Category : Tin tức nhà hát

Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế

người đăng @dmin | 12-05-2017 12:00 am

Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế
08/05/2017
L.T.S: Sân khấu Việt Nam từng có một thời hoàng kim với không ít vở diễn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức công chúng mộ điệu. Làm gì để nền sân khấu Việt Nam được tử tế trở lại như mong mỏi của công chúng hôm nay? Câu hỏi cần lời giải của người trong giới.
 
Chúng ta từng có mối quan hệ đẹp đẽ giữa nghệ thuật sân khấu và công chúng khán giả nhưng rất tiếc về cơ bản, mối quan hệ này đã bị phá vỡ vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.
Từ "sân khấu lớn" đến "sân khấu nhỏ"
Vào thời điểm ấy, sân khấu lớn, được hiểu là những vở diễn lớn, đầu tư bằng tiền của nhà nước, được bao cấp hoàn toàn ở các đơn vị sân khấu nhà nước, đã bị buộc rời bỏ bầu sữa nhà nước hoặc toàn phần hoặc không toàn phần để bước vào sân khấu thời kinh tế thị trường; rơi vào trạng thái lao đao, chao đảo và bỡ ngỡ trước tình thế mới. Không còn nữa những vở diễn gây chấn động xã hội, buộc người xem phải xếp hàng rồng rắn để mua vé đặng vào xem cho bằng được. Bởi, những vấn đề đặt ra từ vở diễn luôn nóng bỏng ý nghĩa xã hội, tác động tích cực vào tâm trí người xem. Thậm chí, cao hơn, có khả năng thay đổi nhận thức và hành vi xã hội của khán giả. Thí dụ ở thập kỷ 1980, tại sân khấu thủ đô Hà Nội có các vở diễn như "Mùa hè ở biển", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Dòng sông ám ảnh"; rồi bộ chèo 3 vở "Bài ca giữ nước", "Nhân danh công lý". Sang thập kỷ 1990 là những vở của các đạo diễn gạo cội Việt Nam như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng…, dàn dựng từ kịch bản Lưu Quang Vũ, tiếp tục gây chấn động người xem với hiện tượng… cháy vé.
Cảnh trong vở “Dạ cổ hoài lang” - một trong những vở kịch thành công nhất của mô hình “sân khấu nhỏ” Ảnh: THANH HIỆP
Tuy nhiên, sân khấu lớn kiểu này đã vấp phải sự chuyển đổi bắt buộc từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường; sự ra đời của hình thái sân khấu nhỏ đã trở thành một giải pháp tình thế.
Phải thừa nhận rằng ở Việt Nam, hình thái sân khấu nhỏ xuất hiện "đúng lúc và kịp thời" vào chính thời điểm sân khấu lớn, theo cách hiểu nói trên, đang rơi vào tình trạng "đau ốm", thậm chí khủng hoảng người xem, đến mức chưa bao giờ sân khấu vắng người xem đến thế và cũng chưa bao giờ cái mạch đập kịch trường hằng đêm, vốn là mạch đập của sự sống sân khấu, đã bị đứt đoạn trong một thời gian dài đến thế, kể từ sau hội diễn sân khấu toàn quốc 1990.
Ở Hà Nội, đô thị trung tâm của sân khấu cả nước, trong những năm cuối của thập niên khép lại thế kỷ XX, sân khấu thể loại kịch cũng chỉ tồn tại một cách thoi thóp cầm chừng ở 3 đơn vị sân khấu chủ yếu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Tuổi Trẻ. Sân khấu ở TP HCM, một đô thị lớn nhất nước, cũng không cách gì thoát khỏi lực hút của tình hình chung. Vốn là một kịch trường lớn, sôi động, với một trời sao các giọng ca vàng cải lương mang đậm tính cách con người và miền đất Nam Bộ, từng đã thu hút người xem chật rạp hằng đêm, từ sau năm 1990, thể loại kịch đã được "Nam Bộ hóa" đến mức thành phong cách riêng của kịch Nam Bộ, cả sân khấu cải lương lẫn sân khấu kịch đã xuống sắc nhỡn tiền. Vì thế, ai cũng hy vọng vào sự xuất hiện một cái gì đó mới mẻ để cứu nguy cho sân khấu chung.
Và không ngẫu nhiên, sân khấu nhỏ đã xuất hiện đầu tiên ở TP HCM như một sự năng động mở đầu với những thành công liên tiếp của các liên hoan: Liên hoan Sân khấu nhỏ 1988-1989, tiếp đến là Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ nhất năm 1991 tại Quảng Ninh; đặc biệt là Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc tháng 5-1993 tại TP HCM. Trong đó, nổi lên những vở thành công nhất đã thuộc về sân khấu nhỏ của TP HCM với điểm sáng là Sân khấu 5B Võ Văn Tần. Những vở diễn thuộc hình thái kịch sân khấu nhỏ của sân khấu TP HCM thời ấy đặc biệt thành công là "Dạ cổ hoài lang", tiếp đó là "Chuyện lạ", "Diễn kịch một mình", "Ngôi nhà không có đàn ông", "Đứa con tiền kiếp", "Đừng đùa với tình yêu", "Thây ma sống", "Giấc mộng kê vàng", "Người đàn bà mộng du", "Chuyện bây giờ mới kể"… Đây là những vở diễn đã quyến rũ được công chúng yêu kịch của TP HCM, hằng đêm lôi cuốn họ đến với ánh đèn sân khấu, giải tỏa, tháo gỡ và đối thoại với họ về những buồn vui - sướng khổ, những vấn đề thiết thực đang đặt ra với họ trong những câu chuyện hôm nay của đời sống xã hội hiện đại.
Tất nhiên, sân khấu nhỏ không phải là sân khấu lớn, nó vốn nhỏ về tiền bạc đầu tư, về phương tiện kỹ thuật, về cả số lượng người xem, chủ yếu dùng vào mục đích thử nghiệm nên hình thái này hoàn toàn thích hợp với thời điểm mà chính nó đã ra đời, như một giải pháp tình thế mà khả thi cho sự vãn hồi mạch đập kịch trường và tìm lại khán giả đã mất của sân khấu một thời vàng son…
Xã hội hóa và bế tắc
Như thế, sau một thời gian dài hàng thập kỷ, từ cuối thế kỷ XX sang đầu XXI, sân khấu nhỏ đã là một hình thái biết tự vượt lên chính mình - với tư cách vãn hồi sân khấu lớn, với sự thử nghiệm, nghiệm sinh cho sân khấu lớn quay lại - đã chính thức hội nhập vào sự phát triển của sân khấu Việt hiện đại trong một "thời tiết" sân khấu bất thường và tỏ ra thích ứng với khẩu vị thẩm mỹ mới của công chúng sân khấu đô thị thời bắt đầu mở cửa.
Song, khi đã làm tròn sứ mệnh của mình, theo quy luật phát triển, sân khấu nhỏ đương nhiên phải nhường chỗ cho một hình thái sân khấu khác phù hợp hơn, đó là sự nảy sinh của hình thái sân khấu mới, được mang tên là "xã hội hóa (XHH) hoạt động sân khấu", cũng được khởi đầu mạnh mẽ, có hiệu ứng tốt, trước hết là với công chúng TP HCM. Đó có thể là biện pháp mới của sân khấu đô thị như TP HCM, muốn tự thân đổi mới để đi tìm khán giả bằng cách tự đứng ra tổ chức đơn vị sân khấu tư nhân, theo sáng kiến của cá nhân hay một nhóm bạn bè, tự bỏ tiền riêng hoặc gom tiền đóng góp từ các mạnh thường quân và hoàn toàn không trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước trên một tinh thần văn hóa lành mạnh - "nhà nước và nhân dân cùng làm". Vì thế, sân khấu TP HCM, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đã được XHH rộng rãi, đã thành sân khấu sáng đèn nhất trong cả nước - sáng đèn hằng đêm, không hề đứt mạch kịch trường, nhất là sân khấu thể loại kịch, mà nổi bật nhất là Sân khấu Kịch IDECAF của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Tuy nhiên, XHH cũng chỉ diễn ra nhiều nhất ở thể loại kịch và cũng chỉ cứu vãn được khán giả ở thể loại này.
Cho nên, ngay cả việc liên hoan sân khấu XHH, vì thế, được tổ chức lần đầu tiên tại TP HCM, cuối năm 2006, khá hoành tráng cũng không thể có được sự trở lại của khán giả như thời hoàng kim thập niên 1980. Và việc hẹn hò tổ chức liên hoan sân khấu XXH 2 năm một lần kể từ lần thứ nhất, đến nay đã thành vô thời hạn, vì không thể tiếp tục…
Cho đến hôm nay thì sân khấu kịch trường hằng đêm của các đô thị Việt gần như mất trắng vào tay thâu tóm của sân khấu truyền hình, với sự lấn lướt của truyền hình nói chung và truyền hình thực tế, đặc biệt là những chương trình giải trí mua fomat (định dạng) từ nước ngoài. Tất nhiên, sân khấu kịch trường hằng đêm (vốn là sân khấu "tươi sống", không "đóng hộp" như sân khấu truyền hình) đã và đang nỗ lực chống trả trong yếu ớt, thậm chí tuyệt vọng, nhằm lấy lại người xem đã mất. Sau những vở diễn đề tài ma, kinh dị hài, các sân khấu XHH đang rơi vào bế tắc, chưa tìm ra lối thoát.
Thiết nghĩ, chỉ có sân khấu tử tế, có chất lượng cao trong tính đặc thù của nó, là đối thoại trực tiếp bằng vở diễn sân khấu với người xem, về những vấn đề xã hội, dân sinh đang khiến họ trăn trở, kiếm tìm, hoài vọng… thì mới khiến người xem tử tế quay trở lại. 

Hy vọng cho người yêu sân khấu
Dự án đưa các chương trình âm nhạc, vở diễn sân khấu chất lượng cao vào Nhà hát Lớn (Hà Nội) và bán vé cho đông đảo người xem đã và đang được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tiến hành, cho thấy quyết tâm lấy lại công chúng tử tế bằng những vở diễn tử tế. Công cuộc này đang làm lóe lên hy vọng cho người yêu sân khấu ở Việt Nam. Lẽ nào không mừng vui với sự tử tế trở lại, ấm áp tình thân trở lại trong mối quan hệ giữa sân khấu hiện đại và công chúng hiện đại hôm nay. Chỉ mong sao không "đánh trống bỏ dùi", dự án không được thực hiện đến nơi đến chốn.

 
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/san-khau-tu-te-khi-huong-den-khan-gia-tu-te-20170508222135864.htm

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận