Category : Tin tức nhà hát

ĐỂ CÁC CUỘC THI SÂN KHẤU LÀ SÂN CHƠI CỦA ĐẠO DIỄN

người đăng @dmin | 08-07-2015 12:00 am

19 đơn vị nghệ thuật với 29 tác phẩm tham dự Cuộc thi Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 (từ ngày 21-6 đến 6-7) đã thể hiện sự đa dạng đề tài, phong cách dàn dựng và phần nào cho thấy thực trạng hoạt động sân khấu ở các vùng, miền. Tuy nhiên, những hạn chế từ nhiều năm qua, cho tới cuộc thi này vẫn chưa được khắc phục, trong đó có vai trò của đội ngũ đạo diễn trẻ.

 

Nét mới của cuộc thi tài

Diện mạo sân khấu có gì đổi khác trong ba năm qua là câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra ở cuộc thi năm nay của làng sân khấu kịch nói. Theo tiêu chí, mỗi đoàn được dự thi một vở, nhưng đã có nhà hát ở phía bắc mang tới ba vở như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ. Các đơn vị khác cũng có hai vở như Đoàn kịch Công an Nhân dân, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Quân đội. Điều gây bất ngờ lại từ các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Khác với các kỳ cuộc trước đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải động viên thì nay họ đã rất nhiệt tình tham dự. Ngoài hai đơn vị phía bắc, có sáu đơn vị phía nam tham dự Liên hoan. Theo các nghệ sĩ như Ngọc Trinh, Khắc Duy, đây là dịp để họ khẳng định mình, khoe với bạn nghề những sáng tạo mới. Khá nhiều đạo diễn trẻ luôn có mặt ở khán phòng để theo dõi đêm diễn của đơn vị bạn, tìm ra điểm mạnh, yếu để học tập, để khắc phục... Nếu như các đêm diễn của sân khấu phía bắc chững chạc, chuyên nghiệp, giàu tính tư tưởng với sự nhuần nhuyễn trong biểu diễn từ tạo hình tới phát âm... thì sân khấu phía nam đem lại nét tự nhiên, đời thường và cũng chẳng kém tài năng như NSƯT Hoàng Yến có thể một mình đảm nhận cả ba vai nữ trong Cát trắng như gạo, hay sự đa năng, kỹ thuật vũ đạo và hình thể tuyệt đẹp của ê-kíp vở diễn Vũ nữ...

Sự đa dạng về đề tài, về sự khai thác, phản ánh cuộc sống cũng đã được thể hiện. Nhiều người xem đã nhận định, nhìn vào sân khấu, có thể thấy được xã hội hiện nay ra sao. Các thế mạnh như: Hài kịch, chính kịch, kịch ma, kịch kinh dị, kịch cho thiếu nhi... đã tạo nên sự phong phú và những món ăn tinh thần khá hấp dẫn với công chúng.

Bên cạnh đó, những hạn chế dễ nhận thấy cũng bộc lộ. Tiêu chí giao lưu học hỏi vẫn chưa thật được chú trọng khi cuộc thi kéo dài, các đơn vị không đủ kinh phí cho anh em xem toàn bộ tác phẩm của đơn vị bạn. Không ít diễn viên chưa sẵn sàng xem đến hết vở diễn của bạn nghề. Hay sự cách biệt khá lớn giữa chất lượng vở diễn của các đơn vị địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về đầu tư, về tố chất nghệ sĩ, còn non yếu...

Một vấn đề khá nhức nhối qua các kỳ liên hoan, cuộc thi sân khấu là vai trò chưa thật sự nổi bật của những đạo diễn trẻ ở một cuộc thi mang tầm vóc quốc gia. Hằng năm, vẫn có nhiều đạo diễn sân khấu được "ra lò" ở hai trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường đại học Sân khấu -Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Nhưng bao nhiêu người trong đó có đất dụng võ? Không lẽ, sân chơi của giới trẻ chỉ dừng ở cuộc thi tài năng đạo diễn trẻ?

Tuy còn ít ỏi nhưng không hẳn không có, làng sân khấu đang nổi lên những tên tuổi đạo diễn trẻ có nhiều kỳ vọng như Xuân Bắc, Như Lai, Ngọc Trinh, Khắc Duy, Minh Béo... Họ đã và đang có những sáng tạo nhất định trên con đường khẳng định phong cách riêng. Xuân Bắc vốn là gương mặt được yêu quý trong vai trò nghệ sĩ, MC, song trong vài năm gần đây đã gắn thêm "thương hiệu" đạo diễn ăn khách với những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Cùng với những đồng nghiệp trong nhóm, Xuân Bắc tạo ra được một bản sắc riêng khi đầu tư cho đối tượng khán giả tiềm năng này. Chú trọng nhiều tới tâm lý thưởng thức của đối tượng mình nhắm tới, anh đã khai thác tốt công nghệ kỹ thuật mới để vở diễn hấp dẫn các em nhỏ bởi sự mới lạ. Bùi Như Lai là một trong những người cố gắng để tạo một phương thức thể hiện sân khấu khác lạ với những tác phẩm như Stereo Man, Hành trình đi tìm cảm xúc và Được là chính mình... Vở diễn Sống tử tế của anh tham gia cuộc thi đã đi đúng tinh thần mà người đạo diễn này từng tâm niệm: Không dựng kịch lấy tiêu chí an toàn! Với thủ pháp đồng hiện, được dùng một cách sáng tạo, sự dàn dựng và thể hiện của vở diễn là một nét khám phá mới mẻ, tích cực cho sàn diễn. Đạo diễn nữ Ngọc Trinh vượt qua những khó khăn thực tế, đã mang tới vở 49 ngày yêu... những cách diễn tả mới mẻ: kịch nói nhưng khi cần, sẵn sàng để diễn viên hát. Tuy vở diễn còn "tham", chưa chắt lọc, cốt truyện kịch cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý... song cách dàn dựng này đã gây được sự chú ý đối với các đồng nghiệp. Đạo diễn trẻ nhất cuộc thi Khắc Duy với Vũ nữrất hấp dẫn bởi cách dàn dựng bắt mắt, ăn điểm ở kỹ năng diễn xuất của dàn diễn viên đẹp và có tiếng nói riêng, độc đáo khi đi vào hình thức thể hiện mang tính nhạc kịch...

Chính các đạo diễn trẻ, với phong cách riêng, mạnh dạn thay đổi tư duy sáng tạo, đã đem đến những tác phẩm mới mẻ, mang được nét thanh xuân và một diện mạo đa dạng cho cuộc thi năm nay. Tuy không phải bất kỳ cái mới nào cũng đã hay, khi các đạo diễn do còn chưa dày dạn kinh nghiệm nên chưa gọt tỉa kỹ lưỡng cho tác phẩm, còn những điểm chưa thật hợp lý, nhưng không thể phủ nhận tiếng nói của họ bên cạnh những tên tuổi lừng danh như hai NSND Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng hoặc gần hơn là NSƯT Anh Tú.

Thiếu vắng đạo diễn trẻ?

Gợi chuyện những bậc lão thành để tìm câu trả lời thì... không có gì mới. Trước hết, do bệnh thành tích của đơn vị, khi ba năm mới có một lần thi, rất cần một sự bảo đảm nhất định từ tên tuổi của các đạo diễn dạn dày kinh nghiệm, có tầm ảnh hưởng, có trọng lượng với giới sân khấu. Chưa kể, các đơn vị không mấy mặn mà với những thử nghiệm của đạo diễn trẻ, khi thấy rõ, ban giám khảo các cuộc thi hầu hết vẫn là lớp cha chú, gu thẩm mỹ, cách nghĩ, cách tư duy chắc hẳn khó bắt kịp giới trẻ. Bên cạnh đó, cái khó của khâu lựa chọn kịch bản theo cách làm lâu nay đã thành công thức: cần đúng đã, yếu tố hay, mới, chất lượng phải đứng sau. Từ kịch bản với kết cấu cũ kỹ, cách kể chuyện không mới... cũng khó để đạo diễn có thể sáng tạo ra phương thức dàn dựng thật sự đổi mới. Người chỉ đạo nghệ thuật có sức chi phối lớn nhất với khâu lựa chọn kịch bản lại thường là người phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về tính tư tưởng, lại vẫn đặt tiêu chí an toàn lên trên hết. Và cuối cùng, nếp nghĩ ăn sâu trong hầu hết đội ngũ nghệ sĩ phía bắc vẫn là, đã đi thi là phải có thành tích mang về, hội thi sau mới dễ bề "xin đầu tư". Chính cách nghĩ này đang trói buộc hầu hết các đơn vị nghệ thuật phía bắc. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, khi mà tư tưởng đi thi để lấy huy chương vẫn còn tồn tại thì cuộc chơi thật sự cho đạo diễn trẻ chưa thể thành hiện thực.

Ngược lại, sân khấu phía nam vốn không nhiều câu nệ, không chịu sự quản lý quá chặt chẽ khi đồng vốn hoàn toàn do họ đầu tư, lại là mảnh đất mà đối tượng khán giả trẻ chiếm ưu thế nên hầu hết các đơn vị đều sẵn sàng giao vai trò tác giả chính của vở diễn cho người trẻ. Thêm nữa, bản thân các đạo diễn trẻ cũng rất năng động, luôn tự xây dựng cho mình những phong cách riêng và kiên trì đi theo phong cách đó. Tác giả trẻ Kim Khôi tâm sự: Khi tiếp xúc với các nghệ sĩ trẻ miền bắc, thấy rõ họ chưa thật sự tự tin và chưa chủ động tìm kiếm cơ hội để có thể khẳng định mình. Mình không chủ động tạo dựng cơ hội thì làm sao có thể khiến người khác tin và dám giao việc được. Và tâm thế chung của các đơn vị phía nam thật sự coi đây là một cuộc chơi lớn, để thể hiện mình, để góp tiếng nói chung... chứ không quá câu nệ vào thành tích cần có trong hồ sơ xét tặng nên họ phóng khoáng trong sáng tạo. Như những chân sút khi không chịu áp lực tâm lý, các nghệ sĩ phía nam dễ dàng ghi điểm với đồng nghiệp khi mạnh dạn thử nghiệm cái mới.

Khi mà sân chơi cho giới trẻ chưa đủ để tạo thành sóng mạnh, các cuộc thi tài hiện nay vẫn còn nhiều âm hưởng của những tác phẩm sân khấu an toàn mà cũ kỹ, ít hấp dẫn. Mong rằng tương lai không xa, mỗi vở diễn đều là những cống hiến đầy sức sáng tạo của sự mới mẻ, thanh xuân trong nghệ thuật.

 
CAO NGỌC

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận