Category : Tin tức nhà hát

Cuộc thi NT Sân khấu kịch nói 2015. Khan hiếm tài năng trẻ

người đăng @dmin | 26-06-2015 12:00 am

 

Thiếu vắng sức trẻ

Những ngôi sao của nghệ thuật sân khấu kịch nói cả nước đang hội tụ tại Nhà hát Lam Sơn, TP.Thanh Hóa để tham gia cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Với 29 vở diễn của 19 nhà hát và đơn vị nghệ thuật kịch nói, cuộc thi năm nay được đánh giá là thu hút một lượng lớn các vở diễn đang ăn khách hiện nay của các nhà hát. Sân khấu phía Bắc có 11 đơn vị bao gồm 10 nhà hát công lập. Các nhà hát có nhiều vở diễn nhất có thể điểm danh Nhà hát Tuổi trẻ với 3 vở diễn là “Công lý không gục gã”; “Sống tử tế”; “Biến dạng”; Nhà hát Kịch Việt Nam cũng 3 vở gồm “Bệnh sĩ”; “Lâu đài cát”; “Tai biến”; Nhà hát Kịch Quân đội với 2 vở “Tóc mây Lèn Hà”; “Thời gian không im lặng”...

Vở diễn "Lâu đài cát" của Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn cho lễ khai mạc cuộc thi. Ảnh:  Thanh Hà
 
Nhìn tổng thể các tác phẩm, tác giả, đạo diễn tại cuộc thi thì dễ dàng nhận thấy, tác giả kịch bản sân khấu trẻ, các đạo diễn trẻ dự thi quá ít. Với 19 vở thì tìm mỏi mắt mới thấy được 2 đạo diễn trẻ là đạo diễn Ngọc Trinh vở “49 ngày yêu” và Minh Béo với vở “Sông chờ”. Tuy nói là “trẻ” nhưng cả hai đạo diễn này đều đã 38 tuổi. Còn lại phần đông vẫn là các gương mặt quá quen thuộc của các đạo diễn gạo cội như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Anh Tú và các tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Quang Vinh; Xuân Đức, Chu Thơm, Lê Chí Trung... Điều này cho thấy sự khủng hoảng về lực lượng biên kịch, đạo diễn sân khấu trẻ tài năng.

 

Chia sẻ cảm xúc, nữ đạo diễn trẻ Ngọc Trinh cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia hội diễn nhưng lần này vừa là diễn viên và thêm vai trò đạo diễn cho tác phẩm đầu tay của mình với “49 ngày yêu”...”. Sinh năm 1977, Ngọc Trinh đã lăn lộn nhiều năm ở vài đơn vị xã hội hóa và đã tốt nghiệp hai bằng diễn viên và đạo diễn.

“Ngay từ hồi sinh viên, tôi đã có ước mơ được làm đạo diễn và mong được làm chủ một đoàn kịch. Và bây giờ tôi đang cố gắng để thực hiện được hoài bão thời sinh viên của mình. Với sự học hỏi tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày, va vấp với khó khăn, tôi đã mạnh dạn lập ra Công ty TNHH Biểu diễn Nghệ thuật Ước mơ xanh. Tuy nhiên với đơn vị xã hội hóa nào cũng đều thường gặp khó khăn về đầu tư vốn, khó khăn từ khâu kịch bản.

Rất nhiều thứ về kinh tế, nhân lực, kịch bản, đạo diễn… đó là 1 bài toán khó với các sân khấu kịch tư nhân hiện nay” - Ngọc Trinh tâm sự. Không chỉ khan hiếm những gương mặt tác giả, đạo diễn trẻ tài năng, ngay cả các diễn viên trẻ tài năng cũng không nhiều. Tại buổi diễn mở màn của lễ khai mạc vào tối 21.6, vở diễn “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch Việt Nam mặc dù trước đó đã được diễn nhiều, nhưng các diễn viên trẻ diễn xuất vẫn còn khô cứng và chưa thật sự chạm tới trái tim khán giả.

Kịch tư nhân hào hứng

Chia sẻ về cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay, một điểm mới tại cuộc thi năm nay là số lượng các đơn vị xã hội hóa tham gia nhiều hơn mọi năm với 8 đơn vị. Các đoàn kịch tư nhân đều mang đến tham gia những vở diễn ăn khách nhất của mình như Công ty TNHH Nụ cười mới với các vở “Cổ tích một tình yêu”, “Nắng quái chiều hôm”; Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang với vở “Tử hình”, Công ty Khánh Vương với vở “Vũ nữ”; Nhà hát Thế giới trẻ với vở “Bông hồng vàng”...

Theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi năm nay chất lượng các tác phẩm đồng đều hơn năm trước, đa dạng với nhiều thể loại như chính kịch, hài kịch, bi hài kịch, nhạc kịch, tâm lý... Đặc biệt các tác phẩm tập trung vào các đề tài đương đại với những tấm gương phản chiếu đa chiều về cuộc sống hiện đại. Những câu chuyện sát sườn với sự chuyển động của xã hội và gia đình, những tha hóa, biến chất của con nguời từ thành thị tới nông thôn trong thời buổi kinh tế thị trường...

NSƯT Hương Dung- Chủ nhiệm CLB Chuông Việt (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) mang đoàn tham gia với vở “Nắng quái chiều hôm” cho hay: “Là đơn vị xã hội hóa, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi, đặc biệt là khó khăn về kinh tế, khi phải lo tất cả mọi thứ, từ trang trí sân khấu đến âm nhạc, ánh sáng, trang phục, đi lại, ăn ở. Cho dù có sự hỗ trợ kinh phí là 50.000.000 đồng nhưng phải chia cho 2 đoàn là đoàn tôi và đoàn của nghệ sĩ Xuân Bắc, mỗi đoàn chỉ được 25.000.000 đồng, rất khó xoay xở.

Tuy nhiên cho dù phải bỏ tiền túi nhưng vì yêu và say mê với nghề nên chúng tôi vẫn quyết tâm đi dự thi. Thực lòng, đông đảo anh em nghệ sĩ đoàn tôi là các nghệ sĩ đã nghỉ hưu hoặc các nghệ sĩ tự do, vẫn muốn được trở lại với nghề, thăng hoa cùng nghệ thuật nên chuyện tiền nong cũng phải vượt qua hết”.


 Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc - 2015 tại Thanh Hóa kéo dài từ 21.6 đến 6.7 với mỗi ngày 2 buổi diễn (sáng từ 9 giờ và tối từ 20 giờ). Ban tổ chức cho biết sẽ chỉ trao giải cho các vở diễn và cá nhân thực sự xuất sắc, không để tình trạng “mưa giải thưởng
http://danviet.vn/van-hoa/cuoc-thi-nghe-thuat-san-khau-kich-noi-2015-khan-hiem-tai-nang-tre-602623.html

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận