Category : Tin tức nhà hát

Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc

người đăng @dmin | 12-05-2017 12:00 am

09/05/2017 22:30

Sân khấu tử tế khi có được kịch bản hay, mà để có được kịch bản hay thì đội ngũ sáng tác phải giỏi nghề. Không thể gầy dựng được nền sân khấu tử tế nếu không xem trọng yếu tố nền tảng này

 

Chúng ta từng có một nền sân khấu huy hoàng với đội ngũ tác giả đông đảo, trong đó nhiều tên tuổi sáng chói, được người trong giới kính trọng, công chúng mến mộ như Lưu Quang Vũ, Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Nguyễn Đình Nghị, Trần Hữu Trang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thế Châu... Còn bây giờ, tác giả kịch bản là những cái tên ít người biết.

Mua vui trong chốc lát

Kịch bản thiếu tính đối thoại, không nắm bắt nhu cầu của công chúng trước ngổn ngang những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự nhạt nhẽo của tác phẩm sân khấu hôm nay. Người xem không tìm được ở đó những điều mà họ trăn trở, muốn đối thoại.

Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc - Ảnh 1.

NSƯT Đàm Loan và Hoài Linh trong vở “Trạng chết, chúa băng hà” của Nhà hát Kịch TP HCM

Tác giả Vương Huyền Cơ, Chi hội trưởng Chi hội Sáng tác Hội Sân khấu TP HCM - thẳng thắn chỉ ra rằng người viết kịch đang sáng tác theo lối mòn. Quanh đi quẩn lại vẫn là cách bố cục cũ, không dám bứt phá, nếu có thì cũng không tạo được sự xung đột để hướng đến những điều công chúng đang quan tâm.

Khi sân khấu còn ì ạch trước nhiều vấn đề nan giải về thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa thì các bộ môn nghệ thuật khác đã hướng công chúng đến những công nghệ mới, kích thích sự phán đoán, cảm thụ đồng thời giao lưu, tương tác hết sức hấp dẫn. Theo tác giả Vương Huyền Cơ, hầu hết những kịch bản đang diễn đều làm khán giả nhàm chán. Một số sàn diễn đã bị khán giả quay lưng khi khai thác tiếng cười rẻ tiền, xây dựng những tình huống kịch khiên cưỡng, giả tạo và vô cảm trong diễn xuất, đối thoại.

"Muốn khán giả tử tế đến với sân khấu, tác giả phải tử tế với chính con đẻ của mình" - tác giả Vương Huyền Cơ khẳng định. Chị cho biết lâu nay có tình trạng những người làm công việc sáng tác kịch bản cứ ỷ lại, trông chờ đội ngũ nghệ sĩ dàn dựng "thêm mắm dặm muối", đắp da, đắp thịt cho đứa con tinh thần của mình khi đưa lên sàn diễn. Vì vậy, đứa con tinh thần ấy ra đời không tử tế.

Đã có hàng trăm bài báo phân tích về thực trạng sàn diễn đi xuống. Là người trong nghề, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đau đáu: "Làm nghệ thuật phải tử tế thì tác phẩm nghệ thuật mới nên hình, nên dạng. Còn làm để đánh bóng bản thân, mơn trớn cảm xúc khán giả, không đọng lại điều gì day dứt, trăn trở trong lòng người thưởng thức thì sản phẩm đó chỉ để mua vui trong chốc lát".

Chọn "danh" hơn chọn "chất"

Tác giả Lê Duy Hạnh từng cảnh báo về tiền đồ sáng tác của đội ngũ tác giả kịch bản hiện nay. Theo đó, khi các nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn cứ quen với việc chọn tên tuổi tác giả chứ chưa quen chọn chất lượng tác phẩm để dàn dựng thì sân khấu khó thoát khỏi lối mòn, thiếu chất trẻ.

NSƯT Thành Lộc nêu thực trạng: "Những tác giả có nghề thuộc bậc cao niên, viết chắc thì kém phần nhạy bén về thời sự; còn người trẻ nhanh nhẹn, nhạy bén nhưng bố cục kịch bản không chắc". Thành Lộc cho biết anh thèm muốn dung hòa 2 thế hệ sáng tác già và trẻ hiện nay để có những "đơn đặt hàng" cho sàn kịch nhưng rất khó, vì họ không dễ ngồi lại với nhau.

Theo nhà viết kịch Chu Thơm, nhiều người trẻ sáng tác khỏe nhưng lại ít được các đơn vị sân khấu quan tâm. "Tôi cũng động viên nhiều cây bút trẻ hãy viết những vấn đề mình quan tâm, khai thác những điểm nóng có thể chạm đến trái tim khán giả. Thế nhưng, khi họ hoàn thiện kịch bản, không nhà hát nào chịu dựng, để rồi bản thảo đó vẫn nằm trong ngăn kéo" - tác giả Chu Thơm băn khoăn.

Thực tế, hậu quả của việc chọn "danh" để đặt hàng tác phẩm đã khiến sân khấu bị nhấn chìm trong không khí nhàm chán và tẻ nhạt. Thậm chí, sự đối thoại với công chúng đã bị biến dạng, thay vào đó là hài nhảm, hài tục, những câu chuyện ghen tuông, đồng tính, ma quỷ... hiện diện trên nhiều sàn diễn.

"Người ta phải biết nói không với bè phái, thân quen, thâm tình trong cách làm nghệ thuật thì mới có được sự chỉn chu trong dàn dựng, biểu diễn, hướng đến một sân khấu tử tế. Khi đó, tác phẩm ra đời mới chạm đúng "tần số" khán giả. Khoan hãy nói đến tác phẩm đỉnh cao, cái cần thiết hiện nay của sân khấu kịch tử tế là phải đào tạo một đội ngũ tác giả trẻ có tài, có tâm và có đức, biết đau trước những vấn đề của nhân sinh" - NSND Kim Cương, người đã có nhiều tác phẩm dưới bút danh Hoàng Dũng một thời vang bóng, mong mỏi.

Ngôn ngữ kịch nói phải mới

Tình trạng bí kịch bản dẫn tới việc nhiều đơn vị sân khấu cứ lấy vở cũ từng ăn khách để dựng cho an tâm. Thế nhưng, chất tươi trẻ để cuốn hút khán giả trẻ lại là điều mà nhiều sàn diễn vẫn mong muốn.

PGS-TS Trần Yến Chi nhìn nhận: "Phải mạnh dạn chọn thủ pháp mới trong sáng tác, để ngôn ngữ kịch mới lạ, đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ. Trong sân khấu, lợi thế của ngôn ngữ là mang tính đối thoại với cuộc sống, khác với điện ảnh đã đóng máy thì khó sửa. Thế mà người sáng tác lại không quan tâm đến khía cạnh này, bởi chỉ có sàn diễn mới thể hiện được ngôn ngữ sáng tạo phản ánh sát thực đời sống, xã hội đang diễn ra".

Theo tác giả Vương Huyền Cơ, ngôn ngữ kịch ngày nay cần thay đổi. Ngôn ngữ ở đây được hiểu là hình thức thể hiện chứ không phải là lời thoại đối đáp qua lại sáo rỗng.

NSND Hồng Vân cho biết bà đang bồi dưỡng một lớp tác giả trẻ như: Xuân Trang, Mạnh Phúc, Phương Lan… Họ đều tỏ ra thích ứng với thị trường giải trí đơn thuần nhưng bà đã đầu tư để họ hướng đến tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật.

"Tôi không muốn các cây bút trẻ tự đánh mất mình bởi sự vô cảm của họ đối với những vấn đề xã hội. Vì miếng cơm manh áo, họ có thể viết theo thị hiếu của người xem một cách hết sức tự nhiên từ đơn đặt hàng. Việc cần làm ngay là lắng nghe, khơi gợi và tạo ngay niềm tin để họ viết" - NSND Hồng Vân sốt ruột.

Tác giả vở "Dạ cổ hoài lang", NSƯT Thanh Hoàng, phân tích: "Không thể nói đây là giai đoạn giao thời, thế hệ viết trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo, thiếu chuyên sâu, vốn văn học có hạn. Tôi cho rằng sân khấu đã bị chậm, chai lì giữa sự thích ứng với môi trường xã hội, dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa sân khấu xã hội hóa".

Trớ trêu

Tình trạng nghiệp dư hóa đội ngũ tác giả là vấn đề đau đầu của hoạt động sân khấu kịch nói TP HCM lâu nay. Các tác giả chuyên nghiệp hoặc yêu nghề rất nản chí và không toàn tâm, toàn ý sáng tác bởi sự tụt hậu của sân khấu thị trường. "Để hưởng được 6% doanh thu theo mỗi suất diễn dành cho tác giả không hề đơn giản chút nào. Tác giả chấp nhận sáng tác theo yêu cầu giải trí, lôi kéo khán giả, khiến họ không còn là mình nữa. Họ phải chịu cho đứa con tinh thần của mình bị thao túng. Đó là sự trớ trêu làm chúng tôi cảm thấy lo ngại" - NSƯT Thanh Hoàng tâm sự.

Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, vấn đề cấp bách hiện tại là gỡ bỏ cái khái niệm xã hội hóa để trả lại cho sân khấu những tác phẩm nghiêm túc. Một thế hệ tác giả có nghề vì những hệ lụy của thị trường mà dẫn đến bi quan, chán nản, không có những tác phẩm chạm đến vấn đề quan tâm của xã hội, những vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận