Category : Tin tức nhà hát

Khai mạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói CNTQ 2015:

người đăng @dmin | 23-06-2015 12:00 am

 Tối 21.6, tại Nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hoá, cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã khai mạc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tới dự và phát biểu tại cuộc thi.

Vở diễn khai mạc cuộc thi và các vở: “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi Trẻ

Nhiều đề tài đương đại

29 vở diễn của 19 nhà hát và đơn vị nghệ thuật kịch nói tham gia, cuộc thi đã xác lập một kỷ lục mới về số lượng vở so với những lần tổ chức trước. Trong đó sân khấu phía Bắc có 11 đơn vị (10 đơn vị công lập và 1 đơn vị xã hội hóa), sân khấu phía Nam có 8 đơn vị tham gia (7 đơn vị xã hội hóa và 1 đơn vị công lập).


Cảnh trong vở “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch VN,

Mặc dù Quy chế cuộc thi rất mở, không hạn chế về đề tài nhưng các tác phẩm đều tập trung vào các đề tài đương đại. Chỉ có hai vở về đề tài lịch sử và cách mạng là Công lý không gục ngã, Khát vọng của những linh hồn, còn lại tất cả đều là những tấm gương phản chiếu đa chiều về cuộc sống hiện đại, đậm nét nhất là những câu chuyện khá bạo liệt về sự chuyển động của xã hội và gia đình cũng như sự tha hóa biến chất của con người từ thành thị đến nông thôn trong thời kinh tế thị trường... Đặc biệt còn có một số vở diễn được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước như tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…

Đây cũng là bữa tiệc nghệ thuật khá đa dạng với nhiều thể loại: chính kịch, hài kịch, bi hài kịch, nhạc kịch... Có những vở mới được dàn dựng như: Bỉ vỏ (Nhà hát Kịch Hà Nội), Lính trận (Đoàn kịch Quảng Ninh),Gió từ những cánh đồng (Trung tâm Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương), Người sông Mã (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa). Có cả những vở đã được dàn dựng và công diễn rộng rãi, thậm chí đạt số lượng tới cả trăm suất diễn như: Bệnh sỹ, Lâu đài cát, Tai biến (Nhà hát Kịch VN), Đường đua trong bóng tối (Đoàn kịch Công an nhân dân)…

 

Trong cuộc thi này, nhiều sân khấu trẻ và các nhóm kịch xã hội hoá đã hào hứng tham gia như nhóm kịch của đạo diễn trẻ vừa đoạt giải Cù nèo vàng năm 2014 Nguyễn Khắc Duy (Công ty Khánh Vương), sân khấu Sao Minh Béo, nhóm sân khấu xã hội hoá của Ngọc Trinh, Nhà hát Thế giới trẻ… Nghệ sĩ Minh Béo chia sẻ: “Mới thành lập được 18 tháng nên Sân khấu Sao Minh Béo tới cuộc thi không nhằm mục đích thi thố, lấy giải mà muốn anh chị em nghệ sĩ trẻ có cơ hội được cọ xát, học hỏi cách dàn dựng và biểu diễn của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị. Biết sức mình không thể cạnh tranh những vở chính kịch với các nhà hát đã có thương hiệu nên sân khấu Sao Minh Béo lựa chọn một kịch bản về đề tài sông nước Nam Bộ diễn theo phong cách cổ điển của kịch Kim Cương cũ, đây là một vở bi hài kịch”. Để động viên sự tham gia của các đơn vị sân khấu xã hội hoá, BTC đã hỗ trợ mỗi đơn vị 50 triệu đồng.

Sẽ không có những “cơn mưa giải thưởng”

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết, qua sơ duyệt, các tác phẩm tham gia cuộc thi đều “sạch” cả về tư tưởng, nội dung lẫn hình thức thể hiện, hứa hẹn mang đến cho khán giả yêu sân khấu kịch một cuộc thi với nhiều màu sắc mới. Các đơn vị nghệ thuật đã đầu tư một cách nghiêm túc, lựa chọn những sáng tạo tốt nhất để dàn dựng và tham gia cuộc thi. Các tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, dù chú trọng tiêu chí thị trường, nhưng cũng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về nội dung, chất lượng nghệ thuật mà BTC cuộc thi đưa ra. Tuy nhiên, mặc dù số lượng các vở diễn và đơn vị dự thi đông nhưng tên tuổi tác giả, đạo diễn vẫn là những gương mặt quen thuộc. Điều này thể hiện rất rõ là do sự khủng hoảng về lực lượng biên kịch, đạo diễn sân khấu tài năng. Để giải quyết sự bế tắc này sân khấu vẫn phải chờ đợi một quá trình để kịp bổ sung đào tạo lực lượng kế cận.

Điều thấy rõ là sân khấu kịch đang chịu áp lực khi mà thế hệ tác giả, đạo diễn trẻ mới chưa đủ sức đứng tên độc lập ở một sân chơi chuyên nghiệp mang tầm quốc gia. Danh sách tên các tác giả trong các tác phẩm vẫn là những tên tuổi quen thuộc của sân khấu kịch như các tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Quang Vinh, Xuân Đức, Chu Thơm, Lê Chí Trung, Chu Lai, Vương Huyền Cơ… Đạo diễn, NSND Lê Hùng đứng tên bốn vở, NSND Doãn Hoàng Giang đứng tên ba vở, đạo diễn, NSƯT Anh Tú đạt kỉ lục với năm vở. Lần mãi mới có một vài đạo diễn trẻ nhưng cũng đã xấp xỉ ở độ tuổi 40 như Xuân Bắc, Như Lai. Lực lượng tham gia hùng hậu nhất là các nghệ sĩ biểu diễn. Trừ một số đơn vị xã hội hóa thì bình quân mỗi đơn vị công lập có khoảng 50 - 70 diễn viên tham gia. Theo BTC thì đây sẽ là lực lượng có nhiều triển vọng nhất với những diễn viên mới tài năng, đầy triển vọng.

“Nắng quái chiều hôm” của CLB Sân khấu Chuông Việt, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN

Định hướng trao giải thưởng phải đúng với giá trị và chất lượng nghệ thuật tác phẩm, không tạo ra những “cơn mưa giải thưởng” sẽ tiếp tục được BTC và Ban giám khảo kiên định áp dụng giống như những cuộc thi, liên hoan nghệ thuật CNTQ do Bộ VHTTDL tổ chức gần đây để việc chấm giải thưởng thật sự công tâm, tạo động lực và hưng phấn sáng tạo nghệ thuật thực sự cho các nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật. Nếu cuộc thi có những tác phẩm tốt, nhiều cá nhân có sáng tạo nổi bật, rất có thể BTC sẽ có hình thức khen thưởng riêng, ngược lại, nếu nhiều tác phẩm kém thì cũng không nhất thiết phải trao đủ giải như cơ cấu.

Đã có định hướng nghệ thuật rõ ràng ngay từ khi lên sàn tập vở, thế nên chắc chắn sàn diễn của cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói CNTQ 2015 sẽ nóng bởi những vấn đề của đời sống đương đại nhưng sẽ không có chỗ dành cho những màn câu khách rẻ tiền của sân khấu thị trường như sex, kinh dị hay đồng tính…

 

 Hãy để sáng tạo nghệ thuật chạm tới trái tim khán giả

Sân khấu ngày nay không còn nhiều hấp dẫn công chúng như trước. Một phần quan trọng là do thiếu kịch bản hay. Cơ chế thị trường với phim truyền hình, game show, quảng cáo đã hút cạn sức lực tác giả và nghệ sĩ. Họ trở về sàn kịch khi mệt mỏi, hấp tấp, xem cảm xúc vai diễn chỉ là sự mơn trớn bên ngoài, không đủ thời gian và cảm xúc để làm cho nhân vật, tác phẩm chạm vào trái tim khán giả. Chính vì vậy, vấn đề ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các đơn vị nghệ thuật cùng các nghệ sĩ, diễn viên hôm nay càng được đặt lên hàng đầu. Tại cuộc thi này, Bộ VHTTDL đề nghị Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ tập trung cao độ và cống hiến hết mình vì trách nhiệm nghề nghiệp, vì công chúng yêu nghệ thuật kịch nói, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. (Phát biểu của NSƯT Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

Thúy Hiền
 

http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/73674.vho

  

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận