Category : Tin tức nhà hát

Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013:

người đăng @dmin | 05-11-2013 12:00 am

Khép lại cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013: Xen lẫn những vui tươi và lo lắng

04/11/2013 11:48:06 SA

Diễn ra tại TP Hải Phòng từ 19-10 đến 1-11, cuộc thi vừa khép lại trong niềm phấn khởi khi nhiều vở diễn, vai diễn giành giải cao, niềm vui của các nghệ sĩ chèo gặp gỡ, biểu diễn, so tài về nghề nghiệp.

 
Một đội ngũ hùng hậu được tập hợp và cổ vũ, đem lại nhiều kỳ vọng cho sân khấu chèo. Và những tồn tại, hạn chế trong đội ngũ này cũng được bộc lộ, để từ đây, các nhà quản lý, các tác giả, các nghệ sĩ dàn dựng, biểu diễn chèo… có ý thức điều chỉnh, bồi bổ cho mình, đồng thời xây dựng cơ chế và tạo những điều kiện mới cho đồng nghiệp.


Trao giải Vàng vở diễn

Lạc quan đội ngũ
Có thể thấy, cuộc thi tài vừa để đánh giá tài năng, tìm kiếm sáng tạo mới, tôn vinh thành quả xuất sắc của sân khấu chèo mấy năm qua, nhưng cũng là cuộc điểm mặt, đồng thời “lên dây cót” tinh thần cho nghệ sĩ chèo Việt Nam trong bối cảnh sân khấu, trong đó có chèo, phải gồng gánh tìm đường hướng vượt qua những thách thức của thời cuộc.

Cuộc thi cũng sẽ thỏa mãn những cái nhìn lạc quan chân thành, giàu hy vọng về sự tồn tại bền bỉ của nghề chèo, khi mà dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng với sự tích cực vào cuộc của Cục NTBD, Hội NSSK Việt Nam, sự hưởng ứng đã được coi là nhiều nhất về tác phẩm và đơn vị từ trước tới nay: 24 vở diễn của 17 đơn vị, quy tụ 800 nghệ sĩ. Và như nhận xét của NSƯT Khắc Tư – Nhà hát chèo Việt Nam thì mọi người vẫn thực sự yêu chèo. Còn theo nhà nghiên cứu Văn Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện SK&ĐA thì, nhiệt huyết ấy được chứa đựng trong một đội ngũ đông đảo với những nhân tố tạo đà cho nghệ thuật chèo phát triển. Hiện nay nhiều đơn vị đã lên nhà hát, đã có hơn một đoàn biểu diễn; các đơn vị được đầu tư lớn hơn với những vở lên đến hàng tỉ đồng. Ông Thành cho rằng, ở cuộc thi này, ta thấy rõ cuộc tập hợp lực lượng, nhu cầu tìm tòi, thể hiện cái mới và những biến chuyển để chèo vừa gần với người xem hơn vừa cố gắng giữ gìn đặc trưng của chèo.


Trao giải Bạc vở diễn

Nhìn vào quy mô, nội dung, hình thức thể hiện… của các vở dự thi, NSND TS Phạm Thị Thành - ủy viên BGK cho rằng, đa số vẫn giữ được chất chèo, trong đó có những vở thể hiện rõ tính cải tiến nhưng vẫn giữ gìn bản sắc. Về dàn dựng, có những vở hoành tráng, trang trí đẹp, hấp dẫn, trang phục được thiết kế đẹp mắt trên nền chất liệu dân tộc. Đồng thời, tham dự cuộc thi cũng có nhiều diễn viên trẻ hát hay và giàu triển vọng. Bà Thành nhận định: Cả đề tài lịch sử, đề tài hiện đại, văn hóa, nhân văn… đều có thể sử dụng chèo để diễn tả và vẫn lôi kéo được khán giả.

Sự hưởng ứng của công chúng Hải Phòng với các vở diễn, nghệ sĩ chèo tụ về từ khắp miền Bắc càng cho thấy tình yêu chèo vẫn thường trực trong tâm trí quần chúng nhân dân. Và chèo vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả dù phải đối mặt với nhiều cạnh tranh khốc liệt. Rạp tháng Tám thường thiếu chỗ các đêm diễn, và Cục trưởng Cục NTBD nhà viết kịch Đăng Chương – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, thể hiện cái nhìn khả quan khi chèo vẫn có khán giả của mình. Ông Chương cho rằng, những nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc phát triển chèo, tìm tòi cách thể hiện, biểu diễn đang được người xem ghi nhận.

 
Trao giải cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thể hiện xuất sắc

Những lo lắng về nghề
Cuộc thi với nhiều thành quả được đề cao, tôn vinh, nhiều dấu hiệu tốt cho phép người trong nghề có được niềm vui với những gì đang có và khi nhìn về chặng đường tiếp theo của nghệ thuật chèo. Nhưng những cái nhìn thẳng thắn cũng đặt ra không ít băn khoăn về những điểm còn hạn chế trong nội dung, chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, trong kỹ năng biểu diễn của nghệ sĩ, trong cách truyền tải đề tài cũng như trong những thể nghiệm mới trên sân khấu chèo. Tối 1-11 tổng kết, bế mạc cuộc thi chèo, PGS Tất Thắng – Trưởng BGK đã không ngần ngại đưa ra mấy cái lo: Nhiều vở nói dài, nói theo phong cách kịch nói, thậm chí có những vở mở đầu đậm chất kịch nói; về xu hướng hài hước hóa trong cuộc thi này, có những trường hợp cái cười còn nhạt, thiếu thẩm mĩ, còn khá nhiều những cái cười rẻ tiền. PGS Tất Thắng cũng nhắc nhở, một số vở kém ngay từ khâu chọn kịch bản chất lượng không cao và đó là một sự nguy hiểm!

 
Trao HCV cho các diễn viên

Không phủ nhận năng lực, tay nghề của một số bậc đạo diễn tên tuổi, có nhiều thành tựu khi tham gia vào cuộc thi này. Nhưng cũng có những ý kiến ngay từ trước cuộc thi về việc lại tiếp tục đua tài với thế hệ sau và với chính mình của những gương mặt đó. Giống như nhận xét của nhà nghiên cứu Văn Thành: Cuộc thi chèo năm nay vẫn là sân chơi của một số người quen mặt! Và khi những nghệ sĩ đó vẫn được tín nhiệm mời vào các vị trí trong ê kíp sáng tạo vở diễn, thì mảnh đất cho những người trẻ cũng theo đó mà thu hẹp hơn. NSƯT Khắc Tư còn có chút lo lắng ở một số trường hợp, tính áp đặt của đạo diễn còn nặng, khiến cho diễn viên nhiều khi phải làm theo yêu cầu của đạo diễn, phục vụ theo những gì mà đạo diễn đặt ra, từ đó việc diễn, hát không còn mềm mại, dung dị như cái gốc vốn có của chèo. Trong khi đó thì theo nhận xét của NSND Phạm Thị Thành, các đạo diễn có tiếng, có tuổi, tuy kinh nghiệm nhiều nhưng sáng tạo của họ trong cuộc thi này cũng đã có hạn chế.


 Trao HCB cho các diễn viên

Những tồn tại này, hay ít nhất là những hạn chế được nhìn ra qua con mắt của một số người trong nghề, đòi hỏi nhiều đối với các đơn vị nghệ thuật chèo trong hoạt động nghề nghiệp thời gian tới: Mạnh dạn mời và tạo điều kiện hơn cho các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ trẻ; chọn lựa và thẩm định kỹ hơn từ khâu kịch bản; tạo điều kiện để người diễn viên được thể hiện và phát huy nhiều hơn những sáng tạo cá nhân cũng như những kỹ năng, nghệ thuật biểu diễn đặc trưng của chèo truyền thống. Riêng điều này lại rất có quan hệ với việc đào tạo, rèn luyện nghề nghiệp mà theo NSƯT Khắc Tư thì cuộc thi có xuất hiện một số gương mặt tài năng, nhưng nhiều diễn viên cần được các nghệ sĩ có nghề và am hiểu chèo uốn nắn lại để tránh nguy cơ mất gốc.

Kết thúc cuộc thi, 42 diễn viên giành HCV (10 triệu đồng/HCV), 68 diễn viên giành HCB (7 triệu đồng/HCB); giải xuất sắc cho các nghệ sĩ trong ê kíp dàn dựng được trao cho đạo diễn NSƯT Thúy Mùi (Vở “Vương nữ Mê Linh” – Nhà hát chèo Hà Nội”), tác giả Trần Đình Văn (Vở “Đường trường duyên phận” – Nhà hát chèo Việt Nam”, nhạc sĩ Đào Tấn Hải (Vở “Đường trường duyên phận” – Nhà hát chèo Việt Nam) và họa sĩ thể hiện Hồng Long – Nhà hát chèo Việt Nam. Ba vở chèo giành giải Vàng: “Chuông ngân rừng trúc” – Nhà hát chèo Hải Dương, “Vương nữ Mê Linh” – Nhà hát chèo Hà Nội, “Người thầy của muôn đời” – Nhà hát chèo quân đội”. Giải Bạc vở diễn được trao cho sáu tác phẩm gồm: “Ông vua hóa hổ” của Đoàn chèo Hải Phòng, “Tiếng hát đại ngàn” của Nhà hát chèo Ninh Bình, “Đường trường duyên phận” của Nhà hát chèo Việt Nam, “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ” của Nhà hát chèo Thái Bình, “Nắng quái chiều hôm” của Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang và “Nữ tướng Thục Nương” của Đoàn nghệ thuật chèo Phú Thọ.

Hội NSSK Việt Nam đã trao Bằng khen cho các đơn vị tham dự cuộc thi. Khen thưởng của Hội được trao cho vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của Nhà hát chèo quân đội và bé Minh Thư vai em bé Bắc Lệ trong vở “Bắc Lệ đền thiêng” của Nhà hát chèo Việt Nam.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam trao giải thưởng của Hội
cho vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” – Nhà hát chèo quân đội…



…và cho bé Minh Thư vai em bé Bắc Lệ trong vở “Bắc Lệ đền thiêng”
của Nhà hát chèo Việt Nam

Dương Xuân / Hội NSSK VN

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận