Category : Tin tức nhà hát

Thông tin cập nhật về cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2013

người đăng @dmin | 16-04-2013 12:00 am

Thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2013

(SGGP).- Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL TPHCM, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2013. Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết, cuộc thi năm nay có 22 đạo diễn của 8 đơn vị công lập và 8 đơn vị ngoài công lập dự thi 22 vở diễn.

Trong đó, có 13 vở kịch nói, 5 vở cải lương và 4 vở múa rối - chèo - kịch hình thể - kịch hát. Sân khấu Kịch Hồng Vân là đơn vị có nhiều đạo diễn dự thi nhất - 6 đạo diễn. Ban Giám khảo của cuộc thi dự kiến sẽ có 5 thành viên, gồm: NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSƯT - đạo diễn Đoàn Bá, NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ và nhà văn Chu Lai.

 

Trịnh Kim Chi, một trong 6 đạo diễn trẻ tham dự cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu.

Cuộc thi sẽ chính thức khai mạc vào 20 giờ ngày 22-4-2013 tại Nhà hát thành phố và sau đó các đạo diễn sẽ thi tại đơn vị nghệ thuật của mình hoặc sân khấu của Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Lễ bế mạc và trao giải của cuộc thi sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 2-5-2013 tại Nhà hát Thế Giới Trẻ của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

ĐỖ HẠNH

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Thi tài năng sân khấu trẻ toàn quốc lần thứ 2

 
8:17 AM, 15/04/2013
(Chinhphu.vn) - Cuộc thi tài năng đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc lần thứ 2 – 2013 diễn ra từ 22/4-2/5 tại TPHCM.

Theo ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biễu diễn, mục đích cuộc thi là nhằm phát hiện các tài năng đạo diễn trẻ trong lĩnh vực sân khấu, đồng thời phát hiện những sản phẩm chất lượng cao.

Cá nhân tham gia cuộc thi có tuổi đời không quá 40 và được dự thi một tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, dân ca kịch, múa rối, xiếc.

Các tác phẩm dự thi tập trung vào chủ đề phản ánh xã hội, con người, ca ngợi lòng yêu nước, những thành tựu của đất nước, những tấm gương tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới...

Tác phẩm dự thi có thời lượng từ 90-150 phút. Riêng với loại hình xiếc và múa rối là 45 phút. Các tác phẩm dự thi phải được sáng tác, dàn dựng từ sau ngày 1/1/2008 và chưa tham gia dự thi bất kỳ cuộc thi nào.

Trong khuôn khổ cuộc thi, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức tọa đàm về đạo diễn trẻ sân khấu.

Thanh Thủy

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (12/04/2013)

Sáng 12-4, ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - đã chủ trì cuộc họp báo tại Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM thông báo về cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013.
Cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 22-4 đến 2-5 tại TP.HCM, đêm khai mạc và bế mạc diễn ra tại Nhà hát TP, còn lại các vở diễn sẽ dự thi tại sân khấu chính là nhà hát Thế Giới Trẻ (125 Cống Quỳnh) và các sân khấu khác có tham gia cuộc thi.

Vở kịch Tâm bệnh - Trịnh Kim Chi sẽ tham dự với vai trò đạo diễn trẻ. Ảnh: SKPN

Về tiêu chí, đạo diễn trẻ tham gia cuộc thi được quy định có tuổi đời dưới 40 hoặc người dưới 45 tuổi nhưng có tác phẩm dàn dựng đầu tay. Các đạo diễn trẻ phải tự túc kinh phí khi tham gia. Đến nay có 22 đạo diễn trẻ đã đăng ký tham gia tranh tài ở các thể loại như kịch nói, nhạc kịch, cải lương, múa rối, kịch hình thể...

Q.THI (Theo Tuổi trẻ)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vở kịch:  "Duyên lạ hồn hoang" khai mạc Cuộc thi tài năng trẻ Đạo diễn 2013

Chút thiên đường ở trần gian

(Theo thanhnien.com.vn)

Tác giả Nguyễn Đình Chính đã vẽ nên một trần gian vốn được xem là “bể khổ”, và thật sự khổ với cô Thốt khi có một người chồng nát rượu, vũ phu, lại hay chửi mắng khi vợ trổ tài múa hát. Một cô gái xinh đẹp, nết na nhất vùng mà lấy phải anh đúng là bông hoa lài cắm…

Thế nhưng, trần gian vẫn còn đó một thiên đường nếu người ta biết trân trọng từng phút giây sống bên nhau, biết yêu thương, chăm sóc cho nhau. Thiên đường trần gian đã làm rung động đến cả tượng thần thờ trong đình làng, và ông đã thử bước xuống đời, thử nếm vị ngọt yêu thương. Người chồng đi lính một năm theo lệnh vua, ông tượng bèn thay hình đổi dạng y chang như anh để đêm đêm về với người vợ mỏi mòn. Hạnh phúc đến với cô Thốt như một món quà bất ngờ. Người chồng hiền lành, ngọt ngào âu yếm, biết giúp vợ gặt lúa, làm nhà, rồi múa ca, đọc sách… Đó thật là thiên đường của cả hai.

 
Thùy Dương (vai cô Thốt), Trần Tuấn (vai ông tượng) trong vở Duyên lạ hồn hoang - Ảnh: H.K 

Nhưng tình yêu ấy tan vỡ khi anh Thốt hết hạn lính trở về. Vụ án phải đưa lên quan xét xử vì có hai anh Thốt giống nhau như đúc. Cuối cùng, ông tượng phải hy sinh mình để cứu dân làng, trả chữ tình cho người dương thế. Nhưng chính giây phút đó đã thức tỉnh người chồng. Và khán giả cũng được thức tỉnh, được trải nghiệm hơn 2 tiếng đồng hồ về một thiên đường mà mình có thể đã đánh mất hoặc chưa biết cách dựng xây.

Với “ông bầu” rất trẻ Thế Anh cùng một số bạn bè, và tập hợp những diễn viên, đạo diễn cũng rất trẻ, Sân khấu kịch Thanh niên góp phần làm nên một sức sống mới cho làng kịch. Dù trẻ nhưng tính chuyên nghiệp ở đây không thể phủ nhận. Ngoài Lê Bình, Quốc Nam là những tên tuổi trong làng hài, cặp đào kép Thùy Dương - Trần Tuấn vừa đẹp vừa ngọt ngào khiến người xem cứ xuýt xoa. Lớp diễn ông tượng và cô Thốt phải chia tay ngay tại sân đình làm rung động khán giả. Họ diễn bằng cả tấm lòng, xúc cảm trào lên ánh mắt, bàn tay, để người xem trân trọng ý tứ sâu sắc trong vở chứ không chỉ là những tràng cười hời hợt. Hai diễn viên trẻ này hứa hẹn sẽ là những lớp diễn viên kế thừa của sân khấu kịch TP.HCM.

Bất ngờ hơn cả, đạo diễn chính là Thanh Nga, từng đóng vai nữ chính trong phim Giã từ dĩ vãng. Chị vốn là cô đào cải lương, được mời đóng phim, rồi “lặn” luôn từ đó tới nay, giờ xuất hiện trong tư thế đạo diễn. Chị xử lý những lớp quan hệ vợ chồng rất tế nhị và sâu sắc. Anh Thốt ngủ với vợ thì thô lỗ, chụp giựt. Ông tượng ngủ với cô Thốt lần đầu thì e ấp, lãng mạn. Nhưng khi sắp chia tay vĩnh viễn thì họ lại mãnh liệt, khát khao. Chỉ cần đôi chân diễn ước lệ, chỉ cần một chiếc giường xoay nhẹ, một chiếc quạt cùng che, hoặc một bờ ao vỡ tan tiếng nước là đủ diễn tả, không cần phải dùng những thủ pháp phản cảm. Khán giả ái mộ Thanh Nga từ dạo ấy, giờ gặp lại không khỏi vui mừng vì bước đi mới của chị.

Hoàng Kim

--------------------------------------------------------------------
CUỘC THI TÀI NĂNG TRẺ ĐẠO DIỄN SÂN KHẤU LẦN 2 - 2013

Thầy “chuốt”, trò thi

(http://nld.com.vn/20130426102059973p0c1020/thay-chuot-tro-thi.htm)
Thứ Sáu, 26/04/2013 22:28

Vẫn chưa thể đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một thế hệ vàng mới tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2-2013

Vẫn còn sớm để đưa ra nhận định chung về cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2- 2013 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhưng việc tìm gương mặt vàng xứng đáng để trao giải vẫn còn là một thách thức.


Nghệ sĩ Thanh Phong, Lê Hồng Thắm, Phương Trần trong vở Gió hoàng cung của đạo diễn Phan Ngọc Thức
Can thiệp sâu
Sự quan tâm lớn nhất của khán giả quanh các tác phẩm đang tranh tài tại cuộc thi là “dấu ấn” của những “bà đỡ, thầy chuốt” đứng đằng sau vở diễn dự thi. Đạo diễn Chánh Trực, người rút tên ra khỏi danh sách tham gia cuộc thi với vở Điều ước thiêng liêng (đơn vị Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM), nói: “Quan điểm đạo diễn đã có tên ngại đi thi khi rớt sẽ ảnh hưởng đến uy tín là sai. Tôi rút khỏi cuộc thi bởi nhìn thấy phía sau một số vở diễn là bàn tay chăm sóc quá kỹ của những thầy, cô nâng đỡ học trò. Đúng với tên gọi cuộc thi, thí sinh phải tự thể hiện những thể nghiệm của mình. Việc chỉnh sửa, chuốt bài cho vở diễn đúng tầm, đúng chuẩn sẽ làm cuộc chơi không sòng phẳng”.
Sự tham gia của đạo diễn chuyên nghiệp vào các tác phẩm dự thi (một cách để nâng đỡ cho học trò hay thành viên đang hoạt động ở sân khấu do họ quản lý, chỉ đạo nghệ thuật) khiến  cuộc thi trở thành sân chơi của chính thầy cô. Xem vở Duyên lạ hồn hoang của đạo diễn Đặng Thanh Nga, Gió hoàng cung của đạo diễn Phan Ngọc Thức, Nghĩa vụ thiêng liêng của đạo diễn Trần Thư Nhàn, người xem dễ dàng bắt gặp dấu ấn quen thuộc đã từng tạo nên tên tuổi của các bậc thầy đạo diễn chuyên nghiệp qua cách xử lý tình tiết của vở.
Tương tự, không khó để nhận ra “sắc màu Hồng Vân” trong 5 vở diễn: Trăng máu, Thứ sáu ngày 13, Số đào hoa, 3-5-7, Cúc cu – cúc cù, tác phẩm của 5 đạo diễn đang làm nghề tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận (nơi NSND Hồng Vân đang làm giám đốc nghệ thuật). Ở vở Trái tim trong trắng của đạo diễn Quốc Kiệt (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), không khó để nhận ra “cá tính dàn dựng” của NSƯT đạo diễn Hoa Hạ khi chị tham gia với danh nghĩa là tác giả chuyển thể.
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng nói: “Điều khiến tôi băn khoăn là thủ pháp dàn dựng của đạo diễn trẻ phải được tôn trọng. Bản thân tôi được các em mời đến xem khi vở phúc khảo và xin ý kiến đóng góp. Tôi xác định chỉ nên trao đổi với các em về kinh nghiệm vận dụng thủ pháp, chứ không nên trực tiếp lên sàn chỉnh sửa. Vì như thế thì thầy đi thi chứ đâu phải trò dự thi”.
Đạo diễn -  NSƯT Trần Minh Ngọc, cho biết: “Theo tôi, cuộc thi sẽ mang một ý nghĩa lớn hơn khi cứ để các bạn trẻ thể hiện mình. Giới chuyên môn và ban giám khảo sẽ đặt ra những đề dẫn mang tính hoạch định thủ pháp của từng vở, sau cuộc thi sẽ có sự trao đổi để khẳng định xu hướng tích cực mà đạo diễn trẻ cần khai thác hoặc những hạn chế cần tránh. Còn đi tìm vở vàng để trao mà phía sau vở diễn đó lại là sự can thiệp quá mạnh của thầy cô, của đạo diễn chuyên nghiệp thì không còn ý nghĩa”.
Phải tách bạch hai xu hướng
Xem vở vẫn thấy đạo diễn trẻ cứ loay hoay với những thủ pháp dàn dựng của thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, chưa có sự đột phá nào khiến người xem thích thú. Đa số đạo diễn tham gia cuộc thi lần này là những tên tuổi chưa từng được công chúng biết đến, như: Thư Nhàn, Thúy Nga, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trần Minh Bảo Quốc, Phạm Ngọc Thức, Cao Thanh Danh... hoặc có chút tiếng tăm ở vai trò diễn viên như: Trịnh Kim Chi, Xuân Trang, Hòa Hiệp, Diệp Tiên, Lê Quốc Nam, Phi Long... nay muốn khẳng định mình qua tài đạo diễn.
Thế nhưng giới chuyên môn vẫn hoài nghi, cuộc thi năm nay sẽ không thể tìm ra một đội ngũ đạo diễn trẻ có thực lực như cuộc thi lần thứ nhất năm 2007, với: Hoàng Quỳnh Mai, Lý Khắc Lynh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Chánh Trực... khi thủ pháp dàn dựng của họ đã tạo tiền đề cho sự phát triển của lĩnh vực đạo diễn sân khấu trước nhu cầu đổi mới với công nghệ dàn dựng tiên tiến như hiện nay.
Đạo diễn Hạnh Thúy, người dàn dựng vở Thu khùng của Sân khấu Kịch Phú Nhuận, đã rút khỏi danh sách cuộc thi năm nay, nói: “Tôi được NSND Hồng Vân khuyến khích dự thi nhưng nhìn lại vở diễn của mình, tôi thấy chưa có sự chuẩn bị tốt. Về mặt dàn dựng của vở diễn này, tôi cho rằng vở Thu khùng đã chú ý đến khán giả để đạt doanh thu, còn về thủ pháp thì chưa có xử lý nào tôi hài lòng nên tôi xin rút”.
Tâm trạng chung của người làm nghề và khán giả quan tâm đến đời sống sân khấu hiện nay chính là xác định cho đúng thủ pháp dàn dựng của một vở diễn. Để thực sự có một luồng gió mới cho sân khấu hiện nay, sự tách bạch của hai xu hướng doanh thu và thử nghiệm trong thủ pháp dàn dựng cần được tách bạch. Điều đó cũng thể hiện tư duy làm nghề nghiêm túc của đạo diễn.
Không công bằng nếu đánh đồng
Theo tác giả Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM): “Vở bán vé thì hướng đến công chúng có thị hiếu theo gu thưởng thức của từng sân khấu, còn vở dự thi mang yếu tố tìm tòi thể nghiệm mới phải mang yếu tố đột phá từ hình thức, thủ pháp, âm nhạc, cảnh trí, diễn xuất và cả công tác biên kịch. Nếu đánh đồng chung trong một sân chơi sẽ không công bằng giữa một bên đã có khán giả mua vé vào xem, một bên chỉ thỏa mãn sức trẻ sáng tạo, mà thể nghiệm thì chưa chắc tìm được ngay sự đồng thuận của giới chuyên môn và người xem”.
 
Bài và ảnh: THANH HIỆP

----------------------------------------------------------

Chuyện 'thầy thi hay trò thi':
Mời cố vấn là việc hết sức bình thường

Thứ Sáu, 03/05/2013 13:23 
(http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/chuyen-thay-thi-hay-tro-thi-moi-co-van-la-viec-het-suc-binh-thuong-n20130503041246810.htm

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận ồn ào quanh thông tin về việc “có bàn tay chăm sóc quá kỹ của những thầy cô nâng đỡ học trò” tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013, khiến “cuộc chơi” trở nên “không sòng phẳng”.

Một số vở diễn dự thi bị nêu đích danh về việc Thầy chuốt, trò thi như: Duyên lạ hồn hoang của đạo diễn Đặng Thanh Nga, Gió hoàng cung của đạo diễn Phan Ngọc Thức,  Nghĩa vụ thiêng liêng của đạo diễn Trần Thư Nhàn với nhận xét: “Người xem dễ dàng bắt gặp dấu ấn quen thuộc đã từng tạo nên tên tuổi của các bậc thầy đạo diễn chuyên nghiệp qua cách xử lý của vở” bởi  đúng ra “thí sinh phải tự thể hiện những thể nghiệm của mình” và “sự tham gia của các đạo diễn chuyên nghiệp vào các tác phẩm dự thi” đã “khiến cuộc thi trở thành sân chơi của chính thầy cô”.

 

Vở Duyên lạ hồn hoang của đạo diễn Đặng Thanh Nga 

Theo tôi, đó là sự vơ đũa cả nắm, làm buồn lòng biết bao nghệ sĩ làm nghề đã và đang cống hiến hết mình trong các vở diễn cũng như đã và đang tham dự cuộc thi.

Cách đây gần 3 năm, vào tháng 12 năm 2010, chúng tôi đã được xem vở diễn Duyên lạ hồn hoang trong khuôn khổ bài thi tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng đạo diễn sân khấu của học sinh đạo diễn Đặng Thanh Nga. Bài thi này đã được Hội đồng thi tốt nghiệp chấm điểm cao và chiếm được nhiều cảm tình từ người xem.

Do thú vị với vở diễn, chúng tôi đã tìm đọc kịch bản gốc Khúc cổ ngạn của nhà văn Nguyễn Đình Chính - là chất liệu khởi thủy để Đặng Thanh Nga dàn dựng, và cũng là để hiểu thêm những dụng công sáng tạo của đạo diễn khi dựng vở. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi Thanh Nga đã táo bạo kể câu chuyện theo một cách hoàn toàn khác. Cô đã tìm cho vở diễn một chủ đề khác, một bố cục khác, một cái kết cũng thật… khác. Cô đã thay đổi đời sống, tính cách của các nhân vật “ đã tìm hiểu rất nhiều về Phật giáo, muốn lấy chính chân lý của Phật giáo nằm trong chữ “Giác ngộ” để có được một cái kết, để có thể chuyển tải hết những thông điệp mà mình muốn nói!”.

Được dự lễ khai mạc cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013 vào đêm 22 tháng 4 vừa qua, xem lại Duyên lạ hồn hoang và bất ngờ là vở diễn đã mang đến rất nhiều cảm xúc. Chúng tôi đã thấy được sự trưởng thành và sự nỗ lực rất nhiều của đạo diễn Đặng Thanh Nga. Để có được một bản dựng như bây giờ, hẳn Nga đã phải “yêu” nó và “sống chết” với nó tới mức nào?! Hỏi ra mới biết Nga đã ấp ủ nó bao nhiêu năm nay từ khi cô còn là diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam. Tuy vở diễn được đánh giá tốt, nhưng tôi biết Đặng Thanh Nga chưa khi nào hài lòng về vở diễn của mình, cô vẫn luôn muốn được làm tốt hơn nữa.

Vào dịp Tết 2012, đạo diễn Đặng Thanh Nga đã dàn dựng lại vở diễn Duyên lạ hồn hoang với 8 xuất công diễn bán vé tại Nhà văn hóa Thanh niên. Cô tiếp tục chỉnh sửa, cắt gọn lại một số đoạn dài, thêm vào những đoạn cần thiết để vở diễn được gọn hơn. 

Khi tham dự cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013, lại một lần nữa đạo diễn Đặng Thanh Nga tìm tòi, sáng tạo và hoàn thiện mọi khâu để cho vở diễn đạt hiệu quả tốt nhất. Trân trọng người thầy đã từng hướng dẫn tốt nghiệp cho mình, cô ghi tên thầy vào chức danh cố vấn nghệ thuật, và vì thế để phải chịu tiếng oan Thầy “ chuốt”, trò thi.

Thiết nghĩ, với đặc thù đào tạo nghệ thuật, việc thầy giáo hướng dẫn, gợi ý, đóng góp bài tập cho học trò là điều bình thường. Tuy nhiên vì danh dự và lòng tự trọng của cả thầy lẫn trò, cũng như quy định nghiêm ngặt trường quy, làm sao có chuyện thầy làm bài hộ trò?!

Tương tự vậy, trong quá trình sáng tác xây dựng tác phẩm, việc mời các nghệ sĩ có tên tuổi tham gia làm cố vấn hay chỉ đạo nghệ thuật cho một vở diễn cũng là điều hết sức bình thường. Mỗi khi làm điều đó, không có nghĩa các vị được mời sẽ làm thay cho phần việc của người nghệ sĩ sáng tạo. Thành công của một vở diễn là sự phối hợp tổng thể từ cấu trúc vở diễn, phương pháp dàn dựng, âm nhạc, ánh sáng,  trang trí sân khấu, đạo cụ, diễn xuất của diễn viên… tất cả sẽ tạo nên tinh thần, không khí của vở. Cố vấn nghệ thuật đâu có “mười đầu sáu tay” để thể làm thay hết được?!

Một thực tế nữa, tuy vẫn “bị” coi là các đạo diễn trẻ, nhưng trong đó có nhiều những người đạo diễn tham dự cuộc thi đã có thâm niên hoạt động trong nghề một vài chục năm với đầy ắp những đam mê nghề nghiệp, những trăn trở, những khát khao được dấn thân. Lẽ ra họ phải được tôn trọng và động viên đúng mực, chứ không phải là cách phán xét vội vã.

Đỗ Lệnh Hùng Tú (Giảng viên Sân khấu- Điện ảnh- Truyền hình)


----------------------------------------------------------

Nhen nhóm hy vọng tìm ra lứa đạo diễn sân khấu trẻ

Thứ năm, 25/04/2013 08:36

Khoảng 20 đạo diễn đã bước vào cuộc tranh tài đạo diễn trẻ toàn quốc.

Dù vắng bóng một vài Nhà hát và sân khấu lớn, nhưng Liên hoan tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc vẫn nhen nhóm hy vọng, tìm ra lứa đạo diễn mới đầy tài năng cho nền sân khấu đang già cỗi và kém khách hiện nay.

Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc lần 2 năm 2013 đã được khai mạc tại Nhà hát TPHCM từ ngày 22/4 và sẽ kết thúc ngày 2/5/2013. Liên hoan năm nay có sự tranh tài của 21 vở diễn (13 vở kịch, 5 vở cải lương, 1 vở múa rối, 1 vở chèo, 1 kịch hình thể và 1 kịch hát) của 11 đơn vị công lập, xã hội hóa và 8 cá nhân tham dự.

Theo đó, thể loại kịch nói có: Duyên lạ hồn hoang; Đỏ cam vàng, lục lam tím; Nghĩa vụ thiêng liêng; Kế hoạch ngoại tình; Yêu không dễ dàng; Trăng máu; 3-5-7; Xin một cái tên; Thứ sáu ngày 13; Othello; Cúc cù cúc cu; Số đào hoa.

Thể loại cải lương có các vở: Đánh rơi hạnh phúc; Đêm trước giờ hoàng đạo; Bến và bờ; Trái tim trong trắng; Gió hoàng cung. Thể loại chèo có vở Tấm áo bào hoàng đế. Kịch hình thể có vở Được là chính mình. Kịch hát có vở Chicago. Múa rối có vở Sáo thần không phép.

Sự có mặt của 8 đạo diễn tự do, trong đó có Nguyễn Khắc Duy với vở nhạc kịch “Chicago” - vở diễn tốt nghiệp mới ra mắt của anh cũng góp phần làm xôm tụ cho Liên hoan vốn trước nay chỉ giành cho giới chuyên nghiệp và đã có tên tuổi.

Nhà hát Tuổi trẻ năm nay duy nhất có 1 đại diện là đạo
 diễn Như Lai dự thi với vở kịch hình thể “Được là chính mình”

Với giới hạn về độ tuổi, có rất nhiều gương mặt phải đứng ngoài cuộc thi tài của ngành sân khấu. Nhà hát Tuổi trẻ năm nay duy nhất có 1 đại diện là đạo diễn Như Lai dự thi với vở kịch hình thể “Được là chính mình”. Những lứa đạo diễn trẻ mới như NSND Lê Khanh, Sĩ Tiến, Anh Tú hay Chí Trung… cũng đều qua độ tuổi để có cơ hội tranh tài ở Liên hoan lần này.

Tuy kịch hình thể một mình một chiếu ở Liên hoan vì chỉ có duy nhất 1 vở kịch hình thể tranh tài, nhưng đạo diễn Như Lai cũng là cái tên quá mới và chưa được kiểm chứng tài năng nghề nghiệp so với nhiều đạo diễn phía Nam. Đặc biệt, kịch hình thể cũng chưa thể tự kiếm sống bằng bán vé mà hầu hết mới chỉ dừng ở việc dựng tác phẩm để phục vụ cho các chương trình hoạt động xã hội.

Sự vắng bóng của tuồng, sự không góp mặt của Nhà hát Cải lương Việt Nam hay Nhà hát Kịch Hà Nội và một số sân khấu lớn phía Nam như Idecaf phần nào làm cho cuộc thi thiếu sự toàn diện của bộ mặt sân khấu trẻ. Phần vì tổ chức ở phía Nam, phần vì không đạo diễn trẻ nào được mạnh dạn giao vở hoặc tự bỏ tiền ra dựng vở, nên nhiều Nhà hát đành nằm ngoài cuộc chơi này.

Năm nay, sân khấu kịch Phú Nhuận xem chừng sôi nổi nhất khi chiếm áp đảo về số lượng vở dự thi như “Trăng máu” (biên kịch: Xuyên Lâm, đạo diễn Diệp Tiên), “3-5-7” (Lê Quốc Nam), “Thứ sáu ngày 13” (Quang Lộc - Vũ Xuân Trang), “Số đào hoa” (Nguyễn Minh Phương - Hòa Hiệp), “Cúc cù cúc cu” (Phạm Dũng - Trịnh Kim Chi)... Dù yếu tố giải trí được đặt ra cao hơn nghệ thuật trong các tác phẩm do đạo diễn trẻ dàn dựng để hút khách, nhưng Phú Nhuận còn mặn mà đi thi. Trong khi đó, các sân khấu Hoàng Thái Thanh, Idecaf… lại tỏ ra không mặn mà với Liên hoan dù họ không thiếu các tài năng mới.

Tuy ít về số lượng tranh tài tại Liên hoan tài năng đạo diễn trẻ lần hai này, nhưng theo ông Phạm Đình Thắng – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – Trưởng ban tổ chức cuộc thi, thì các tác phẩm năm nay đa dạng về đề tài và có nhiều thể nghiệm mới mẻ về thủ pháp dựng vở.

“Cúc cù cúc cu” của đạo diễn Trịnh Kim Chi sẽ tranh tài tại Liên hoan

Cuộc khủng hoảng thiếu đạo diễn trẻ đang là nỗi lo có thực. Sau khi tìm ra một lứa đạo diễn mới vào năm 2007, nhưng ngoài Đức Thịnh, Hạnh Thúy vẫn đều tay nghề thì nhiều đạo diễn trẻ không biết đi đâu mất. Ở phía Bắc, quá nhiều tài năng trẻ phải ngồi khá lâu trên ghế dự bị, tới khi được xuống sân vào trận bóng, thì lại quá tuổi hoặc đã bớt đi phần mặn mà vì sức đâu mà tranh với lớp trẻ. Tâm lý lòng vòng ấy, khiến cho những đạo diễn trung niên không có nhiều cơ hội ra giàng, còn lớp trẻ, thì còn phải vùng vẫy khá lâu mới được khẳng định tài năng đích thực bằng các vở diễn chất lượng và có nghề.

Lam Trần
Theo VnMedia
 

---------------------------------------------------------------------------

Khởi động Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu:

Ở đâu tài năng trẻ?

Thứ Ba, 30/04/2013 08:05
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 sẽ diễn ra từ ngày 22/4 đến 2/5 tại TP.HCM với mong muốn tìm kiếm “nguồn sáng tạo mới”. 22 đạo diễn đã ghi tên tham dự. Tài năng trẻ ở một lĩnh vực kén người là đạo diễn sân khấu thì 22 là con số rất đáng mừng.

Thế nhưng ông Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục NTBD) cho biết sân khấu Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và khủng hoảng, trong đó đáng chú ý nhất là sự thiếu vắng lực lượng sáng tạo kế thừa, thiếu các đạo diễn trẻ giỏi nghề. Các trường vẫn vừa dạy vừa tìm tòi hướng đi, với đa phần là giáo trình có từ thời Đông Âu cũ nên khó tiếp thu và phát huy được sức mạnh của sân khấu đương đại, ra trường thiếu lực lượng đạo diễn trẻ có đủ thực lực cũng là dễ hiểu. Cách đây 6 năm (năm 2007), Bộ VH,TT&DL đã từng tổ chức cuộc thi này một lần, nhưng do thiếu chiến lược rõ ràng và dài lâu, nên chưa phát huy được tác dụng. Cuộc thi năm nay có tính chất thí điểm để tìm cách đổi mới phương thức tổ chức, chấm giải và tìm kiếm tài năng trẻ sân khấu một cách công bằng nhất.
Vở thể nghiệm Stereo woman - Được là chính mình thuộc hàng hiếm của cuộc thi.

Cuộc thi chưa chính thức bắt đầu nên khó có thể nói gì lúc này về việc “đổi mới phương thức tổ chức, chấm giải và tìm kiếm tài năng trẻ sân khấu một cách công bằng nhất” như ý của ông cục trưởng. Nhưng nhìn vào lực lượng “thí sinh” thì thấy có khá nhiều vấn đề.
22 đạo diễn trẻ là một con số đáng mừng trong hoàn cảnh khó khăn như ông cục trưởng nhận xét. Tuy nhiên, nhìn kỹ những cái tên “tài năng đạo diễn trẻ” có mặt tại sự kiện này, thì thấy thiếu nhiều cái tên giỏi nghề và đang nổi trên thị trường hiện nay như Vũ Minh, Đức Thịnh, Thái Hòa… Vài sân khấu có bề dày hoặc đẳng cấp như Kịch Idecaf, Kịch Sài Gòn, Kịch Hoàng Thái Thanh không có đạo diễn trẻ tham dự... Ông Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF) nói thẳng lý do sân khấu này không có đạo diễn nào tham gia cuộc thi bởi theo ông, kiểu thi như thế này không còn ý nghĩa trong đời sống thực tế. Nếu che tên cuộc thi, người ta hoàn toàn có thể nghĩ đây là một liên hoan sân khấu toàn quốc hoặc khu vực, chỉ duy nhất khác ở quy định độ tuổi của đạo diễn (những người đã có nhiều vở dựng, thì không quá 40 tuổi, những người mới lần đầu dựng vở thì không quá tuổi 45), mà huy chương, giải thưởng chủ yếu để… đủ hồ sơ lên NSƯT hoặc NSND!
Đạo diễn Chánh Trực cũng từng nói thẳng về vấn đề “đi thi” này: “Nếu dựng vở đi thi bằng kinh phí tự bỏ ra, rồi sau khi thi xong dẹp bỏ thì thật là uổng phí. Thời buổi kinh tế khó khăn, các đơn vị sân khấu xã hội hóa không dám liều lĩnh nếu biết đầu tư chỉ để đi thi mà không mang lại hiệu quả kinh doanh. Các đơn vị quốc doanh nhờ có ngân sách nhà nước cấp nên họ mạnh dạn dựng vở đi thi nhằm tìm kiếm thành tích để báo cáo, có cơ sở để xin thêm ngân sách cho năm sau. Điều chúng tôi quan tâm là sau khi tranh tài, những người làm nghề sẽ đúc kết được gì cho việc phát triển nghề”.
Những vở đậm dấu ấn cách tân như Người đi qua thung lũng thì vắng mặt


Ở đâu nguồn sáng tạo mới?
Theo quy chế của cuộc thi, các vở diễn được công diễn từ 1/2008 tới nay của các đạo diễn có tuổi đời không quá 40 (với những người đã dựng nhiều vở) và không quá 45 (với những người dựng vở đầu tay). Từ năm 2008 tới nay - nghĩa là đã công diễn hơn 5 năm thì chắc là khó còn gì được xem là mới. Trong khi đó, nhiều gương mặt từ các loại hình sân khấu mới nảy sinh 1-2 năm trở lại đây như kịch diễn ở quán cà phê (Kịch Bệt) hay những sân khấu mới (Kịch Lê Hay, Kịch Tâm Ngọc…) lại vắng mặt. Kịch Bệt, Kịch Ngọc Tâm cho hay không nhận được thư mời như các đơn vị sân khấu khác nên cũng không biết thủ tục đăng ký dự thi thế nào. Đạo diễn Lê Hay (Kịch Lê Hay) không giấu giếm khó khăn của một sân khấu mới, “chẳng còn kinh phí và thời gian để tham gia cuộc thi, hội diễn. Sau này, khi bớt lo mấy chuyện ấy, biết đâu sẽ tham gia cho biết…”.
Có một thực tế thời gian gần đây kịch thể nghiệm phát triển khá mạnh ở TP.HCM. Từ nhà hát đến các CLB, các quán bar, quán cà phê, các hội nhóm… vẫn thấy nhiều thể nghiệm dành cho kịch. Đây là còn chưa tính hàng chục đạo diễn trẻ đang nổi lên từ các tiểu phẩm, kịch ngắn, vở dài… tại các quận đang thiếu sân khấu riêng, hoặc các vùng lân cận như Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu… Nếu có mặt trong cuộc thi, không ít trong số này có cơ hội làm nên chuyện, hoặc ít ra, sẽ làm phong phú thêm diện mạo chung.
Làm kịch thể nghiệm rất sớm (Bông cúc xanh trên đầm lầy, Giấc mộng đêm hè) nhưng rồi sớm chia tay với loại hình này, đạo diễn Lê Quý Dương từng chia sẻ về những khó khăn trong việc làm kịch thể nghiệm hay cách tân, đến mức, thôi thì chọn cái gì đó quen quen, dễ hiểu cho nó lành. NSND Lê Khanh cùng từng nhiều lần phát biểu: sân khấu của chúng ta đã cũ đến nỗi không thể cũ hơn!

Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 diễn ra từ ngày 22/4 đến 2/5 tại TP.HCM. Xem lịch diễn chi tiết tại www.nhahatthegioitre.com.
Năm 2012 trong dịp kỷ niệm 10 năm kịch hình thể tại Hà Nội, một kết luận được rút ra là: thể nghiệm vẫn là thể nghiệm(!), đủ thấy cánh cửa trong tiếp nhận và phổ biến với khuynh hướng mới trong giới sân khấu vẫn chưa thực sự mở. Tại cuộc thi này chỉ có một kịch hình thể của Bùi Như Lai (vờ Stereo woman - Được là chính mình) thuộc Nhà hát Tuổi trẻ tham gia.Còn nhớ, năm 2008, tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008, đã có những vở như Trấn Cổ Loa thành (rối cạn + kịch nói), Sanh vi tướng, tử vi thần (hát bộ, “bộ” mà không “hát”), Người đi qua thung lũng (nhạc vũ kịch + kịch nói), Nguyễn Du với Kiều (hát văn + âm nhạc tài tử + hát chèo + nhào trộn + kịch hình thể)… Có người đặt câu hỏi: Sao không kết hợp với các liên hoan dạng này để tìm kiếm tài năng mới, tổ chức thêm các cuộc thi khác làm gì cho tốn kém?
Gần đây có thông tin Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Việt Nam sẽ được tổ chức. Chủ nhà Việt Nam sẽ xuất hiện như thế nào tại sự kiện đó khi mà ở cuộc thi giàu tính thử nghiệm nhất - cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu, cũng vắng các thể nghiệm?.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu 2013
- khán giả chật cứng khán phòng

thanhnien.com.vn
TGTH - Cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu 2013 (tại TP.HCM từ ngày 22.4 đến 3.5)
đã diễn ra nhiều bất ngờ so với hình dung ban đầu. Đêm nào khán phòng cũng chật ních người…

Ban đầu nhiều người đã lo lắng về cuộc thi này, khi nhìn thấy nhiều cái tên đạo diễn lạ hoắc. Thậm chí, ban tổ chức “nghi ngờ” luôn khán giả, nên đã sắp xếp thi diễn tại Nhà hát Thế Giới Trẻ chỉ có 300 ghế, vì sợ lỡ người đi xem ít thì khán phòng lỏng lẻo, bị dư luận xì xầm. Nhưng khi vào cuộc rồi mới tiếc, giá mà tổ chức tại một khán phòng lớn hơn để khán giả xem cho thỏa.

Đến anh hề cũng đẳng cấp

Không tưởng tượng nổi khán giả trẻ ngồi xem chèo im phăng phắc, rồi vỗ tay, xuýt xoa. Vở Tấm áo bào hoàng đế (đạo diễn Quang Thập) kể chuyện Dương Vân Nga trao long bào cho Lê Hoàn, ai cũng biết, nhưng nó làm say lòng người vì diễn viên thanh lịch, ca hay, vũ đạo đẹp, đến anh hề cũng đẳng cấp, gây cười mà không dung tục, không lạm dụng hình thể. Lời văn như hoa như gấm của tác giả - tiến sĩ Trần Đình Ngôn - đã kéo người ta thăng hoa khỏi ngôn ngữ kịch sinh hoạt bấy lâu nay. Vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo (đạo diễn Lê Trung Thảo) cũng sang trọng, thẩm mỹ như thế.


Vở Chicago của đạo diễn Khắc Duy - Ảnh: H.K

Kịch nói gây ấn tượng mạnh nhất là sự bứt phá của đạo diễn Phi Long với vở Xin một cái tên. Cảnh báo về nạn phá thai trong giới trẻ, nhưng không có cốt truyện, mà chỉ là những màn dựng ước lệ đầy sáng tạo, phá cách và vẫn làm khán giả rưng rưng. Những lớp quan hệ nam nữ hoặc phá thai cực kỳ nhạy cảm, vậy mà Phi Long thể hiện ra rất tế nhị, độc đáo, hiện đại.

Đoàn kịch Công an Nhân dân với vở Yêu không dễ dàng cũng mang lại nhiều thú vị. Bảng hiệu đoàn này khiến người ta ban đầu lơ là, ai ngờ đạo diễn Lê Thúy Nga đã xoay chuyển ngoạn mục. Kịch bản không có cốt truyện, chỉ có 3 diễn viên trên một cảnh duy nhất, không kéo màn, không thêm bớt đạo cụ, vậy mà đã dẫn người xem đi suốt cuộc đời mấy chục năm của các nhân vật. Ước mơ, lý tưởng, say đắm, yêu thương, dằn vặt, khổ đau, phản bội, tự trọng, tha thứ, chia tay… Quá nhiều cung bậc cảm xúc, tâm lý và lối diễn dung dị, nhẹ nhàng, không lên gân, không cường điệu, khiến khán giả rung cả trái tim.

Duyên lạ hồn hoang (đạo diễn Đặng Thanh Nga) vừa liêu trai, huyền bí, vừa gần gũi đời thường, mượn màu sắc cổ tích để chuyển tải chuyện tình yêu hạnh phúc trong mỗi gia đình hôm nay. Những xử lý đẹp trong cảnh ái ân, khi e ấp với chiếc giường, khi mạnh mẽ khát khao nơi bờ ao trăng sáng, là những tìm tòi thẩm mỹ.

Chicago làm choáng ngợp khán giả bởi dám bê vở nhạc kịch hoành tráng của xứ người lên sân khấu nhỏ bé của Việt Nam. Tuy đạo diễn Khắc Duy bê gần như nguyên xi cách dựng của vở nhạc kịch nước ngoài, nhưng hầu hết các nghệ sĩ đàn anh đàn chị lẫn khán giả đều khen vì sự “điều binh khiển tướng” của anh. Nếu không đủ máu nghề, không đủ bản lĩnh tập hợp nhân sự, không đủ bản lĩnh tổ chức thì khó mà làm nổi. Nhảy múa, ca hát, diễn xuất… vắt kiệt sức từng người, mà vẫn bừng bừng cả không gian. Và Othello bất ngờ xoay chuyển khán phòng bằng một thứ “máu nghề” khác. Chắc cũng cả chục năm rồi, sân khấu Sài Gòn vắng bóng kịch cổ điển. Đạo diễn Cao Thanh Danh phả vào Sài Gòn hiện đại một gam màu thời gian u tịch, nhưng lại phết lên đó một lớp sơn mới đầy năng động, không làm ai khó chịu.

Và những điều không “trẻ”

Cuộc thi vẫn không thiếu những hạt sạn thể hiện trong không ít vở diễn. Áp lực bán vé đã đè nặng lên vai nghệ sĩ, cho nên những Trăng máu, Cúc cù cúc cu, Số đào hoa chỉ nổi bật những mảng miếng hài hơn là thông điệp của vở hay sự sáng tạo của đạo diễn. Biển và bờ, Nghĩa vụ thiêng liêng, Trái tim trong trắng, Đỏ cam vàng, lục lam tím tuy nội dung kịch bản tốt nhưng đạo diễn chưa dám phá cách nhiều. Đã là thi tài năng đạo diễn thì người ta đương nhiên trông chờ “bàn tay phù thủy” của đạo diễn biến ảo sân khấu như thế nào. Không làm được điều này thì điểm son có khi lại rơi vào diễn viên vì tài năng ca diễn.

Dù sao, cuộc thi vẫn thu hoạch được khá nhiều. Chỉ bận tâm rằng, không biết sau cuộc thi những tài năng vừa thấp thoáng ấy có đất làm nghề hay không…

Đạo diễn trẻ có những tìm tòi rất đáng quý. Được giải hay không chưa biết, nhưng nỗ lực đó đã làm khán giả cảm động, và họ vỗ tay cho tinh thần vượt khó của các em. Chúng ta phải tin vào lớp trẻ, vì họ chính là người kế thừa sân khấu tương lai. Dù còn những non nớt, vấp váp, nhưng vẫn có cái đáng cho chúng ta kỳ vọng.

NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng

Tôi có mặt hầu như đầy đủ các buổi biểu diễn. Để cổ vũ tinh thần lớp trẻ và để học nữa. Ai dám nói là mình giỏi hoàn toàn? Lớp trẻ vẫn có cái lạ, cái mới cho mình tiếp nhận. Ngay cả thất bại của người khác cũng là kinh nghiệm rút ra. Nói chung, lần này vẫn có những bất ngờ, thú vị.

Đạo diễn Nguyên Đạt

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận