Category : Tin tức nhà hát

Hài nhảm đang đầu độc thẩm mỹ xã hội

người đăng @dmin | 12-05-2017 12:00 am

Hài nhảm đang đầu độc thẩm mỹ xã hội
02/05/2017 22:14
Nhà viết kịch Lê Chí Trung ví hài nhảm như thực phẩm bẩn. Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc về thị hiếu và thói quen thưởng thức nghệ thuật
Phóng viên: Dư luận đang rất bức xúc trước nạn hài nhảm trên sân khấu và một số game show truyền hình. Là một tác giả có tên tuổi trong lĩnh vực sân khấu với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều tác phẩm bi - hài kịch ăn khách như “Giải oan Thị Mầu”, “Choáng vì tiền”, “Mẹ và người tình”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây” và hàng trăm kịch ngắn, tiểu phẩm hài…, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?
 

Nhà viết kịch Lê Chí Trung. Ảnh: Thanh Điền
- Nhà viết kịch Lê Chí Trung: Trước hết, xin được nói ngay, tôi viết tiểu phẩm hài theo đơn đặt hàng của các chương trình tử tế một thời, như: “Cười để ngẫm” (VTV9), “Cuộc sống tươi đẹp” (THVL) hay Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội… Kịch ngắn, tiểu phẩm hài có cái hay riêng của nó, nếu được thể hiện có duyên và chuyển tải đến người xem một thông điệp cuộc sống nào đó.
Còn khi nói dư luận đang rất bức xúc trước nạn hài nhảm thì thật ra sự bức xúc này đã có từ rất lâu rồi. Có những chương trình không chỉ vô duyên, nhảm nhí mà còn đầu độc thẩm mỹ công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Có những diễn viên, mà cận cảnh trên truyền hình có thể nhìn rất rõ nét biểu cảm trên gương mặt họ, bạn sẽ thấy không toát lên sự duyên dáng hài hước, thay vào đó là sự trơ tráo, nham nhở để cố nặn ra tiếng cười.
Ông có thể giải thích rõ hơn nhận định “hài nhảm đang đầu độc thẩm mỹ xã hội”?
- Câu hỏi cần được đặt ra: Thế nào là hài nhảm? Một tiết mục hay một game show hài nhảm không chỉ xuất hiện những cử chỉ, lời nói thô lỗ, tục tằn và cách gây cười dung tục. Cái đáng nói hơn, sâu xa và để lại nhiều di chứng mang tính xã hội hơn chính là nội dung của nó. Sự vô bổ, lố lăng, nhảm nhí… của các chương trình này hằng ngày ngập ngụa trên sóng các kênh truyền hình, như đám cỏ dại được dung dưỡng, không chỉ “ăn” hết đất của các chương trình nghệ thuật tử tế (thực tế là các chương trình khoa giáo về kiến thức, vở diễn sân khấu thường bị đẩy vào những giờ… “bèo” lúc nửa đêm) mà còn góp phần làm lụn bại, phá hỏng mọi giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc, mù mờ về thị hiếu và thói quen thưởng thức nghệ thuật.
Chúng ta thử hình dung, một tiết mục hài nhảm trên sàn diễn quá lắm chỉ đầu độc thẩm mỹ vài ba trăm người. Còn trên truyền hình, con số đó là bao nhiêu triệu lượt người xem?
Và nên nhớ, tần suất xuất hiện của nó âm thầm diễn ra hằng ngày, hằng giờ như một cuộc chiến vi trùng có thể quét sạch mọi giá trị về cái đẹp nghệ thuật trong tâm hồn và tâm thức người xem, đặc biệt là giới trẻ và hàng triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành.
Nhưng sự bức xúc mà ông cho rằng đã có từ lâu này đang ngày một gia tăng. Vì sao vậy?
- Vấn đề là xã hội dường như nhiều năm qua bất lực trước tệ nạn này. Sự thờ ơ, bất lực và buông xuôi từ các cơ quan quản lý nhà nước. Sự nhắm mắt vô tâm chạy theo tài trợ quảng cáo, lợi ích nhóm… cùng thái độ quay lưng ngoảnh mặt của những người còn yêu cái đẹp và lo cho môi trường nghệ thuật đang bị ô nhiễm hết sức nặng nề. Bởi lẽ, họ đã nói ra rả suốt nhiều năm qua cuối cùng cũng rơi vào khoảng không im lặng.
Vậy đâu là giải pháp để xóa nạn hài nhảm, theo ông?
- Tôi phải nói ra câu này: Liệu còn ai thực tâm lo cho nền nghệ thuật hay chỉ là những công chức sớm cắp ô đi, tối cắp về? Đẳng cấp văn hóa và lương tâm những người làm nghề ở đâu, hay chỉ biết kiếm tiền? Dư luận và truyền thông liệu có góp phần định hướng thẩm mỹ hay nhiều khi chỉ nhắm mắt đưa tin, tán dương những danh hài nhảm đang ăn khách để câu người đọc?...

 
Hiện tượng diễn viên nam giả gái khá phổ biến trong các game show hài trên sóng truyền hình.
(Ảnh do một chương trình game show cung cấp)
Nhận thức của người xem là điều mà xưa nay ít ai dám đặt ra. Nhưng nếu chúng ta cứ thích thú vỗ tay cho hài nhảm, giống như kéo nhau ra đường cổ xúy cho nạn đua xe trái phép thì hài nhảm vẫn còn đất sống và người ta vẫn tiếp tục khai thác nó vì mục đích lợi nhuận. Cần phải cương quyết tẩy chay hài nhảm như tẩy chay các loại thực phẩm bẩn đang âm thầm giết chết tâm hồn chúng ta và con cái mai sau.
Trên nền bức tranh tổng thể, nếu không có những đốm sáng nghệ thuật đủ sức lan tỏa thì bóng tối vẫn ngập tràn. Nhưng dường như những sân khấu làm nghệ thuật nghiêm túc bị bỏ mặc tự bơi, không có cơ chế khuyến khích phát triển nghệ thuật và kế hoạch tài trợ, đầu tư cho họ. Khi mà nghệ sĩ và nền nghệ thuật tử tế chỉ nhận được những lời hô hào suông, không được coi trọng thì trước hết, trách nhiệm phải được đặt lên bàn các cơ quan quản lý nghệ thuật.
Có một thực trạng đáng buồn ở các sân khấu TP HCM vốn dĩ đi theo con đường chính thống, như Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, Nhà hát Thế Giới Trẻ của nghệ sĩ Hoàng Yến… Người ta phải tự bỏ tiền túi dựng vở và sống lay lắt với niềm tin vào những điều tử tế. Cái gọi là xã hội hóa không phải cứ quăng họ ra đường kiếm sống là xong mà cả xã hội phải chung tay xây dựng nên một nền nghệ thuật.
Sàn diễn sân khấu thì quá nhỏ so với sức lan tỏa của sóng truyền hình. Liệu các sân khấu có kháng cự nổi trước sức tấn công tổng lực của truyền hình trên diện rộng, mang giải trí đến tận giường ngủ của khán giả?
- Như đã nói ở trên, nạn hài nhảm, game show nhảm trên nhiều đài truyền hình đang càn quét những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng. Các nhà đài luôn lấy lý do thực hiện những chương trình này để có được nhiều tài trợ, quảng cáo và vì thế phải phát vào giờ vàng; không thiết tha với những chương trình nghệ thuật nghiêm túc, chính thống. Vậy trách nhiệm xã hội của cơ quan truyền thông nhà nước ở đâu hay chỉ đơn thuần là nơi kinh doanh nghệ thuật?
Chuyện Đài Truyền hình Vĩnh Long công khai loại Trấn Thành ra khỏi chương trình game show dành cho trẻ em có thể coi là phát pháo đầu tiên chống nạn hài nhảm, vì tương lai trẻ thơ? Chuyện về một chương trình sân khấu truyền hình mà chủ yếu là châm biếm, trào lộng… dù không phải năm nào cũng thỏa lòng người xem nhưng đem lại sự háo hức chờ đợi của hàng triệu người như “Gặp nhau cuối năm” của VTV có được coi là bài học về lương tâm, trách nhiệm của người làm truyền hình?
Hài nhảm sẽ không còn đất sống nếu chúng ta cùng chung tay đóng sập cửa với nó!
Thanh Hoa thực hiện
 

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận