Category : Tin tức nhà hát

Giải thưởng sân khấu năm 2012: Chờ và hy vọng

người đăng @dmin | 18-09-2013 12:00 am

Giải thưởng sân khấu năm 2012: Chờ và hy vọng

16/09/2013 5:27:19 CH

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Hội NSSK VN đã trao Giải thưởng Sân khấu năm 2012 cho các nghệ sĩ, tác phẩm sân khấu xuất sắc. Chúng tôi xin trích đăng bài tổng kết nghệ thuật Giải thưởng Sân khấu năm 2012 của nhà văn Chu Lai, Trưởng ban Sáng tác, Hội NSSK VN.

Như thông lệ, hàng năm cứ vào mùa thu hoạch, dù xum xuê hay còn lãng đãng, dù bội thu hay vẫn còn thiếu vắng, các cánh thợ gặt của cả nước đều tề tựu đông đủ về đây, trong Ngày Sân khấu Việt Nam để nhìn lại công sức hai sương một nắng một năm năm qua, để vinh danh nhận được những phần thưởng,  giải thưởng cho những công sức đó.

Đó là các cánh thợ về kịch bản văn học, về tổng thể vở diễn và về tài nămg thể hiện của từng cá nhân trên cánh đồng ba chiều.

Nhà văn Chu Lai báo cáo tổng kết nghệ thuật Giải thưởng Sân khấu năm 2012

Thứ nhất về Kịch bản văn học:

Có một nét mới đáng ghi nhận là, với tổng số 41 kịch bản gồm đủ các thể loại kịch, tuồng, chèo, cải lương, dân ca, rối xiếc và với đủ các loại đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại, chiến tranh, dựng xây, đời thường, chống tham nhũng chống tiêu cực… được đăng ký gửi về xét giải thì mảng đề tài về các vấn đề nóng, bức xúc của xã hội đã được các tác giả phản ánh phong phú nhất, đặc biệt ở thể loại kịch nói, một thể loại luôn phát huy được uy lực trong mọi góc cạnh nhạy cảm trước cuộc sống và thật thú vị khi hầu hết các kịch bản ở dạng dũng cảm dám lao vào sóng dữ này đều đọat được giải cao,  như là một sự hội tụ nhọc nhằn vất vả giữa hai dòng lưu: thời sự và nhân văn.

Nếu như ở BA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ BỆNH TAI BIẾN, tác giả Xuân Đức, Quảng Trị đã khéo léo mềm mại nhưng không kém phần xót xa, quyết liệt để gửi đến một thông điệp nhức nhối: Tai biến là một căn bệnh thông thường của cuộc đời một con người nhưng khi đã loang ra toàn xã hội thì nó sẽ trở thành một hiểm họa khôn lường cho bước đường đi lên của dân tộc thì ở ĐƯỜNG ĐUA TRONG BÓNG TỐI, tác giả Đăng Chương lại vung đà đao đánh vỗ mặt, đánh không thương tiếc vào thói mua quan bán chức đang trở thành nạn dịch làm băng hoại nhân cách, băng hoại xã hội, phá vỡ từng mảng các giá trị tinh thần của những nhóm lợi ích, những cá nhân, ê kíp suy thoái trong cuộc sống, trong guồng máy điều hành, quản lý.

Nếu như ở CON NGƯỜI LÀ THẾ NÀO,  một thể loại kịch vui, tác giả Nguyễn Hiếu đã thổi vào kịch một chút hơi thở của siêu tưởng, giả tưởng khi thế giới tâm hồn, năng lượng tình yêu của con người đã bị tàn phai theo sắc màu thực dụng, họ khao khát muốn chế tạo, muốn nhân bản được một kiểu người hoàn hảo để đáp ứng được tình yêu thao thiết của mình nhưng rồi cuối cùng ngay chính cái nhân bản đó cũng bị cuộc sống nhào nặn thành tham lam dốt nát không có chỗ đứng trong cuộc sống xô bồ hôm nay, thì ở HUYỀN THOẠI MẸ, nữ tác giả Mỹ Dung lại quay về với cảm hứng truyền thống, đi sâu khắc họa về hình tượng người Mẹ Việt Nam sáng rỡ trong chiến tranh thà hy sinh tất cả, mất tất cả để trả thù cho con, trả thù cho những đồng đội của con. Cũng như trong 12 GIỜ của tác giả Chu Thơm, lần này anh lại quyết định chọn cho mình một cách viết tâm linh khá lạ lẫm trong cảm hứng Xá tội vong nhân thông qua một câu chuyện tình yêu trắc trở, bi đát.
   
Vâng, có thể nói đề tài lịch sử năm nay khá được mùa với âm hưởng sang sảng nói cái đã qua mà bắt ta phải nghĩ tới cái hôm nay đang còn nhiều nóng nhức trong kịch bản tuồng HOÀNG CUNG RỰC LỬA của Đoàn Thanh Tâm, Bình Định; Với sự chấm phá  táo bạo và công phu, ý tứ sâu xa, lời văn trau chuốt dám nhìn lại con người Nguyễn Ánh công tội không dễ rạch ròi, xấu tốt, trắng đen chưa thật phân định trong một giai đoạn lịch sử khá nhạy cảm ở cung một cảm hứng, một đề tài của tác giả Phạm Dũng trong NGUYỄN ÁNH  và cặp tác giả Phạm Tân, Tuấn Anh trong GIÓ HOÀNG CUNG; với VI THẦN, vẫn một lối viết nhẹ nhàng, giàu nữ tính, nhiều suy tưởng của cây bút cải lương miền Tây, Hà Nam Quang  đã trở lại khai thác  sâu hơn, đau đớn hơn và cũng đanh thép hồn tư tưởng Nguyễn Trãi hơn trong vụ án Lệ Chi Viên. Và cũng một cách nhìn mới mẻ ấy, tác giả Thanh Bình và Nguyễn Kháng Chiến, TP Hồ Chí Minh, trong NGỌC VỠ và KHỔ HẠNH  lại đem lại cho ta một suy nghĩ khác, một cảm xúc khác sâu xa hơn, thể tất hơn và cũng nhân tình hơn  về nhà cải cách “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” Hồ quý Ly cũng như về nàng công chúa Lê Ngọc Hân được Lý Khắc Chung cướp về tránh khỏi cái bi kịch phải chết theo chồng, vua Chế Mân. Lại nữa, trong kịch bản tuồng TÌNH YÊU VÀ KHÁT VỌNG, tác giả Phạm Ngọc Sơn, Phú Yên, với hơi văn cổ trang nhã, đẹp, chọn lọc, tạo được cái riêng đã làm sống lại hình tượng người anh hùng Phạm Văn Chánh dám dứng lên vượt qua cái chết để kêu gọi sự đoàn kết các dân tộc chống ngoại bang. Vân vân…

Nhìn chung, các kịch bản lần này khá xum xuê, cái đã đạt tầm chuyên nghiệp, cái còn chưa, cái đã phát huy hiệu ứng như một quả nổ , cái còn gãi ngứa mơn man, đó đây vẫn còn vương lại nét thô ráp, vụng về, thậm chí còn bộc lộ sự thiếu cảm xúc, thiếu vốn sống nhưng ghi nhận các tác giả đã không hề lập trình, dễ dãi, khuôn sáo trong cách lý giải của mình về các hiện tượng xã hội, lịch sử.      

Thứ hai, về vở diễn:

Về vở diễn đăng ký lần này tuy có khiêm tốn hơn nhưng số lượng cũng đạt tới 30 vở. Và nó có một cái thuận lợi là, hầu hết các vở đều được chắt lọc từ các kỳ hội diễn về Kịch nói, tuồng, cải lương… nện việc xét, chấm giải đã có một tọa độ thẩm mỹ khá đảm bảo độ chính xác về chất lượng để dựa vào. Ví như NHỮNG MẶT NGƯỜI THẤP THOÁNG ( Xuân Đức) của Nhà hát kịch Hà Nội, BIỂN VÀ BỜ ( Đăng Chương) của Đoàn cải lương Hải Phòng. Dựa vào nhưng là mang tính tham khảo chứ không phải tất cả bởi mỗi cuộc xét giải, mỗi hội đồng xét giải tùy theo tiêu chí, yêu cầu đặc thù  mà vẫn đòi hỏi phải mang được nét riêng của mình. Chứ nếu không thì chỉ cần một động tác thủ công gọi là “Dịch sang”  quá đơn giản.

Nhìn chung, Các kịch bản văn học một khi có chất thì khi may mắn được lên sàn thành vở diễn nó cũng có chất theo. Điều đó chứng tỏ mối hòa đồng giữa bộ ba: tác giả, đạo diễn, diễn viên mà khởi nguồn từ chất liệu ban đầu của các trại viết được tiến hành một cách nghiêm cẩn và bài bản đã trở thành một trận hiệp đồng binh chủng đẹp. Nếu như ở các kịch bản văn học gửi về, cuộc sống đã được phản ánh đa chiều đa dạng, cả lịch sử lẫn hiện đương thì trong các vở diễn, điều này còn nổi lên rõ rệt hơn mà chỉ nhìn vào bảng tổng sắp các tiết mục là ta có thể nhận ra hơi thở hầm hập của nó, tức là không chỉ có những thể loại chủ lực luôn đi tiên phong như kịch, tuồng chèo, cải lương mà nó còn là sự bổ sung khá ngoạn mục của Rối, của Hát bội, của các làn điệu Dân ca vô cùng phong phú.

Đó là NHỮNG MẶT NGƯỜI THẤP THOÁNG, là VƯỢT QUA TÂM BÃO, là CẦU VÒNG LỤC SẮC, là MÊ CUNG, là VÚ CÁT, là BIỂN VÀ BỜ, là ÂM BINH, là NGUYỄN CÔNG TRỨ, là CỔ TÍCH MỘT TRUYỆN TÌNH, là LŨ QUÉT… Và đó là hai chương trình rối cạn KHÔNG GIAN TRẮNG và KÝ ỨC đã thổi vào các vở diễn năm nay một luồng gió mới mát mẻ, trữ tình.

Đây là sự góp sức đáng kể với nhiệt độ cao  của tất cả các đơn vị nghệ thuật hùng hậu trong nam ngoài bắc, miền trung mà ngoài chất lượng kịch bản còn là sân chơi để có dịp bộc lộ hết tài năng thâm hậu của đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, ánh sáng, âm nhạc, hậu đài. Mỗi vở diễn, mỗi đơn vị nghệ thuật đều mang một dấu ấn, một sắc thái, một phong cách, một sự gắng gỏi vượt thắng  riêng tạo nên bản hợp ca sôi động về cuộc sống mà chỉ lắng chìm, tan chảy  vào đó thôi, ta cũng có thể nắm bắt được toàn bộ mạch đập của dòng đời, khúc nhôi của kiếp sống hỷ nộ ái ố nhân gian.

Có lẽ về mặt ý tưởng và hình tượng chuyển tải, chúng ta có quyền nhận định rằng các vở diễn đã dám đột phá vào những vấn đề nhạy cảm nhất mà cuộc sống đang đặt ra buộc phải trả lời. Đột phá mạnh đến nỗi chính tác giả của nó cũng chỉ nghĩ rằng, viết cho vui, cho được giãi bày, cùng lắm là được nhận giải thưởng kịch bản văn học chứ không nghĩ nó được lên sàn diễn và lại được hào hứng đón nhận, ví như vở “Mặt người thấp thoáng” của nhà hát kịch Hà Nội, hoặc vở còn mang sức chấn động mạnh hơn khi chỉ mặt vạch tên một nhân vật cỡ cấp chủ tịch tỉnh cơ hội, suy thoái, tham lam, sẵn sàng dùng cả đứa con dứt ruột đẻ ra để làm phương tiện tiến thân như “ Biển và Bờ” của Trung tâm bảo tồn Hội NSSK Việt Nam. Rồi “ Vượt qua tâm bão”, một vở diễn có những làn điệu cải lương rất đẹp nhưng vấn đề đặt ra về cung cách làm ăn kinh tế còn nhiều nhá nhem để cầu lợi hôm nay lại gai góc, dồn nén dữ dội không kém gì một thể laoij kịch nói. Hoặc như “ Âm binh”, vở diễn đã đóng đinh vào cảm nhận người xem ở cách kể chuyện táo bạo, chấm phá, thực giả đan xen, đảy nhân vật đến tận cùng số phận để rồi sau đó có cớ cho tính cách và chủ nghĩa nhân văn bật lên.

Điều này chứng tỏ nếu tác giả dũng cảm một thì đạo diễn dũng cảm hai và đơn vị nghệ thuật đó dũng cảm mười, một nét cần khích lệ trong phong cách, tư duy sáng tạo của sân khấu hôm nay mà trong bản tổng kết có hạn này không thể điểm ra hết được.
 
Chính những vở diễn chói chang ánh đèn sân khấu cùng với những con chữ lặng lẽ trong trang bản thảo kịch bản đã làm nên diện mạo sân khấu 2012 còn nhiều bóng mờ nhưng đã le lói những điểm sáng hy vọng. Tuy vậy, một câu hỏi không thể không đặt ra: vâng,  thử hỏi trong năm nay sân khấu đã có một vở diễn nào, một kịch bản nào đủ sức gây giật mình, sửng sốt chưa, thậm chí kinh ngạc, vui mừng chưa thì có lẽ câu trả lời vẫn là chưa. Khó lắm, tài năng là thời vụ, không thể cứ hiệu triệu, kêu gọi, hội diễn, hội thao là có mà nó đòi hỏi còn có thời gian và tâm huyết làm nghề âm thầm của những tư cách tử vì nghệ nơi phòng kín cô đơn. Ta có quyền chờ và càng có quyền hy vọng.

Trong đó không thể không kể đến sự cống hiến âm thầm và cao quý của lực lượng lý luận phê bình, một lực lượng nằm ẩn phía sau nhưng lại rất quan thiết để mang lại sự hiển vinh cho một nền, một vở diễn. Đó là những đúc kết, rút tỉa đáng trân trọng CƠ SỞ TRIẾT HỌC,VĂN HÓA HỌC VÀ MỸ HỌC CỦA CHÈO CỔ của Trần Trí Trắc,  MẶT NGƯỜI MẶT HOA  của Nguyên Thị Minh Thái và là SỰ ĐỒNG VỌNG ĐA CHIỀU TRONG KỊCH LƯU QUANG VŨ của Phan Trọng thành.

Nhân đây, chúng ta dừng lại một chút để tôn vinh lực lượng sáng tạo luôn nằm ở dạng trầm tích nghệ thuật này.

Và cuối cùng là  thuộc về công lao và tâm huyết của những cá nhân nghệ sĩ làm chức năng thể hiện: Đạo diễn, họa sĩ, diễn viên. Rõ ràng đây là một chức năng cao quý và thầm lặng cống biến hết tài năng và sức lực của mình cho sự thành công của một tác phẩm. Tại sao gọi là thầm lặng? bởi lẽ những con người này vẫn trụ vững trên một sân chơi nghiêm túc, giàu nghệ thuật trong khi tràn ngập xung quanh là những chương trình ca nhạc, những Fomet truyền hình thực tế choán lộng, những Geamsow, những bộ phim, kể cả những vở diễn chiều theo thị hiếu khán giả đạt được những nguồn thu khổng lồ.

Biết làm sao được, quy luật cuộc sống là thế và quy luật đào thải cũng là thế. Thời gian sẽ chứng minh cái gì thuộc về nhân dân, về hơi thở thuần phác của nhân quần cái đó sẽ có sức sống trường tồn. Cái gì ảo, cái gì lấp lánh không mang giá trị thật sẽ mất dần theo thời gian.

Mùa giải năm 2012 đã khép lại với cả niềm vui, nỗi buồn, sự phấn khích và cả điều lo lắng. Không sao, cõi sáng tạo không cùng là vậy, miễn  là ta vẫn chịu ngồi vào bàn, vẫn bước lên sân khấu với một tâm thức điềm tĩnh và say đắm nhất.

Hy vọng mùa giải sân khấu năm 2013 sẽ gặt hái được nhiều hoa thơm trái ngọt hơn. Xin cám ơn! 
Nhà văn Chu Lai

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận