Bế mạc Cuộc thi Tài năng trẻ Đạo diễn Sân khấu 2013 tại thành Hồ Chí Minh
Vào lúc 20 giờ ngày 3 / 5 / 2013
Chương trình biểu diễn nghệ thuật
và Lễ tổng kết, trao giải thưởng cho các Đạo diễn trẻ.
Cuộc thi diễn ra từ 22.4 đến 2.5, với 20 vở diễn tham gia.
Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn (ĐD) sân khấu 2013 đã kết thúc, với kết quả như sau:
ĐD Phan Nhật Phi Long (vở Xin một cái tên) và ĐD NSƯT Quang Thập (vở chèo Tấm áo bào hoàng đế) nhận huy chương vàng cùng giải thưởng 20 triệu đồng;
ĐD Lê Thúy Nga (vở Yêu không dễ dàng), ĐD Lịch Sử (vở Biển và bờ), ĐD Lê Quốc Nam (vở 3-5-7) đoạt huy chương bạc, với giải thưởng 15 triệu đồng;
ĐD Trần Thư Nhàn (Nghĩa vụ thiêng liêng), ĐD Bùi Như Lai (vở Hãy là chính mình), ĐD Nguyễn Khắc Duy (vở Chicago) nhận giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN 10 triệu đồng/giải.
-----------------------------------------------------------------
Đạo diễn Lê Thúy Nga – Đoàn kịch Công an nhân dân với vở “Yêu không dễ dàng”:
Là một chuỗi bi hài trong chuyện tình cảm của gia đình Hùng Kiệt: 1 ông bố ngoại tình, 1 người con gái yêu người đàn ông đã có vợ, 1 người mẹ với chuyện tình cũ đầy dang dở…
Kịch bản của một tác giả Trung Quốc đã được Lê Thúy Nga dàn dựng lại và được đánh giá tốt, mang tính thời sự khi đề cập đến thực trạng xã hội hiện nay. Những “ẩn ý", "hành động bên trong"… sau mỗi câu thoại trong vở dễ để người xem khám phá tâm tư tình cảm nhân vật. Cách bài trí sân khấu bó gọn trong vòng tròn cùng với một cánh cửa chính, một cửa sổ luôn biến ảo qua xử lý diễn của diễn viên đã cho thấy Thúy Nga dàn cảnh khá khéo léo.
Một cảnh trong vở "Yêu không dễ dàng" của đạo diễn trẻ Lê Thúy Nga
Vở diễn đã đem đến cho người xem ngoài những tiếng cười là những cung bậc cảm xúc quanh những vấn đề của cuộc sống đời thường…
Đạo diễn Diệp Tiên – Sân khấu kịch Phú Nhuận với vở “Trăng máu”
Là câu chuyện kể về một đoàn làm phim có ý tưởng thực hiện kịch bản được dựa theo một câu chuyện đồn thổi về một cô gái tự vẫn trong đêm tân hôn vì bị ép duyên và trở thành hồn ma ẩn náu tại ngôi nhà hoang trong một khu rừng. Hồn ma này chỉ xuất hiện vào những đêm trăng có màu đỏ như máu. Để chân thực, đoàn phim quyết định tìm đến khu rừng có ngôi nhà hoang như lời đồn để thực hiện các cảnh quay. Điều kỳ bí xuất hiện khi từng thành viên trong đoàn bị mất tích một cách bí ẩn. Sự việc này liệu có liên quan đến hồn ma xuất hiện vào đêm trăng có màu đỏ máu? Đằng sau ngôi nhà hoang ấy ẩn chứa bí mật gì?...
Tiết mục trong vở "Trăng máu" của đạo diễn trẻ Diệp Tiên
Đạo diễn Diệp Tiên đã thành công khi xây dựng một vở kịch kinh dị nhằm thu hút sự hiếu kỳ của khán giả. Một kịch bản khá chặt chẽ kết hợp với sự khéo léo che giấu tình tiết nhằm gợi mở cho khán giả những sự suy đoán, liên tưởng trước khi những bí ẩn về tình yêu và lòng thù hận được hé mở. Mặc dù vậy, vở diễn vẫn mang những thông điệp về tính nhân văn sâu sắc, hướng con người đến cái thiện. Cùng với hiệu ứng âm thanh, “Trăng máu” đã khiến khán giả “sởn da gà”. Có chăng, với thể loại này, đạo diễn Diệp Tiên sẽ làm “sởn da gà” của Ban giám khảo khi chấm điểm?
Đạo diễn trẻ Diệp Tiên ( thứ 2 từ trái qua) cùng những nghệ sĩ tham gia buổi diễn
Đạo diễn Khắc Duy – Nhà hát Thế giới trẻ với vở “Chi - ca - go”
Vở nhạc kịch nổi tiếng của BROADWAY là một phóng sự về những nữ tội phạm được viết bởi Freb EBbb và Bob Fosse, âm nhạc Jonh Kander, dựa theo vở kịch nói cùng tên của nhà báo Maurine Dallas Watskin (1926) đã ghi nhận được. Đạo diễn trẻ Khắc Duy đã rất táo bạo khi thể hiện lại vở nhạc kịch quá nổi tiếng này. Ngay sau khi kết thúc buổi diễn, Phóng viên Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn đã trò chuyện với Khắc Duy và được chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sung sướng và nhẹ nhõm. Bởi hơn hai tháng tập luyện, hai đêm thức trắng và làm hết “công suất” trước buổi công diễn, cả ekip cũng đã được hưởng thành quả khi nhìn thấy khán giả đứng, ngồi chật kín khán phòng đến phút cuối cùng. Khi màn nhung đã khép lại, khán giả vẫn đứng vỗ tay cùng chúng tôi. Thật không có cảm giác gì sung sướng hơn thế. Tham gia cuộc thi lần này điều mà tôi mong đợi không phải là giải thưởng mà là sự ghi nhận niềm đam mê của lớp trẻ chúng tôi đối với sân khấu. Ekip làm Chicago là những người còn rất trẻ: đa số là 9x và 8x đời cuối. Tôi cũng mới tròn 23 tuổi cách đây ít ngày. Đứng chung cuộc thi với các đạo diễn, diễn viên kinh nghiệm hơn chúng tôi rất nhiều nên giải thưởng không phải là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi. Được đứng trên sân khấu, hết mình cống hiến cho khán giả đó là niềm hạnh phúc của những sinh viên chúng tôi. Và cuộc thi đã tạo cơ hội cho chúng tôi đến gần với công chúng hơn. Sau cuộc thi này, chúng tôi hy vọng, lãnh đạo các sở ban ngành quan tâm hơn đến thế hệ trẻ của ngành sân khấu,tạo điều kiện để chúng tôi có cơ hội thể nghiệm, thể hiện những loại hình sân khấu mới mẻ hơn, góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền sân khấu nước nhà”.
Tiết mục trong vở "Chicago" của đạo diễn trẻ Khắc Duy
Đạo diễn Hoàng Duẩn – Nhà hát kịch TP.HCM với vở “Sáo thần không phép”.
Đây là vở rối đen duy nhất đã thu hút sự chú ý của khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi đến xem buổi công diễn tại Nhà hát thiếu nhi Quận 10 trong khuôn khổ Cuộc thi.
Vở diễn xoay quanh câu chuyện Mộc - một tiều phu tốt bụng có tài bắn cung và thổi sáo làm thuê cho lão Bá Hộ tham lam, ngu si và độc ác. Một lần đi chăn voi, Mộc đã cứu được chú chim Sáo thoát khỏi Đại bàng hung dữ, đem về nuôi. Nhân lúc Mộc và chim Sáo đi vắng, Đại bàng đã dụ dỗ cho đàn voi của Bá Hộ bỏ chạy vào rừng khiến Mộc bị lão Bá Hộ bỏ đói, không trả tiền công. Biết kẻ đã gây chuyện, Mộc và chim Sáo tìm gặp Đại bàng để hỏi tội. Trong lúc đánh nhau, Mộc bị thương nặng, Đại bàng bắt được chim Sáo và chuẩn bị ăn thịt Sáo thì đã bị Mộc giương tên bắn hạ. Thấy Sáo bị thương, Mộc chăm sóc và hôn Sáo. Bất ngờ Sáo biến thành một cô gái xinh đẹp do được hóa giải lời nguyền khi xưa. Chàng Mộc tốt bụng và nàng Sáo xinh đẹp nên duyên vợ chồng bằng một đám cưới với sự tham dự của muôn thú trên trần gian cùng những người tốt bụng.
Vở "Sáo không thần phép" của đạo diễn trẻ Hoàng Duẩn
Trong Sáo thần không phép, đạo diễn Hoàng Duẩn đặc biệt chú trọng đến thiết kế ánh sáng vì loại hình nghệ thuật rối đen đòi hỏi kỹ xảo và kỹ thuật biểu diễn khá cao, những con rối đen được tạo hình từ những mảnh vải sặc sỡ hay các vật liệu phản quang, có thể bay bổng, nhảy múa trên không trung theo ý của người điều khiển trên nền ánh sáng cực tím của loại đèn đặc biệt sao cho đạt hiệu ứng của các cảnh trong vở.
Trả lời một số câu hỏi về cuộc thi, Hoàng Duẩn cho rằng, đây thật sự là một cơ hội tốt cho các đạo diễn trẻ tiếp thị tên tuổi với các đơn vị nghệ thuật và đặc biệt là với khán giả sân khấu. Tuy nhiên, cuộc thi lần này, vẫn là ai có vở nào thì mang đi thi nên chưa thể hấp dẫn. Nên chăng, cần có sự định hướng và chuẩn bị trước để các đạo diễn làm hẳn một vở diễn để dự thi, chắc sẽ rất khác và rất hay. Và sau cuộc thi, sân khấu sẽ có được những vở diễn mới đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển đất nước.
Đạo diễn Lê Quốc Nam – Sân khấu kịch Phú Nhuận với vở “3-5-7”
Tiếp tục là một vở kịch kinh dị được mang đến cuộc thi. Câu chuyện về một vị cựu thẩm phán già giết chết cô bé Tư trong nhà mình. Sau khi ông cựu thẩm phán bị bắt, những chuyện ma quái vẫn xảy ra trong ngôi nhà quyền thế. Rất nhiều sự việc kỳ lạ và bí ẩn tại căn nhà về cái chết oan ức của cô bé Tư và những con người đang sống nơi đây đang là câu hỏi chờ đợi được giải đáp. Đằng sau cái chêt oan ức của cô Bé Tư thật sự là gì? Những người liên quan đến vụ án còn có ai ngoài vị cựu Thẩm phán già đã bị bắt? …
Cảnh trong vở "3-5-7" của đạo diễn trẻ Lê Quốc Nam
Khán giả thỏa mãn với “3,5,7” khi trào lưu kịch kinh dị đang “làm mưa, làm gió” trên sân khấu kịch thành phố cộng với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Hồng Vân, Minh Nhí, MaiKa,… đã mang đến cho người xem một vở kịch đặc sắc, bí ẩn và không kém phần hài hước. Nhưng, với khá nhiều vở diễn cùng khai thác đề tài kinh dị, liệu có “làm khó” Ban giám khảo khi phải dùng phép so sánh?
Đạo diễn Bùi Như Lai – Nhà hát Tuổi trẻ với vở “Được là chính mình”
Là vở kịch hình thể duy nhất tranh tài tại Cuộc thi. Trước khi đến với Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu, Bùi Như Lai cũng đã gây ấn tượng với các vở kịch đương đại có giá trị xã hội cao, được biểu đạt bằng kiểu ngôn ngữ nghệ thuật giàu sáng tạo, hiển hiện công phu đầu tư và dấu ấn cá nhân - những yếu tố mà giới chuyên môn luôn đòi hỏi. Đây có thể sẽ là một lợi thế.
Vở "Được là chính mình" của đạo diễn trẻ Bùi Như Lai
Hai chiếc ghế, hai khoảng sáng, một bóng người lẻ loi, phân vân, giằng xé giữa bên này, bên kia. Những vòng xoáy âm thanh cuồn cuộn ập xuống, dồn dập như một cơn bão khiến người ta lo ngại, bóng dáng bé nhỏ kia đang dần bị nhấn chìm vào tâm bão. Nhưng, những ánh mắt vẫn hờ hững vụt qua. Không một cánh tay chìa ra. Không một chút hy vọng, bấu víu. Cái bóng càng lúc càng run rẩy, vật vã. Quay đầu lại hay đi tiếp? Ẩn nấp trong bóng đêm hay bước ra ánh sáng? Rồi, đột ngột, một tiếng đập chát chúa, chiếc ghế bị đẩy ngã tựa như một hành động tuyên chiến với những thành kiến. Thân phận bị tạo hoá trêu ngươi ấy, rốt cuộc, đã quyết định là chính mình.
Bùi Như Lai đã gây sự chú ý với vở kịch hình thể này
Bùi Như Lai vẫn còn là một cái tên khá mới nhưng với những điều đã làm được trong “Được là chính mình”: cốt chuyện cô đọng, mạch lạc, những động tác hình thể được chắt lọc, chau chuốt, vũ đạo đẹp mắt, hy vọng, sân khấu phía Bắc sẽ được ghi danh.
Đạo diễn Quốc Kiệt – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với vở “Trái tim trong trắng”
Đạo diễn Quốc Kiệt (bên trái) vui mừng sau khi kết thúc phần thi
Câu chuyện kịch về nỗi oan ức của Nguyễn Trọng Luân - một thanh niên hiền lành có nhiều ước mơ và hoài bão. Một tình yêu đẹp giữa Luân và Phương. Bi kịch đã ập đến khi cha Luân bị hai kẻ xấu tấn công và một kẻ trong số đó đã chết. Bị nghi ngờ trả thù riêng, vì cứu cha, Luân bị ép nhận tội với bản án 15 năm tù giam do sự tắc trách của những người thực thi luật pháp. Cha Luân vì quá uất ức đã bị đột quỵ và qua đời. Không cam chịu với bản án vô lý, ròng rã suốt năm năm, người thân, người yêu của Luân vẫn quyết tâm đeo đuổi vụ án với niềm tin sắt đá rằng sẽ có ngày Luân được trả lại sự trong sạch...
NTBD
Bình luận