YÊU LÀ THOÁT TỘI - 50 SẮC THÁI
YÊU LÀ THOÁT TỘI - 50 SẮC THÁI KHÁC CỦA TÌNH YÊU
( https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10215425287441425&set=a.10214904049730808&type=3&theater )
Lần cuối cùng tôi đi xem kịch ở sân khấu là vở Bí mật vườn Lệ Chi. Gần 2 thập niên trôi qua, tôi mới có dịp thưởng thức kịch trở lại. Như một sự trùng hợp, vở kịch dã sử có tên Yêu Là Thoát Tội, được cảm tác từ vụ kỳ án Lệ Chi Viên. Có lẽ khó có khán giả ngoại đạo nào may mắn như tôi vì được xem 1 vở những 2 lần liên tiếp, và mỗi lần xem đều cho tôi trải nghiệm khác nhau với cảm xúc cũng khác biệt.
Nếu như xem phim, khán giả thích thú với phần credit cuối phim, thì tôi lại vô cùng ấn tượng từ phần giới thiệu diễn viên-nhân vật khi mở màn. Ánh đèn khán phòng tắt, âm nhạc nổi lên, lập tức cuốn hút mọi sự tập trung của khán giả về sân khấu. Trên sân khấu xoay, từ trong tấm màn đen, lần lượt từng diễn viên-nhân vật hiện ra. Lời giới thiệu đến nhân vật nào thì diễn viên đóng vai ấy gởi lời chào đến khán giả bằng 1 động tác, điệu bộ, tuy đơn giản và nhẹ nhàng mà thể hiện trọn vẹn tính cách của nhân vật mà họ thể hiện. Nguyễn Thái Úy đứng trầm ngâm, vuốt râu cùng ánh mắt nhìn xa xa là biết ngay ông đang đau đáu một điều trong lòng. Nguyễn Thị Lan chậm rãi, nền nã đưa hai tay sửa khăn vấn mái tóc, hẳn là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Đức Vua cùng dáng đứng uy nghiêm nhưng nét mặt không đanh sắt, chắc chắn vị vua có quá nhiều nỗi niềm. Thái giám Lê Đa có vẻ hơi khúm núm, dáo dác, ánh mắt sắc sảo không phải gã thái giám an phận. Nguyễn Hiền cùng cử chỉ cúi chào tươm tất, vẻ cam chịu, có lẽ ông đang bất lực bởi không muốn thỏa hiệp nhưng lại không đủ sức phản kháng. Thái Tử có nụ cười tinh nghịch, mắt láu lỉnh. Lão Hoạt ăn vận nhìn ngay ra người ăn kẻ ở trong nhà, ngơ ngác, hoảng hốt trước sự đời thay đổi. Và nhân vật tôi chú ý nhất chính là Hoàng hậu, diễn viên Kim Dung (vai Hoàng hậu) phe phẩy cây quạt cùng cái liếc mắt sắc như cau, ánh lên nỗi ghen tuông đàn bà. Phần mở màn thật sự mới lạ và sáng tạo, tôi chưa bắt gặp ở bất kỳ vở diễn nào từng xem trên sân khấu. Và chính ngay lúc đó, tôi biết mình sẽ được xem một vở kịch chỉn chu và độc đáo.
Đúng như cái tựa, Yêu Là Thoát Tội, vở kịch lấy chữ Yêu làm chính. Một vở chính kịch dã sử lại chứa đựng đủ các sắc thái tình yêu, nghe có vẻ kỳ lạ. Như chia sẻ của NSƯT Hoàng Yến (vai Thị Lan) và nghệ sĩ Huy Thục (vai Thái giám Lê Đa), muốn đưa chính kịch đến gần lớp khán giả trẻ, vì thế, việc lựa chọn chủ đề tình yêu, gần gũi với giới trẻ là cách tiếp cận đúng đắn. Không thể mang kịch đến với người trẻ nếu chọn lựa các vở kịch có chủ đề khô khan và xa rời đời sống.
Tình yêu vợ chồng sâu sắc, tương kính tương tân dù có chêch lệch tuổi tác giữa Nguyễn Thái Úy và vợ, bà Nguyễn Thị Lan. Tình yêu đi đồng với sự ngưỡng mộ vì tài năng và phẩm chất của bà Nguyễn Thị Lan dành cho chồng. Tình yêu chân thật, mãnh liệt, trớ trêu của Đức vua gởi trao đến vị Học sĩ Thị Lan. Tình yêu day dứt, mâu thuẫn của bà Thị Lan đối với Đức Vua. Và cuối cùng là tình yêu vị kỷ, có phần thiếu khôn ngoan, ghen tuông của Hoàng hậu dành cho Đức Vua.
Nhan sắc mặn mà, trí tuệ sắc sảo của Thị Lan đã làm Đức Vua say mê và đem lòng yêu sâu sắc. Bởi lẽ, giữa triều chính rối ren, loạn thần tung hoành, hậu cung toàn cung tần mỹ nữ chỉ biết ghen tuông, săn đón mà không có lấy một người thấu hiểu, Học sĩ Thị Lan nổi bật chính nhờ vẻ tươi đẹp đang ở độ chín xuân sắc, sự thông minh và nhạy cảm của một phụ nữ từng trải. Cũng chỉ có Thị Lan dám từ chối tình cảm khiến Đức Vua thấy mình như một người đàn ông cần đi chinh phục tình yêu của một người đàn bà. Bà Thị Lan cũng thẳng tay dạy dỗ Thái tử vì hơn ai hết, bà hiểu rõ nếu không có tài trí lại thiếu nhân cách thì làm sao trị vì giang sơn, làm sao trở thành minh quân. Chính nhờ sự thấu hiểu đó đã khiến Đức Vua thêm phần cảm động vì cả triều đình và hậu cung, không có lấy 1 ai khẳng khái đến thế. Tình yêu Nhà Vua dành cho Thị Lan đã hình thành và lớn dần khi Nhà Vua nhận ra chỉ có mỗi Thị Lan là hiểu được nỗi lòng của mình.
Hoàng Hậu ơi, người xinh đẹp, nhạy cảm, mạnh mẽ, danh chính ngôn thuận và đã có Thái tử nhưng Người lại không biết nắm bắt lấy. Người không hiểu người đàn ông của mình cần gì. Vì không hiểu nên Người đã sai khi chỉ biết ghen tuông mà quên rằng Đức Vua của Người hằng mong muốn một tri âm tri kỷ, một người vợ mỹ nhân nơi hậu cung và một bề tôi trung thành, sâu sắc nơi triều đình. Tại sao Người không nhận ra? Tại sao Người chỉ lo đối đầu với người phụ nữ thứ 3 mới xuất hiện kia? Người có biết, tình cảm giữa Đức Vua và người phụ nữ ấy mới chớm và chính Người đã đẩy người đàn ông của mình càng lúc càng xa hơn để đến gần người phụ nữ kia hơn. Người kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi bước vào lãnh cung, cớ gì lại hạ mình so đo hơn kém với người phụ nữ khác trong khi chính mình là bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ?
Vở kịch độc đáo ngay từ thiết kế sân khấu, chỉ độc nhất chiếc cầu thang gỗ mà biến hóa thật đa dạng: phủ Thái Úy, ngai vàng, thư phòng và cả dòng sông, vườn thượng uyển…Nhờ thêm ánh sáng và diễn xuất của diễn viên mà từng bối cảnh hiện lên rất rõ rệt, không khiên cưỡng. Phải nói tôi cũng rất thích thú với thiết kế ánh sáng của vở kịch. Trước giờ, tôi chưa hiểu rõ vai trò của người thiết kế ánh sáng sân khấu bởi lẽ những vở kịch tôi từng xem đều có sân khấu lộng lẫy và tả thực. Trong Yêu Là Thoát Tội, sân khấu ước lệ, tôi mới nghiệm ra vai trò quan trọng của ánh sáng, giúp vở diễn chân thật và sống động hơn nhiều.
Nét độc đáo khác của Yêu Là Thoát Tội chính là phục trang. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã mang lại sự mới mẻ khi toàn bộ trang phục chỉ 2 màu đen trắng, từng nhân vật chỉ khác nhau ở họa tiết trên ngực áo. Nhưng có lẽ lộng lẫy nhất là bộ áo dài của Hoàng Hậu. Ngay khi xuất hiện, khán giả biết ngay người vận bộ áo kia là bậc Mẫu nghi thiên hạ. Bộ áo dài với dải lụa trắng buông trước thân và sau lưng, sự tha thướt, uyển chuyển của dải lụa theo từng bước đi chỉ bậc Hoàng hậu tôn quý nhất mới xứng đáng có. Chiếc khăn vấn tóc của nhân vật Hoàng Hậu và Thị Lan cũng làm tôi mê mẩn (ôi, phụ nữ mà). Tôi thích sự chỉn chu khi diễn viên được hóa trang cẩn thận như họ vấn tóc thật chứ không chỉ buộc tóc sau gáy rồi đội khăn lên. Chiếc khăn vấn màu đen nhung, trang trí mỗi một trâm cài lấp lánh, không hề diếm dúa lại rất sang trọng. Tôi chợt nghĩ, biết đâu, sau khi vở kịch được công diễn, sẽ có nhiều cô dâu đặt may cho mình bộ áo dài cưới như thế này. Nếu có những bộ thời trang đã từ màn ảnh thâm nhập vào đời sống như chiếc váy xanh mơ màng của Lọ Lem, công chúa Elsa, thì cớ gì không thể đặt niềm tin vào việc bộ áo dài khăn vấn thanh lịch, sang trọng kia từ sân khấu kịch sẽ xuất hiện ở các lễ cưới ngoài đời thực?
Mọi người đều biết, nét diễn của diễn viên làm nên linh hồn vở kịch. Tôi may mắn được diện kiến rất rõ linh hồn vở kịch Yêu Là Thoát Tội vì đã xem 2 suất diễn liên tiếp nhau. Cũng một lời thoại, hành động nhưng mỗi lần, nét diễn của diễn viên ra một sắc thái khác và cũng khiến tôi có cảm xúc khác. Như Nguyễn Thái Uý ngày hôm nay trông có sự bất đắc chí, bất mãn đến bạc nhược thì hôm sau, tôi nhận ra ông vẫn đang khắc khoải vì lo lắng cho vận mệnh nước nhà. Bà Thị Lan nếu ở buổi diễn đầu khiến tôi khó chịu vì cái vẻ cúi đầu cam chịu như một thứ phi đang chịu đựng sự ghen tuông thì ở đêm diễn sau, cũng cái tư thế chịu trói và cúi đầu trước Đức Vua và Hoàng Hậu như thế, tôi nhận ra bà Học sĩ Thị Lan chỉ đang nhẫn nhịn trước sự tức giận của Hoàng Hậu để hậu cung không dậy sóng, trong bà vẫn toát lên cốt cách điềm tĩnh, thấu hiểu nỗi lòng phận đàn bà trước người đàn ông thay lòng đổi dạ.
Ở buổi diễn đầu, tôi xem để thấu cảm nội dung vở kịch, chuyển biến tâm lý nhân vật thì ở buổi diễn thứ 2, tôi chuyển sang nét diễn xuất của diễn viên, quan sát kỹ nét mặt, điệu bộ và nhất là chuyển sự chú ý đến các nhân vật phụ trong từng cảnh. Vì mỗi cảnh diễn sẽ có 1-2 nhân vật làm trọng tâm , thì việc quan sát các nhân vật còn lại cũng rất thú vị. Ví như cảnh diễn đông nhân vật xuất hiện nhất là cảnh Đức Vua phán xử Hoàng Hậu tại thư phòng của Thái Tử. Thay vì nhìn Đức Vua, Hoàng Hậu và Thị Lan, tôi lại nhìn Thái Giám Lê Đa lúc này đang đứng khoanh tay ở góc phòng. Tôi vẫn thấy nghệ sĩ Huy Thục đứng yên, lưng hơi cúi lom khom, tay chấp trước ngữ, lắng nghe và không có lời thoại nhưng rõ ràng Lê Đa vẫn hiện diện, vẫn dõi đôi mắt, dỏng đôi tai theo mọi việc và phải chăng đang đắc ý vì âm mưu của hắn đang diễn ra như ý. Không thể diễn tả được cái cảm giác sung sướng ấy khi tôi phát hiện ra chỉ cần có mặt trên sân khấu thì người diễn viên luôn diễn tròn nhân vật của mình dù không có thoại hoặc cử chỉ rõ rệt. Tôi thấy mình may mắn vì được làm khán giả của những nghệ sĩ chân chính.
Người ta vẫn nói nghệ sĩ thì cần khán giả. Riêng tôi nghĩ rằng, chúng ta cần cám ơn những nghệ sĩ thực thụ bởi nếu không có họ, chúng ta mãi mãi không thể trở thành những khán giả biết thưởng ngoạn nghệ thuật.
Kịch nghệ chỉ là một phần của nghệ thuật. Nếu bạn thích xem phim nghĩa là bạn cũng đang góp phần tạo nên hương vị cho nghệ thuật. Nhưng nếu có cơ hội thưởng thức một hương vị mới lạ, bạn có sẵn lòng thử? Tuy rằng khẩu vị mỗi người có khác, tôi thấy ngon chưa chắc bạn cũng thấy giống tôi. Nhưng suy cho cùng, bạn chẳng mất mát gì khi nếm thử. Như thường lệ, tôi trân trọng nhắc nhở, quyết định thế nào là do bạn.
Giá vé:
Hạng ghế Super VIP: 299.000 VNĐ (15 vé duy nhất)
Hạng ghế VIP: 199.000 VNĐ
Hạng ghế phổ thông: 159.000 VNĐ
Hạng ghế ưu đãi: 49.000 VNĐ (dành cho sinh viên)
Bình luận