Category : Tin tức vở diễn

Người xem nói về YÊU LÀ THOÁT TỘI

người đăng @dmin | 13-10-2018 12:00 am

Khán giả cảm nhận Yêu là thoát tội
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1788170521245502&set=pcb.1788171631245391&type=3&theater

https://www.facebook.com/seasonslequydon/videos/349109845891889/UzpfSTIxMjM0OTA2OTM1MzkwMTozMTM1MDg0MzU5MDQ2MzA/?hc_location=ufi

https://www.facebook.com/huydan.nguyen/videos/10160721991480524/?q=y%C3%AAu%20l%C3%A0%20tho%C3%A1t%20t%E1%BB%99i&epa=SEARCH_BOX

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=312324552689685&id=212349069353901

https://www.facebook.com/hamlettruong/posts/y%C3%AAu-l%C3%A0-tho%C3%A1t-t%E1%BB%99i-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-v%E1%BB%9F-k%E1%BB%8Bch-mang-m%C3%A0u-s%E1%BA%AFc-kh%C3%A1c-bi%E1%BB%87t-v%E1%BB%9Bi-nh%E1%BB%AFng-v%E1%BB%9F-h%C3%A0i-k%E1%BB%8Bch-th%C6%B0/2272485009430052/

Mục Lục
1.   Lời ngỏ...........................................................................................................
2.  Giới thiệu vở diễn Yêu là thoát tội ( YLTT ).........................................
3.   Các thành tích của YLTT.................................................................................
4.   Các bài báo viết về YLTT................................................................................
4.1.   Báo VNexpress.........................................................................................
4.2.   Báo Người Lao Động: "Yêu là thoát tội" và bi kịch đời người.....................
4.3    Trang duyendangvietnam.net.com đưa tin...............................................
4.3.   Báo Phụ Nữ .............................................................................................
4.4.   Báo Mới lên tin về Nghệ sĩ Phạm Huy Thục...............................................
5.   Nhà văn nổi tiếng viết về YLTT.......................................................................
5.1  Hamlet Trương.......................................................................................
5.2 Nguyễn Ngọc Thạch...............................................................................
6.   Nghệ sĩ nói về YLTT.......................................................................................
 

1.Lời ngỏ

YÊU LÀ THOÁT TỘI
 
 Người nghệ sĩ chân chính chỉ khát khao được góp đẹp cho đời bằng những rung cảm nghệ thuật tinh tế, thuần khiết. Góp phần tẩy rửa tâm hồn trong một đời sống đầy căng thẳng lo toan, vướng bận.
Nhưng làm sân khấu nghệ thuật tử tế thời nay không chỉ là tự đầu tư kinh phí thực hiện, tạm quên những mưu cầu hạnh phúc cá nhân . Vậy nhưng bán được tấm vé cho khán giả đến với vở diễn là con đường tưởng như vô tận…
Những khán giả đã từng cười, khóc với tác phẩm “ Yêu là thoát tội ” đạt nhiều giải thưởng cao quý tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018 của Nhà hát Thế giới Trẻ. Hãy giới thiệu với bạn bè, hoặc mua vé dành tặng người thân cùng được thưởng thức một vở diễn giá trị. Để đốm lửa vẫn được rực sáng nơi thánh đường nghệ thuật.
Mong các bạn đồng hành.

  1. Giới thiệu vở diễn
- Tác giả : Lê Chí Trung
- Đạo diễn : Cao Đức Xuân Hồng
- Cố vấn dàn dựng : Nsnd. Trần Ngọc Giàu
- Chỉ đạo nghệ thuật : Pgs.Ts Vũ Ngọc Thanh
- Âm nhạc : Trần Giang
- Ánh sáng : Huy Bình
- Thiết kế sân khấu : Hồng Vân
- Thiết kế trang phục : Sĩ Hoàng
Yêu Là Thoát Tội - vở diễn nói lên bi kịch cuộc đời danh nhân văn hóa, danh thần Nguyễn Trãi thời Lê ở khía cạnh “đời” nhất khắc họa sự cô độc trong cuộc chiến chính tà và cái giá phải trả trong thời thế nhiễu nhương, nỗi cô đơn của mỗi phận người, sự mong manh của tình cảm con người trong lằn ranh đạo đức.
 
Yêu là thoát tội với cảnh trí sân khấu ẩn dụ, sân khấu xoay của Nhà hát Thế Giới Trẻ tạo nên những dàn cảnh, di chuyển của các tuyến nhân vật rất đẹp, đẩy khán giả lên tận cùng cảm xúc.


3.Các thành tích của YLTT

- Vở diễn : Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018.
- Diễn viên : Nsưt. Hoàng Yến - Huy chương Vàng
- Diễn viên : Ns. Phạm Huy Thục - Huy chương Vàng
- Diễn viên : Nsưt. Trần Tường - Huy chương Bạc
- Diễn viên : Ns. Lê Hoàng Giang - Huy chương Bạc
- Diễn viên : Ns. Sĩ Hoàng - Huy chương Bạc
 
.Các bài báo viết về YLTT
  1. Báo VNexpress
'Yêu là thoát tội' - vở bi kịch cảm tác từ chuyện tình Nguyễn Trãi
Qua câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, kịch của Chí Trung còn để lại dư âm về nhân tình thế thái.
Bi kịch cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi từng được khai thác nhiều lần qua văn chương lẫn sân khấu. Yêu là thoát tội - kịch vừa ra mắt trên sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ TP HCM - là tác phẩm mới nhất lấy cảm hứng từ cuộc đời nhân vật này.
Tác giả Lê Chí Trung không khai thác những câu chuyện kịch tính, những thủ đoạn liên quan đến chính trị mà khắc họa tâm trạng cô đơn của các nhân vật trước thời cuộc. Đạo diễn Xuân Hồng đặt cho họ những cái tên mới, lấy cảm hứng từ nhân vật chính sử.

 
Kịch chọn bối cảnh nước Việt khi binh biến đã qua, những tưởng đó là lúc "tề gia trị quốc bình thiên hạ" nhưng lúc này, nội triều nhà Lê xảy ra lục đục, quan thần tranh quyền đoạt lợi, thu vén cho mình. Hoàng thượng (diễn viên Lê Hoàng Giang) ôm giấc mộng phục hưng xã tắc nhưng đơn độc bởi xung quanh ông vắng những trung thần, thay vào đó là những kẻ bất tài, gian thần chuyên vơ vét và bòn rút. Đến cả hoàng hậu, tưởng là người gần gũi nhất, ông cũng không thể chia sẻ được gì.
Nguyễn Thái úy (NSƯT Trần Tường), một con người chính trực mang tâm hồn thanh tao, một kẻ sĩ tài hoa luôn đau đáu với vận nước nhưng lại không được trọng dụng. Ông như cây tùng vững chãi trên đỉnh núi, hiên ngang, bất khuất nhưng vẫn chỉ có một mình. Không ai hiểu ông, cũng không ai giúp khi ông cần. Chỉ có người vợ là thấu hiểu cho nỗi lòng ông. Bà giống điểm tựa, cũng là nguồn sống cho Thái úy ở tuổi xế chiều. Nhưng một ngày, người vợ bị nhà vua đoạt lấy, một lần nữa ông phải chịu nỗi cô đơn.
Thị Lan (NSƯT Hoàng Yến) là một người đàn bà tài sắc vẹn toàn. Cái tài của bà một phần được hun đúc từ người chồng, cũng chính là quan Thái úy. Và bi kịch của bà cũng từ đó mà ra. Trở về triều, với tài năng của mình, Thị Lan được Nhà vua phong làm Học sĩ, chăm lo việc học cho hoàng tử. Thị Lan như bông hoa đương độ khoe sắc, cộng thêm vốn hiểu biết sâu rộng, bà nhanh chóng trở thành tri âm của hoàng thượng. Cũng chính lúc đó, Thị Lan phải rơi vào tâm trạng giằng xé giữa một bên là người đã đầu ấp tay gối với một bên là tuổi trẻ, là tình yêu mới chớm, đầy rạo rực và mê đắm. Không thể tỏ bày, không thể thanh minh, bà ôm nỗi cô đơn vào lòng.

 
Ba diễn viên chính đã hóa thân vào các vai diễn một cách trọn vẹn, lột tả được tâm trạng cô đơn mà các nhân vật đang đối diện. Trong đó, dù trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, đứng bên cạnh hai diễn viên gạo cội là NSƯT Trần Tường và NSƯT Hoàng Yến, diễn viên trẻ Lê Hoàng Giang vẫn chứng tỏ được tài năng diễn xuất. Khán giả đã nổi giận với sự nhu nhược, hà khắc nhưng cũng có lúc lại đồng cảm với nỗi cô đơn, nỗi ưu tư dành cho xã tắc của ông vua trẻ.
Tuy nhiên, điểm sáng ở vở kịch không nằm ở ba nhân vật chính, mà từ một nhân vật phụ - hoạn quan Lê Đa (nghệ sĩ Phạm Huy Thục thủ vai). Từng điệu bộ, cử chỉ, từng lời thoại được ông nhấn nhá đúng lúc đã mang đến một gian thần như Lê Đa. Nhân vật này cũng đem lại tiếng cười, giúp giảm nhẹ tính bi kịch của vở diễn. Từ vai này, nghệ sĩ Phạm Huy Thục nhận được huy chương vàng trong 
Liên hoan Sân khấu Kịch nói 2018 vừa qua.
Bên cạnh thành công về kịch bản, vở Yêu là thoát tội còn chinh phục khán giả ở cách dàn dựng sáng tạo với sân khấu tối giản, mang tính ước lệ. Chỉ bằng chiếc thang được đặt trên sân khấu xoay, khán giả có thể hình dung cảnh non cao hùng vĩ và hoang vu của vùng Long Sơn, cảnh triều đình hay khung cảnh ao sen trong đêm trăng đầy thơ mộng. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng dành nhiều tâm huyết cho trang phục của nhân vật. Để khắc họa cái chết, các nhân vật chỉ cần bỏ chiếc áo trắng bên ngoài, mặc áo đen bên trong. Những cái chết của Thị Lan, của Hoàng thượng hay của Nguyễn Hiền bỗng nhiên trở nên nhẹ nhõm hơn trong mắt người xem. Suy cho cùng, con người được sinh ra từ tình yêu, vì tình yêu mà mang tội, và cũng nhờ tình yêu mà thoát tội.
Tiến sĩ, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã xem vở Yêu là thoát tội hai lần - một lần ở vai trò giám khảo của Liên hoan Sân khấu kịch nói, một lần ở vị trí khán giả. Bà chia sẻ: "Kịch có những nhân vật rất đẹp. Ở lần thứ hai, tôi xem kịch với tâm thế thả lỏng tâm hồn hoàn toàn và với tâm thế ấy, tôi thấy vở diễn đã đạt đến độ chín của việc thưởng thức. Vở có kịch bản hay, đạo diễn xử lý tốt, diễn viên giỏi".
Ngoài câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, kịch còn nóng hổi chuyện đời, chuyện người gần gũi với bối cảnh xã hội hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ: "Người ta có quyền hư cấu, có quyền hy vọng và gửi những ước nguyện vào vở kịch nêu lên một hiện trạng của xã hội ngày xưa và có liên hệ với xã hội hôm nay. Rõ ràng những người tốt, những người có công với một chính thể chưa chắc đã có một số phận tốt. Nhưng có một điều chắc chắn: đó là những người mà nhân dân sẽ đánh giá họ cực kỳ chính xác".
Tác phẩm diễn vào tối thứ năm hàng tuần, từ ngày 7/6 tại Nhà hát Thế giới trẻ, TP HCM.

  1. Báo Người Lao Động: "Yêu là thoát tội" và bi kịch đời người
Một đêm diễn rung động lòng người. Nguyễn Trãi một lần nữa hiện lên với ánh sáng của sao Khuê trong cõi đời đầy bóng tối…
Bi kịch của Nguyễn Trãi đã được nhiều người khai thác và mang lên sân khấu. Nhưng lần này, tác giả Lê Chí Trung đã viết "Yêu là thoát tội" (đạo diễn: Xuân Hồng) bằng một góc nhìn mới, được Nhà hát Thế Giới Trẻ dàn dựng bằng thủ pháp thật giản dị mà hiện đại, với dàn diễn viên gạo cội, đẹp trong diễn xuất chuẩn mực, đẹp trong nhả chữ và nhấn nhá từng câu từng từ. Đây là một trong những vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu kịch Toàn quốc 2018 đang diễn ra tại TP HCM.
Thật ra, Lê Chí Trung bảo rằng ông không muốn bất kính với tiền nhân khi viết về những chuyện tình, cho nên ông chỉ gọi tên nhân vật là Nguyễn Thái úy, Thị Lan, nhà vua, hoàng hậu… Dĩ nhiên, khi xem vở ai cũng biết đó là chuyện đời Nguyễn Trãi nhưng Lê Chí Trung nói xin hãy coi đây là một câu chuyện ngoại sử mà ông cảm tác. Bởi lịch sử đã có những khoảng trống, những truyền thuyết để Lê Chí Trung tận dụng. Ông thành công ở điểm này nhưng cũng ngại nhất ở điểm này.
Tác giả không nói nhiều về những thủ đoạn, những sát phạt chính trị, mà ông nhấn mạnh nỗi cô đơn của những con người trong thời cuộc ấy. Thời cuộc vừa tan chiến tranh, hòa bình chưa bao lâu, vẫn còn ngổn ngang chuyện xây dựng sơn hà xã tắc nhưng nội triều nhà Lê đã bộc phát chuyện tranh giành quyền lợi, nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng chà đạp lên nhau. Thời cuộc ấy đã sinh ra những con người cô đơn cùng tận khi họ muốn tìm về, muốn giữ gìn, muốn khai phóng những giá trị tốt đẹp. Cô đơn đã tình cờ kết nối họ với nhau và họ cũng chết bên nhau.
Lê Chí Trung đã viết về nỗi cô đơn của Thái úy - Thị Lan - nhà vua. Bộ ba này đã kết chặt trong bi kịch tình yêu và chính trị. Thái úy như cội cây cô đơn trên đỉnh núi, hứng sương mai trong trẻo thanh khiết song cũng bị gió bốn bề quăng quật, bẻ gãy bất cứ lúc nào. Ông mang nỗi cô đơn của kẻ sĩ quá tài hoa, quá tâm huyết. Ít ai hiểu ông, cũng không ai giúp nổi ông khi ông cần thực hiện những ước mơ và cũng không giúp nổi ông khi hoạn nạn. Có lẽ, chỉ người vợ là hiểu ông nhất, bà chính là điểm tựa của ông lúc tuổi già sức yếu. Nhưng điểm tựa cuối cùng ấy cũng bị nhà vua đoạt lấy, bỏ ông trơ trọi một mình nơi đất Long Sơn cằn cỗi.
Nhà vua cũng cô đơn trên ngai vàng quyền lực. Ông là người thông minh, mạnh mẽ, quyết đoán, rất muốn xây dựng giang sơn hùng cường hưng thịnh. Nhưng ông cũng có nhược điểm là cứng rắn, hà khắc, đam mê nhan sắc. Ông vô tình đẩy những trung thần đi xa mình. Ông cô đơn trong bầy nịnh thần gian trá. Ông cũng cô đơn giữa bầy cung tần mỹ nữ mà ông cho rằng rỗng tuếch, chỉ biết chiều chuộng, tranh giành, đòi hỏi nơi ông đến phát chán. Tận sâu trong trái tim, ông cần một hồng nhan tri kỷ.
Yêu là thoát tội và bi kịch đời người - Ảnh 1.
Sĩ Hoàng (Thái giám Nguyễn Hiền), NSUT Trần Tường (Thái uý), NSUT Hoàng Yến (Thị Lan) trong vở "Yêu là thoát tội"
Thị Lan đã xuất hiện giữa hai người đàn ông này. Bà như cánh hoa trôi dạt giữa dòng đời, không thể chống lại sóng gió từ kẻ có sức mạnh nhiều hơn. Thái úy là mặt trời trong tim bà nhưng nhà vua lại là mùa xuân trong tuổi trẻ phơi phới của bà. Lý trí và bản năng kéo bà về đôi phía, nỗi ân hận, mặc cảm cứ chồng chéo lên niềm hoan lạc, hạnh phúc xuân thì. Thị Lan là cái phao của Thái úy, cũng đồng thời là cái phao của nhà vua. Ông tìm được một sắc đẹp đầy trí tuệ để ông có thể chia sẻ nỗi niềm. Tình yêu của nhà vua thật hợp lý, dẫu theo đạo lý thì hoàn toàn sai trái. Thị Lan đã thấu hiểu nhà vua song khi bà nói ra thì Thái úy lại nghi ngờ bà. Cuối cùng, Thị Lan cũng cô đơn với nghi án phản bội.
Nỗi cô đơn hầu như phủ trùm hoàng cung với ánh sáng mờ mờ nhân ảnh. Ngay cả Thái giám Nguyễn Hiền cũng đã tự sát vì không chịu nổi sự cô đơn của mình. Thị Lan và nhà vua cũng ra đi vĩnh viễn. Những cái chết được xử lý thật đẹp, đầy tính ước lệ, với màu áo đen giản dị và những tạo hình thanh nhã. Nhưng với tựa đề mà Lê Chí Trung đã đặt, tình yêu chân thành là không có tội. Cả ba người đều yêu và thoát tội. Miệng đời không chê trách họ, bởi người ta đều có thể biết yêu.
Đã khá lâu mới được xem một vở kịch đầy chất văn học như thế. Lắng nghe từng câu thoại mới thấm thía. Trang phục mà Sĩ Hoàng thiết kế cho vở cũng rất thanh nhã. Cả vở kịch toát lên nét sang trọng trong sự giản dị. NSƯT Hoàng Yến (Thị Lan), NSƯT Trần Tường (Thái úy), Lê Hoàng Giang (nhà vua), Phạm Huy Thục (nịnh thần Lê Đa), nhà thiết kế Sĩ Hoàng (thái giám Nguyễn Hiền) là những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong vở kịch. Sự nghiêm túc lẫn duyên dáng của họ đã làm khán giả bất ngờ. Trong bi kịch vẫn có những tràng cười điểm xuyết. Cười khóc đều chừng mực. Bỗng mong ước sẽ có nhiều giáo viên, sinh viên, học sinh, công chức được đến xem với giá vé thật mềm. Chúng ta đang học sử lẫn học văn bằng những kịch bản rất đẹp như "Bí mật vườn Lệ Chi", "Tiên Nga", "Yêu là thoát tội"… 

  1. Trang duyendangvietnam.net.com đưa tin
Kịch 'Yêu là thoát tội': Nỗi cô đơn của mỗi phận người
Yêu là thoát tội (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Xuân Hồng) là vở kịch vừa được diễn trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 tại TP.HCM. Một vở bi kịch về nỗi cô đơn của từng phận người đang đứng trên thiên hạ mà ngả nghiêng vì vận nước và tình si.  
Án oan và nỗi lòng Nguyễn Trãi là cảm hứng của rất nhiều tác giả kịch bản. Khán giả yêu kịch đã được thưởng thức Bí mật vườn Lệ Chi cách đây nhiều năm, nay lại có dịp tiếp cận với câu chuyện của nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và văn học này ở một góc khác. Với kịch bản Yêu là thoát tội, Lê Chí Trung đã không tập trung vào oan khuất của Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi viên mà nói về nỗi cô đơn dằn vặt của ba nhân vật Nhà Vua, Thị Lan và Nguyễn Thái Úy. Tác giả vì sợ khai thác câu chuyện tình yêu sẽ bất kính với tiền nhân nên đã dùng những tên gọi khác cho các nhân vật mình muốn nói đến, dù rằng khán giả ngay lập tức thấy thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Trãi, vua Lê và Nguyễn Thị Lộ trong vở kịch. Một vở bi kịch tưởng nặng nề làm... mệt khán giả nhưng câu chuyện kịch và cách dàn dựng, diễn xuất hấp dẫn đã kéo người xem đến tận phút cuối. Xen giữa những cảnh bi tráng, nặng về tâm lý là những miếng hài được tung ra nhẹ nhàng, duyên dáng đã níu chân khán giả.
http://duyendangvietnam.net.vn/public/uploads/images/Yeu%201.jpg
Nghệ sĩ Hoàng Yến (vai Thị Lan) và nghệ sĩ Trần Tường (vai Nguyễn Thái Úy) trong vở kịch
Bàng bạc trong vở diễn là nỗi cô đơn của các nhân vật, mỗi người một kiểu nặng trĩu trong lòng. Cái cô đơn càng kinh khủng hơn khi đó là những người đứng trên vạn người: một Nhà Vua, một quan Thái Úy và một bà Học Sĩ... mà vẫn không với được cái mình muốn. Các nhân vật trong kịch mang nỗi niềm chứ không mang tội lỗi, bởi tình yêu si mê thường được tha thứ.
Nguyễn Thái Úy tài hoa, cương trực, luôn nặng lòng vì việc nước lại gặp cảnh vừa dẹp được loạn binh đao ngoài chiến trận thì đối mặt với những rối ren trong cung, nịnh thần hoành hành, tranh giành đố kỵ, vua bảo thủ, hà khắc... Chiếu chỉ cho Nguyễn Thái Úy về Long Sơn dưỡng lão và triệu Thị Lan - vợ ông - vào cung làm Học Sĩ đã gây ra oan trái cho nhiều người. Quan Thái Úy tài giỏi, chính trực, không thỏa hiệp bất cứ điều gì làm hại dân, hại nước nên vô tình đánh bật những nịnh thần kém cỏi (mà thời nào kiểu người này cũng nhiều) ra khỏi mình. Do vậy, dù chẳng muốn nhưng ông cứ tựa Sao Khuê cô đơn từ trên cao chiếu sáng vời vợi, muốn có người chia sẻ nỗi niềm nhưng chẳng ai. Trong khi Thái Úy kiên định một đường, thì Vua lại quá nhiều nguồn tin xung quanh gây nhiễu loạn, trong khi ông chỉ có một người vợ là tri âm thì vua lại đoạt mất. Một mình nơi đất mẹ Long Sơn, quan Thái Úy càng ngẫm sự đời càng thấy cô đơn và nỗi cô đơn biến thành nỗi đau khi phu nhân ông trở về đã mang một hình dáng khác trong tim.  
http://duyendangvietnam.net.vn/public/uploads/images/Yeu%203.jpg
Thị Lan (Hoàng Yến) và Nhà Vua (Lê Hoàng Giang) 
Thị Lan mang cái thanh xuân của một người đàn bà đẹp cùng với nỗi niềm u uất lặng sâu mà nhà vua không thể thấu hiểu bỗng trở thành một niềm hứng thú mới cho người đứng đầu thiên hạ. Vào cung, trở thành Học Sĩ, người khác gọi Lệnh bà nhưng có gì vui khi ngoài cung là người chồng vò võ một mình cùng với bao nhiêu cảm xúc đang nè nặng trong tim. Với chồng là tri âm, là tình nghĩa nhưng với vua là tuổi trẻ và xuân thì khó cưỡng lại, chọn về phía nào cũng dở nên thâm tâm bà bao nhiêu dằn xé ngổn ngang. Đêm khuya nghe lệnh vua triệu, ai biết bà đến vì cứu chồng khỏi liên lụy tội khi quân hay thật tâm là nỗi nhớ nhà vua? Chỉ có cái chết mới có thể giải tỏa cho bà lúc này. 
Nhà Vua - người đứng trên thiên hạ - từ trên ngôi cao dễ gì nhẹ lòng. Việc nước rối ren chưa có cách xử, trung thần rời xa, mỹ nữ thì chán ngán, nay bỗng gặp một người đẹp với bao ưu tư khiến vua rung động. Cái rung động của vua là "rung động chết người" bởi một khi vua đã triệu thì khó bất tuân. Lòng người thật chẳng rõ, bao nhiêu mỹ nữ trong cung vậy mà khiến nhà vua chán ngán. Thị Lan xuất hiện, lộng lẫy và sâu sắc, càng khiến vua thấy những người đàn bà trong cung rỗng tuếch. Quen kiểu vẫy tay là có đàn bà, nay có người với hoài chẳng được khiến vua càng thêm thú vị. Tấm chân tình và nỗi si tình của vua đã khiến Thị Lan đôi phen "chới với" nhưng làm sao có được nàng. Một đằng là kính trọng, một đằng là si mê, của vua đối với vợ chồng quan Thái Úy.
Chuyện kịch xoay quanh 3 nhân vật nói trên nhưng các nhân vật khác: hoàng hậu - kẻ bị thất sủng, Nguyễn Hiền - hoạn quan không tình yêu... cũng mang nhiều nỗi niềm. 
Vở kịch hấp dẫn bởi diễn xuất rất tốt của các diễn viên và ý đồ dàn dựng của đạo diễn. Cảnh trí sân khấu không có gì ngoài bậc tam cấp cao với lối ẩn dụ, khi thì ngai vàng, khi thì thư phòng, khi là triều đình, khi lại là nhà quan. Chính bậc tam cấp này cũng là "công cụ" để chia sân khấu thành nhiều không gian khác nhau: là dòng sông, là khu vườn... Sân khấu xoay của Nhà hát Thế Giới Trẻ đã được đạo diễn tận dụng triệt để tạo nên những dàn cảnh, di chuyển của các nhân vật rất đẹp đã đẩy cảm xúc của khán giả lên rất nhiều.
http://duyendangvietnam.net.vn/public/uploads/images/Yeu%202.jpg
Cảnh Hoàng hậu căng thẳng với Thị Lan
Phục trang được nhà thiết kế Sỹ Hoàng thực hiện bằng một màu trắng, phân biệt giới tính và cấp bậc của nhân vật bằng những hình vẽ trên áo, nhưng lại tạo được bao nhiêu là màu sắc trong mỗi nhân vật. 
Cảnh trí và phục trang đơn giản, cùng với sự "hỗ trợ" của ánh sáng khiến sân khấu giản dị mà sang trọng. Ánh sáng với hai màu chủ đạo mà màu xanh của vườn tược, núi rừng, sông suối và màu vàng của cung đình. 
Vở kịch Yêu là thoát tội của Nhà hát Thế Giới Trẻ tham dự Liên hoan Kịch nói năm nay, với sự tham gia của các giảng viên của trường Sân khấu - Điện ảnh và các diễn viên nhiều kinh nghiệm: NSƯT Hoàng Yến (vai Thị Lan), NSƯT Trần Tường (Thái Úy), Lê Hoàng Giang (nhà vua), Phạm Huy Thục (nịnh thần Lê Đa), nhà thiết kế Sĩ Hoàng (thái giám Nguyễn Hiền)...  Sau Liên hoan, Nhà hát Thế Giới Trẻ đang nỗ lực để vở diễn được có nhiều dịp đến với khán giả hơn nữa.

  1. Báo Phụ Nữ đã có bài
'Yêu là thoát tội': Bản hòa âm u uẩn
Trải qua gần 600 năm, vụ án vườn Lệ Chi nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam vẫn chìm trong bức màn bí mật, trở thành đề tài được khai thác khá nhiều ở các tác phẩm nghệ thuật.
Yêu là thoát tội (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Xuân Hồng) cũng lý giải cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông, qua góc nhìn dã sử: học sĩ Thị Lan vào cung, mong nhờ cơ hội gần vua mà bày tỏ tình cảnh chồng bị những kẻ xu nịnh, bất tài hãm hại. Rung động trước vẻ đẹp, tài năng và sự khẳng khái của học sĩ Thị Lan, nhà vua đã đem lòng yêu thương bà, khởi nguồn cho bi kịch của tất cả những người có liên quan.
Vụ án quá quen thuộc, tính cách các nhân vật và cái kết cũng không còn bất ngờ, nhưng Yêu là thoát tội vẫn lôi cuốn người xem nhờ cách sắp xếp tình huống và góc nhìn mới mẻ. Câu chuyện đầy kịch tính từ khi Nguyễn Thái Úy nhận chiếu chỉ, vợ chồng đôi ngả chia ly, gian thần muốn giết người trung; mưu đồ tàn độc của hoàng hậu; tình cảm trớ trêu của vua dành cho Thị Lan…

'Yeu la thoat toi': Ban hoa am u uan
Yêu là thoát tội - một tác phẩm đẹp của sân khấu kịch TP.HCM
Cảnh trí sân khấu chỉ có dàn bậc tam cấp, nhưng lúc thì đó là chiếc ngai vàng; khi như chiếc cầu qua sông; lúc như mô tả cuộc đời Nguyễn Trãi bên kia dốc đời.… Phục trang cũng theo phong cách ước lệ: không mũ mão, không sắc màu, tất cả đều trắng. Sự khác biệt giữa vua tôi chỉ là hình ảnh trước ngực áo.
Tất cả những điều đơn giản ấy không hề đơn điệu nhờ hiệu ứng ánh sáng. Ánh sáng xanh dịu như ước  mơ cuộc sống yên bình của Nguyễn Trãi; sắc đỏ, vàng uy nghi nhưng cũng lạnh lùng chốn hoàng cung… Ánh sáng, âm nhạc, diễn xuất của các diễn viên hút người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu.
Trong tổng thể đó, âm nhạc có lẽ là yếu tố thành công nhất, chắp cánh cho cảm xúc của khán giả bay bổng. Vở kịch có tiết tấu nhanh, nhưng âm nhạc lại mang đến những cảm xúc rất lạ. Mỗi lớp diễn như từng nét cọ, vẽ nên một câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy u uẩn.
Trên ngôi cao, nhà vua chìm sâu trong cô độc. Học sĩ Thị Lan cũng u uẩn khi bị đặt trước những tình thế trớ trêu. Nguyễn Trãi đau nỗi đau của một kẻ sĩ nơi cô tịch… Câu chuyện cứ man mác những nỗi buồn, nhẹ nhàng dẫn dắt người xem cùng yêu, cùng hận, cùng khắc khoải với từng nhân vật.
Khi một người từ giã cõi đời, chiếc áo trắng được cởi bỏ, chỉ còn một bóng đen ngoái nhìn những gì đang tiếp tục diễn ra nơi dương thế - một cách xử lý đầy sáng tạo, mang lại những cảm xúc đẹp cho khán giả. Mọi thứ trở nên hư hư thực thực như chính câu chuyện đang được kể trên sân khấu.
Có lẽ cảm xúc sẽ còn len sâu hơn nữa trong tâm hồn khán giả nếu nỗi u uẩn của Nguyễn Trãi được ông chôn chặt trong tim. Dù được tôn vinh công thần khai quốc, Nguyễn Trãi vẫn là một con người, cũng biết đau đớn, hờn ghen… Song nếu ông âm thầm chịu đựng, điều đó sẽ đẩy bi kịch của những người có liên quan đến tận cùng và cảm xúc khán giả cũng sẽ đong đầy hơn.
Yêu là thoát tội có sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Trần Tường, NSƯT Hoàng Yến, Huy Thục, Sĩ Hoàng, Hoàng Giang… Suất diễn tiếp theo lúc 20g, ngày 17/4, tại sân khấu Thế Giới Trẻ - 125 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM.

  1. Báo Mới lên tin về Nghệ sĩ Phạm Huy Thục
 
Nghệ sĩ Phạm Huy Thục vai Lê Đa trong vở diễn Yêu là thoát tội
Nghệ sĩ Phạm Huy Thục vai Lê Đa trong vở diễn Yêu là thoát tội
GD&TĐ - Ngoài vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Phạm Huy Thục - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, còn là một diễn viên kỳ cựu. Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật, ông đã tham gia hơn 20 vai diễn, tất cả đều là vai phụ. Tuy nhiên, những vai phụ của Phạm Huy Thục không mờ nhạt, mà ngược lại còn làm cho nhân vật của mình tỏa sáng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
40 năm đóng vai phụ
Vai diễn gần đây của nghệ sĩ Phạm Huy Thục là vai Lê Đa trong vở kịch Yêu là thoát tội (đạo diễn Xuân Hồng, Nhà hát Thế giới Trẻ). Dẫu chỉ là một nhân vật phụ, nhưng nghệ sĩ Huy Thục đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả.
Qua tài năng diễn xuất của ông, Lê Đa hiện lên như là một kẻ đầy mưu mô, xảo quyệt, luôn vơ vét và sẵn sàng luồn cúi để đạt được mục đích cá nhân. Ban đầu, nhân vật Lê Đa trong kịch bản chỉ đơn thuần là một hoạn quan nhưng sau đó, nghệ sĩ Phạm Huy Thục đã xây dựng và gia cố thêm tính “gian thần” cho nhân vật. Trong các tác phẩm trước đây, hoạn quan xuất hiện thường ẻo lả, õng ẹo, nhưng đến nhân vật Lê Đa, khán giả không khỏi bất ngờ trước một hoạn quan hai mặt, nham hiểm và thâm thúy.
Bề ngoài, Lê Đa thể hiện một vẻ hài hước nhưng thực chất bên trong lại chất chứa biết bao toan tính và âm mưu.
Ở những lớp diễn của mình, Phạm Huy Thục đã vận dụng các yếu tố như ánh mắt, cử chỉ, tạo hình, tiếng nói, giúp nhân vật trở nên sinh động và có một sức sống riêng. Đặc biệt, sự xuất thần của ông thể hiện rõ nhất là lúc vua băng hà. Cái chết của Thị Lan nằm trong mưu đồ nhưng việc vua băng hà là một bất ngờ với Lê Đa. Và vì vậy, ở lớp diễn này, người ta thấy Lê Đa đã cười như rút ruột rút gan nhưng trong ánh mắt, vừa có sự thỏa mãn lại vừa có sự lo sợ, vừa vui mừng vừa hoảng loạn.
Yêu là thoát tội là một vở mang màu sắc bi kịch, được cảm tác từ tình yêu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Vậy nhưng, nhân vật Lê Đa lại giúp vở kịch trở nên nhẹ nhàng hơn, và đôi khi còn mang đến cho khán giả những tiếng cười thư thái. Với diễn xuất tài tình và tinh tế như vậy, vai diễn Lê Đa đã giúp Huy Thục nhận được Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. Có một điều thú vị, Lê Đa không phải là vai phụ đầu tiên của nghệ sĩ Phạm Huy Thục.
Hơn 30 năm trước, Phạm Huy Thục đã thành danh từ những vai phụ. Năm 1980, trở về Đoàn Cải lương Hải Phòng sau 4 năm theo học tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, ông được giao vai Y Hoát - người dân tộc trong vở Hoa đất mặn, tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hải Phòng. Vì là vai diễn đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều nên lúc đó Huy Thục chưa để lại nhiều dấu ấn. Nhưng như một cái duyên, sau vai Y Hoát, ông bắt đầu được các đạo diễn “để mắt” cho các vai phụ sau này.
Năm 1984, ông vào vai vua khỉ Ha Nu Man trong vở Hoàng tử Pơ-riêm và nàng Si-ta. Những khán giả từng xem vở diễn này có lẽ vẫn còn nhớ hình ảnh ông vua khỉ lanh lợi, làm đủ trò, từ đu dây đến những động tác hình thể đặc trưng của loài khỉ. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Huy Thục, để vào vai diễn này, ông phải mất nhiều ngày ngồi ở công viên quan sát đời sống của bầy khỉ, từ ánh mắt, bước nhảy cho đến việc đu cành cây. Nhờ vậy, Huy Thục đã chinh phục đạo diễn ngay từ lúc tập.
Vở diễn kéo dài 94 suất, diễn cả ngày lẫn đêm, riêng ngày chủ nhật diễn tới ba suất. Một số vai diễn trong vở do nhiều diễn viên thay phiên nhau nhưng vai vua khỉ của Huy Thục thì không ai thay thế được.
Sự nghiệp diễn xuất với vai phụ của Phạm Huy Thục bắt đầu tỏa sáng từ đó. Tại Liên hoan Sân khấu miền duyên hải lần thứ hai năm 1993, nghệ sĩ Huy Thục đoạt Huy chương Vàng cho vai Phin trong vở Người mẹ lưu đày, chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết của Mỹ. Ông vào vai nhân vật thuộc xã hội đen, nhưng không giết người hại người, mà chỉ thích được sống tự do.
Đến Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 năm 2016 tổ chức tại Hà Nội, Phạm Huy Thục giành Huy chương Bạc cho vai Hồn ma trong vở Mê Đê. Một lần nữa, vai phụ của ông tiếp tục để lại ấn tượng cho khán giả. Không có số phận như các nhân vật nhà vua, hoàng tử, hoàng hậu hay Mê Đê, Hồn ma của ông lúc ẩn lúc hiện, cùng đối thoại với các nhân vật trong vở.
Để thể hiện nhân vật này, Phạm Huy Thục sử dụng tấm vải màu đen rồi tự mình tương tác với “người bạn” diễn này. Có lúc nhân vật của ông xuất hiện chỉ có tiếng nói, lúc là tấm vải hình vuông, lúc như bóng ba, lúc như cơn lốc. Đây được xem như một sáng tạo đắt giá mà không phải ai cũng có thể làm và nghĩ ra.
Trong 10 năm đầu bước chân vào nghề, nghệ sĩ Phạm Huy Thục tham gia hơn 20 vai diễn và đều là những vai phụ. Huy Thục nói, cũng đôi lần ông cảm thấy chạnh lòng về điều này, nhất là những lần ngồi bên dưới xem các bạn cùng lứa với mình vào vai chính. Ông ngồi xem và trộm nghĩ: “Giá như mình được thêm chút về chiều cao, về giọng hát thì biết đâu mình cũng sẽ được như họ”.
Biết hạn chế của mình là ngoại hình và giọng hát nên Phạm Huy Thục không tìm cơ hội đóng vai chính, mà chấp nhận thực tế. Chấp nhận và tìm lối diễn riêng để nhân vật của mình được tỏa sáng. Nói về việc chuyên trị vai phụ, ông tâm sự: “Trong sân khấu hay nghệ thuật nói chung, sẽ có những diễn viên suốt cuộc đời không bao giờ đóng vai chính. Bởi vì một vở chỉ có một, hai vai chính thì chắc chắn người ta phải lựa chọn những người xuất sắc hơn. Tôi chấp nhận theo con đường của mình. Tôi muốn được đứng lâu dài trên sân khấu, đó chính là lý do thôi thúc tôi đi học đạo diễn để có thể làm nghề lâu dài”.
Về sau này, khi chuyển sang giảng dạy hay làm đạo diễn, Phạm Huy Thục vẫn nói với học trò của mình rằng, không có vai phụ hay vai chính, mà chỉ có diễn viên nhỏ hay diễn viên lớn mà thôi. Ông chia sẻ: “Tôi thường lấy hình tượng NSND Đào Mộng Long để minh họa cho các bạn. Vai diễn của ông nhiều khi chỉ có 3-5 phút, xuất hiện không nhiều nhưng khán giả nhớ hoài nhân vật đó. Thế thì, vấn đề ở đây không phải là chính hay phụ, lớn hay nhỏ, mà quan trọng là diễn viên thể hiện nhân vật đó với cái tầm lớn hay nhỏ. Đó chính là tài năng của diễn viên”.

 
Hạnh phúc được làm nghề
Không chỉ là diễn viên, Phạm Huy Thục còn có nhiều vai trò trong lĩnh vực kịch nói. Ông là đạo diễn của nhiều vở, trong đó có những vở gây tiếng vang như: Bông hồng vàngĐặng Thùy TrâmĐường hầm, Giữa hai bờ sương khói… Với sinh viên của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, có lẽ không ai là không biết đến nghệ sĩ Phạm Huy Thục. Ông là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ở vai trò của một nhà giáo, ông có thêm niềm vui khi có nhiều diễn viên nổi tiếng là học trò của mình như: Huy Khánh, Thành Nam, Ngọc Thảo, Hòa Hiệp, Thanh Thảo, Võ Thành Tâm…
Nhắc đến nghệ sĩ Phạm Huy Thục, không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Điểm hẹn tài năng, mà sau này được đổi tên thành Nhà hát Thế giới Trẻ. Ông chính là người phụ trách câu lạc bộ, với mong muốn tạo ra sân chơi để các bạn trẻ có nơi thực hành. Nhiều tên tuổi đã trưởng thành từ câu lạc bộ như Lê Khánh, Tiết Cương, Ngọc Tưởng… Dù doanh thu đôi khi không như ý nhưng hiện tại, cùng với NSƯT Hoàng Yến, nghệ sĩ Phạm Huy Thục vẫn đang cố gắng từng ngày để duy trì Nhà hát Thế giới Trẻ. “Chúng tôi vẫn phải giữ để sinh viên có một nơi thực hành. Làm nghề diễn, quan trọng là học phải đi đôi với hành thì mới mong thành tài”, ông chia sẻ.
Thành danh ở miền Nam nhưng ít người biết con đường đến với nghệ thuật của nghệ sĩ Phạm Huy Thục gặp không ít gập ghềnh. Ông sinh ra ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), là quê hương của đất chèo. Nhà ông có khoảng sân rộng nên tối nào đoàn chèo của xã cũng qua tập. Cậu bé Phạm Huy Thục lúc đó ngồi xem chăm chú các nghệ sĩ của làng gõ trống, hát múa.
Sau những đêm như thế, chèo đã ngấm vào ông lúc nào không hay. 16 tuổi, ông đã là thành viên đoàn chèo của xã. Như chú chim đến thời kỳ ra ràng, mong muốn được sải cánh bay ở những chân trời rộng mở, nghệ sĩ Phạm Huy Thục từng ứng thí ở cuộc thi chèo nhưng trượt, chỉ bởi lý do… quên lời.
Ước mơ được bay xa ngỡ phải dừng lại thì đến năm 1976, trong một lần chở người bạn lên thành phố Hải Phòng tham dự vòng thi tuyển về cải lương, ông được một giám khảo gọi vào thi thử. Mục đích của ông là đưa bạn đi thi và chỉ có sở trường hát chèo, bài cải lương duy nhất mà ông thuộc là Phút cuối, nên đắn đo với gợi ý này. Cuối cùng, ông cũng cất giọng thể hiện “bài tủ” của mình. Không ngờ lần đó ông lọt vào mắt xanh của giám khảo.
Trúng tuyển, ông được lên Hà Nội theo học lớp diễn viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1980, ông quay về đoàn, vừa biểu diễn vừa giảng dạy. 7 năm sau, ông quay lại trường học đạo diễn. Năm 1992, vừa ra trường, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc của Đoàn Cải lương Hải Phòng, lúc đó ông vừa bước sang tuổi 34.
Những tưởng được đào tạo bài bản, lại có môi trường làm nghề tốt thì cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Phạm Huy Thục sẽ được yên ổn. Tuy nhiên, vào năm 1995, biến cố gia đình xảy ra, một mình ông ôm con trai ba tuổi vào TPHCM. Theo nghệ sĩ Phạm Huy Thục, đó là một cuộc ra đi đầy mạo hiểm. Bởi môi trường sân khấu của hai miền Bắc-Nam có phần khác nhau, ông lại đang có con nhỏ. “Nhưng đến lúc này, sau 23 năm vào Nam thì tôi lại thấy mình ra đi là hoàn toàn chính xác. TPHCM đã mang đến cho tôi tất cả: Sự nghiệp, công danh và một gia đình hạnh phúc”, ông chia sẻ.
Năm năm sau khi vào Nam, nghệ sĩ Phạm Huy Thục kết hôn với một giảng viên Âm nhạc của Trường ĐH Văn hóa TPHCM. Ông có thêm một cô con gái năm nay vừa tròn 16 tuổi. Cậu con trai theo ông xuôi Nam ngày nào nay đã trưởng thành. Phạm Huy Anh (sinh năm 1992) từng diễn vai Mạnh trong phim Kính vạn hoa. Theo nghệ sĩ Phạm Huy Thục, ngoài năng khiếu nghệ thuật, Huy Anh còn đam mê bóng đá. Tuy nhiên, ông hướng con trai mình theo đuổi nghệ thuật vì có nhiều điều kiện và ít rủi ro hơn.
Nối nghiệp bố, học xong quay phim, Huy Anh chuyển sang học đạo diễn. Với nghệ sĩ Phạm Huy Thục, việc con trai theo nghiệp bố cũng là một trong những niềm hạnh phúc của ông. Ông tâm sự: “Tôi không dạy con phải kiếm được nhiều tiền, phải hơn thua với thiên hạ, mà luôn dạy chúng sống có trách nhiệm, có đạo đức, có tâm để có thể sống tốt trong mọi môi trường. Tôi đã dạy con từ lúc bé và bây giờ nhìn con, tôi thấy an tâm rồi”.
Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 5 vừa qua, ông chia sẻ: “Đây mới là thời gian làm nghề. Tôi vẫn đi dạy, vẫn dựng vở, chứ không ngồi yên ở nhà được đâu. Sau 42 năm, tôi xem đây là cái

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

  1. avatar Cải Lương Trung Ương says:

    với những ai yêu thích Cải lương, muốn tìm hiểu và sống lại những năm tháng đắm say cùng những giọng ca một thời như Vũ Linh, Minh Vương, Bạch Long, bạch Tuyết... mời quý vị khán giả cùng thưởng thức tại s://cailuongtheatre.vn/ - Website chính thứ

  2. avatar Cải lương Trung Ương says:

    Với những ai yêu thích Cải lương, muốn tìm hiểu và sống lại những năm tháng đắm say cùng những giọng ca một thời như Vũ Linh, Minh Vương, Bạch Long, bạch Tuyết... mời quý vị khán giả cùng thưởng thức tại s://cailuongtheatre.vn/ - Website chính thức

Viết bình luận