Liên hoan NTSK về Hình tượng Người chiến sĩ CAND 2015
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945-19/8/2015) và 10 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (19/8/2005-19/8/2015), Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức liên hoan Nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III, từ ngày 10/7 đến ngày 24/7/2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Đây là cuộc hội ngộ, đua tài giữa các đoàn kịch nghệ trong cả nước khi xây dựng về hình tượng người chiến sĩ CAND trong lòng dân.
Đến hẹn lại lên, vào những ngày giữa tháng 7 sắp tới, khi cái nóng oi nồng của mùa hè đang dần dịu đi, sân khấu Thủ đô lại tưng bừng diễn ra Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III. Liên hoan NTSK toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” là hoạt động định kỳ 5 năm một lần do Bộ Công an chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tổ chức.
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, khi Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2005, tại sân khấu Thủ đô, nhiều khán giả đã xúc động vì đây là lần đầu tiên các đơn vị nghệ thuật sân khấu trên địa bàn cả nước đã khắc họa về Người chiến sĩ CAND với những góc nhìn đa chiều có cả cam go và thử thách đầy giông bão ngay cả khi đất nước đã im tiếng bom, lắng tiếng súng.
Họ có tốt, có xấu, với những câu chuyện rất đời, có những người vật lộn với danh vọng quyền lực, sự hấp dẫn về vật chất, hay sa ngã bởi sắc đẹp, và cũng có những chiến sĩ như một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, đức hy sinh và cả sự nhân từ đầy hướng thiện.
Khoảng cách mong manh giữa cái xấu và cái tốt, sự tử tế và cả sự bon chen lạc lối tạo nên những xung đột nội tâm và xung đột hành động gay cấn làm cho những vở diễn lôi cuốn đầy kịch tính. Cốt truyện phong phú, diễn xuất nhập thần, hình ảnh người chiến sĩ CAND lần đầu tiên như một tượng đài sừng sững trên sân khấu, để rồi 5 năm sau đó vào 2010, Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lại trở nên quen thuộc với khán giả Thủ đô.
Cảnh trong vở “Trong mưa dông thấy nắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn NSƯT Anh Tú. |
Chạm vào một đề tài không phải ai cũng hiểu, và tưởng chừng như khô khan, nhưng sau khi thưởng thức những tác phẩm sân khấu chuyên nghiệp do các đơn vị nghệ thuật mang đến biểu diễn, một nhà văn đã ví người chiến sĩ CAND như loài xương rồng mọc trên sa mạc mênh mông đầy nắng và gió. Loài hoa ấy bền bỉ và âm thầm khoe sắc, mặc cho khí hậu đầy khắc nghiệt. Trong cái sa mạc đấy ít có cây nào có thể sống nổi thì xương rồng vẫn vững chãi, khỏe mạnh, cứng cáp đâm chồi, trổ bông.
Càng đến những ngày Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III, các đơn vị nghệ thuật trong cả nước cấp tập chỉnh trang, sớm khuya dàn dựng mong đem đến hội diễn một vở diễn sáng tạo, nhiều ý nghĩa.
Cảnh trong vở “Dư chấn” tham dự Liên hoan NTSK về hình tượng người Chiến sĩ CAND. |
Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước đã từng gắn bó sâu sắc qua hai lần Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” cho biết: “Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III - Năm 2015 là hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng nhằm thiết thực chào mừng 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015.
Liên hoan NTSK nhằm khắc họa đậm nét hình tượng Người chiến sĩ Công an trên sân khấu, khắc họa hình ảnh Bác Hồ với CAND và CAND làm theo lời Bác, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, ca ngợi bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Giờ tập vở kịch hình thể “Người trong biển lửa” của Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn NSND Lan Hương. |
Các tác phẩm nghệ thuật sân khấu có nội dung phản ánh về hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới đất nước; về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ với CAND và CAND làm theo lời Bác; về những tấm gương tiêu biểu của lực lượng CAND dân trong phòng chống tội phạm giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nhất là đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.”
Từ hai kỳ liên hoan trước, cho đến thời điểm này, hình ảnh người chiến sĩ CAND ngày càng hấp dẫn nhiều đoàn nghệ thuật tham gia.
Năm nay các đoàn tham dự với tín hiệu đáng mừng. Ba đoàn của Nhà hát Tuổi trẻ tham dự 3 vở diễn: “Người trong biển lửa” - kịch hình thể, “Ai là thủ phạm?” (cố tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Chí Trung), “Cho một ngày bình yên” (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: Bùi Như Lai). Các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam cũng mang đến Liên hoan với 2 vở diễn “Trong mưa dông thấy nắng” (kịch bản: Lê Chí Trung, do NSƯT Anh Tú đạo diễn); ở Liên hoan lần này, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Thế giới trẻ (Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP HCM) cũng tiếp tục góp mặt với 2 vở diễn “Bông hồng vàng” của tác giả Trần Kim Khôi, do Phạm Huy Thục đạo diễn và vở “Cát trắng như gạo” kịch bản và đạo diễn nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Poster kịch “Bông Hồng Vàng”. |
Là đơn vị của lực lượng CAND, Đoàn kịch nói CAND cũng tham dự Liên hoan lần này 2 vở diễn: “Không phải là vụ án” - biên kịch Nguyễn Đăng Chương và vở “Quyết đấu giữa sương mù” - kịch bản của nhà văn Chu Lai.
Nhà hát Kịch nói Quân đội cho biết sẽ tham dự Liên hoan NTSK vở “Những người lính trận” (kịch bản của nhà văn Hà Đình Cẩn, do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn), còn Nhà hát Chèo Quân đội sẽ dự Liên hoan với vở “Người chiến sĩ năm xưa” (kịch bản: nhà văn Chu Lai, do NSND Lê Hùng dàn dựng).
Các đơn vị nghệ thuật ở TP HCM thường hầu như không tham gia các LHSK, nhưng lần này đã có nhiều đơn vị sân khấu góp mặt. Đây là một tín hiệu khá đặc biệt, ghi nhận sức hút ở đề tài về an ninh trật tự với khán giả; đồng thời, cũng là cơ hội để khán giả Thủ đô được thưởng thức phong vị độc đáo của sân khấu phương Nam.
Không chỉ thế, có đơn vị còn mang đến 2 vở diễn, như Công ty CP Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn ở TP HCM với “Chuyên án 292” (kịch bản của NSND Hồng Vân, do Diệp Tiên đạo diễn) và vở “Người đàn bà uống rượu” (kịch bản của Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: Quốc Thảo).
Bên cạnh đó, một đơn vị nghệ thuật rất ăn khách là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM cũng mang ra Hà Nội vở diễn “Phía sau tội ác” của tác giả Lê Chí Trung- Vương Huyền Cơ, do Nguyễn Thành Chánh Trực đạo diễn. Sân khấu CINEMA Sao Minh Béo cũng sẽ mang đến vở “Kẻ máu lạnh” (tác giả: Duy Khiêm, đạo diễn: Minh Béo).
Đạo diễn NSƯT Anh Tú, Phó giám đốc nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam, đạo diễn vở “Trong mưa dông thấy nắng” bày tỏ: “Vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam tham dự Liên hoan có chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng, mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sâu sắc tinh thần mưu trí, dũng cảm, trung thành với Đảng, tận tụy với dân của cán bộ chiến sĩ CAND, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng CAND trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đã đạt được trong công cuộc đổi mới, cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp, lên án cái ác, cái thấp hèn và những thói hư tật xấu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên”.
Đại diện Ban tổ chức Liên hoan SKNT về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III cho biết: “Các tác phẩm cần có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện, giữ được các đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật, thể hiện rõ các chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật là: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và mang tính dự báo cao. Không sử dụng kịch bản của nước ngoài.
Mỗi đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan không quá 2 vở diễn. Để nâng cao chất lượng tác phẩm và tạo điều kiện cho các tác giả, đạo diễn phát huy tài năng, Ban Tổ chức quy định mỗi tác giả tham gia không quá 3 kịch bản, đạo diễn tham gia sáng tạo không quá 3 vở diễn. Các đơn vị cần sớm triển khai dàn dựng tác phẩm, mời chuyên gia, các nghệ sĩ có trình độ góp ý, chỉnh sửa để nguồn kịch bản về đề tài CAND tương đối phong phú. Điều này giải thích cho việc đại đa số các vở diễn tham dự đều được dàn dựng mới.
Cùng với mức hỗ trợ sáng tác lên tới 150 triệu đồng/vở dàn dựng mới và 100 triệu đồng/vở dàn dựng lại đã thúc đẩy việc hợp tác giữa các đoàn, các nhà hát và đội ngũ tác giả trở nên mật thiết hơn. Nhờ đó, kỳ liên hoan này, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều vở diễn mang hơi thở đương đại không lo lắng khi phải xem lại các vở diễn đã ra đời cách đây nhiều năm. Cũng vì điều này, hình ảnh về người chiến sĩ CAND sẽ tươi mới, hấp dẫn hơn”.
Khán giả Thủ đô và các đơn vị nghệ thuật trong những ngày này đang vô cùng hào hứng vì sắp tới đây, mùa hè này, giữa tháng 7 được thưởng thức những món ăn tinh thần vô giá, tác phẩm sân khấu nghệ thuật đích thực về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”.
Mỹ Trần
http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Ruc-ro-sac-hoa-356499/
Bình luận