôi từng làm thơ, nhưng nếu có làm thơ trăm năm nữa cũng không thể đạt đến ngưỡng những ca từ đầy mộng mị như Trịnh Công Sơn.

- Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người đàn bà, trường hợp của anh thì sao?
- Tôi không biết nhiều về các bà vợ của các nhà văn, nhưng nếu không có bà vợ như vợ tôi (nhà báo Dương Thị Liên Chi, Phó Tổng Biên tập Báo Sân khấu TPHCM- PV), có khi tôi đã trở thành... tướng cướp hay cũng có thể là một đại gia không chừng.


- Hai con của anh, một đã theo nghề báo, một còn đang học phổ thông. Chắc cũng sẽ nối nghiệp bố mẹ?
- Tôi đã triệt thiên hướng viết văn của con gái tôi. Người đàn bà viết văn khổ lắm. Đàn ông còn nhiều khi muốn phát điên... Khi học lớp 9, con tôi đã viết được tập truyện ngắn và tôi tìm mọi cách không để chúng theo nghề văn. Có thể tôi hơi quân phiệt và sai lầm nhưng tôi không muốn các con tôi phải trải qua và trả giá như cuộc đời tôi... 



Học ở mọi người

Tác giả Lê Chí Trung nói: “Trong mấy chục năm cầm bút, tôi đã học được rất nhiều điều, từ rất nhiều người. Bởi, nếu nói một cách văn hoa, tôi là người tự học. Còn nếu nói trắng ra, tôi là người vô học bén duyên sân khấu. Giờ đây, tôi vẫn nói với các học trò của tôi, nhiều khi đường nét biểu diễn, cách biểu hiện tâm lý tinh tế của diễn viên là những gợi ý quý giá cho người viết kịch. 

Ngay cả với những diễn viên mới tập tễnh vào nghề, không được đào tạo bài bản như siêu mẫu Bình Minh chẳng hạn, tôi vẫn học được ở cậu ấy cái khát khao cháy bỏng được tự khẳng định mình trong nghệ thuật.
 
Ngẫm lại, tôi đã học được ở bố vợ tôi (cố nhà văn, tác giả kịch bản Ngọc Linh- PV) về nhân cách một người cha; một cây bút sân khấu hàng đầu về biểu hiện tâm lý con người, nhưng trên hết và trước hết, ông là tấm gương cho tôi vẽ nhân cách của một nhà văn, nhà báo. Lúc nào, ông cũng ngẩng cao đầu trong cuộc đời...”.
 
THANH HIÊP thực hiện



08:00 18/08/2015

Chúng tôi gặp họa sĩ Đặng Trí Đức ngay sau khi buổi diễn của Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (lần thứ III) vừa kết thúc. Dù chưa thật sự thoát ra được khỏi nhân vật, bởi với anh mỗi lần lên sân khấu đều như rút hết sức lực của mình, nhưng họa sĩ Đặng Trí Đức đã dành cho báo chí sự chia sẻ khá thoải mái.


Bình luận

Viết bình luận