Category : Tin tức nhà hát

Tôi thấy xấu hổ ... không có tác phẩm đỉnh cao

người đăng @dmin | 10-08-2016 12:00 am


Từ câu chuyện đóng cửa thương mại Nhà hát Lớn Hà Nội

Gần đây, dư luận xôn xao về lời phát biểu mạnh mẽ của tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với câu nói “Tôi thấy xấu hổ khi giới thiệu nghệ thuật cho khách nước ngoài mà không có tác phẩm đỉnh cao….”. Ông đã chỉ đạo Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội không kinh doanh, một địa chỉ văn hóa tiêu biểu, một nhà hát đã trở thành di sản văn hóa mang tính hàn lâm chỉ nên dành cho nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao như cho các bộ môn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, âm nhạc dân tộc và các loại hình nghệ thuật hiện đại như Kịch nói, Nhạc kịch (Opera) và nhạc giao hưởng. Ông còn nói rõ những loại hình nghệ thuật truyền thống phải thường xuyên biểu diễn tại Nhà hát Lớn mà khán giả trước hết là người của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải đi xem để làm gương cho người khác. Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam có cuộc trao đổi với GS Hoàng Chương - một chuyên gia lâu năm của ngành văn hóa về ý kiến trên của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

* Giáo sư nghĩ thế nào về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tại cuộc sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ này về sáng tạo tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao?

- Giáo sư Hoàng Chương: Đây là vấn đề Đảng và Nhà nước rất quan tâm và lâu nay trong giới văn học nghệ thuật cũng đã đề cập nhiều tới tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Những nghệ sĩ sáng tạo đều mong muốn, đều phấn đấu để có tác phẩm đỉnh cao, nhưng đây là một vấn đề khó, nó phụ thuộc vào tài năng, vốn sống và cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Ngày xưa phải là những người thực tài như Nguyễn Diêu, Đào Tấn mới sáng tác ra được những vở Tuồng hay mà bây giờ có thể gọi là đỉnh cao, nên mới tồn tại trên sân khấu hàng trăm năm, cho đến hôm nay xem lại vẫn thấy hay, thấy hấp dẫn.

Cũng về nghệ thuật sân khấu đến thời cận đại từ đầu thế kỷ 20 đến sau cách mạng tháng 8 - 1945, vẫn có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Tống Phước Phổ (Tuồng), Trần Hữu Trang (Cải lương). Về âm nhạc cũng có nhiều tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Thi, Văn Ký, Lê Yên, Nguyễn Văn Tý, và tiếp theo trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng xuất hiện nhiều tác phẩm đỉnh cao của các nhạc sĩ tài năng như Trọng Bằng, Doãn Nho, Thuận Yến, Huy Thục. Về sân khấu cũng có nhiều tác phẩm hay như “Chị Ngộ” của Nguyễn Lai, “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, “Một đảng viên” của Học Phi, “Đêm trắng” của Lưu Quang Hà và một số vở của Lưu Quang Vũ… Những tác phẩm nghệ thuật được coi là đỉnh cao ấy trước đây vẫn được đưa vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, thu hút hàng vạn người xem. Đặc biệt, Nhà hát Lớn còn được Bác Hồ và lãnh đạo của Trung ương chọn biểu diễn chiêu đãi các đoàn lãnh đạo nước ngoài những vở Tuồng, vở Chèo hay. Tôi nhớ lần Bác Hồ cho biểu diễn Tuồng chiêu đãi Tổng thống Ấn Độ. Trước giờ biểu diễn Bác đến sớm đi xem xét sân khấu, nhà vệ sinh… Bác không hài lòng liền hỏi những người phụ trách nhà hát: Đây là Nhà hát Lớn hay nhà hát lớn? Sau ý kiến phê bình của Bác, Nhà hát Lớn được chỉnh trang tốt hơn và chủ yếu là giành cho các đoàn nghệ thuật dân tộc biểu diễn phục vụ nhân dân và chiêu đãi các đoàn quốc tế của Đảng và Chính phủ. Tôi nhớ cuối năm 1974, đoàn tuồng LK5 được vinh dự diễn vở Tuồng “Trưng Nữ Vương”  tại Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ đoàn đại biểu Đảng cộng sản Tây Ban Nha có Tổng Bí thư Lê Duẩn dự. Diễn xong, hai Tổng Bí thư Việt Nam và Tây Ban Nha lên sấu khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ, những cuộc biểu diễn quan trọng như vậy càng thấy tính trang nghiêm của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sau một thời gian bị xuống cấp, đến năm 2011 nhân kỷ niệm 100 năm, Nhà hát Lớn Hà Nội được đại tu trả lại dáng nét thiêng liêng, cổ kính và sang trọng đúng như phiên bản của nhà hát Opera Paris. Nhân dân xa gần trong nước kéo đến mua vé xem văn nghệ nhưng chủ yếu là để tham quan vẻ đẹp kỳ vĩ của Nhà hát Lớn. Nhưng rồi cơn bão của cơ chế thị trường ùa vào Nhà hát Lớn ngày càng mạnh. Nhà hát Lớn - địa chỉ văn hóa lớn nhất, đẹp nhất của đất nước, niềm tự hào của những người làm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, dần dần trở thành nơi tổ chức các sự kiện của bất kỳ ngành nghề nào, ai thuê đắt, ai đăng ký trước thì được sử dụng từ 12 triệu đến 20, 30,40 rồi 50 triệu một suất và có thể còn cao hơn nữa nếu doanh nghiệp nào đó chịu chơi… Trong khi đó, Nhà hát Hồng Hà cũng sang trọng nhưng chỉ thu từ 5 - 7 triệu đồng, họ vẫn lắc đầu quay lưng! Cũng từ khi cơn bão thị trường ùa vào Nhà hát Lớn Hà Nội thì các đoàn nghệ thuật truyền thống càng vắng bóng ở đây vì lấy tiền đâu mà thuê mỗi tối biểu diễn mấy chục triệu đồng?

* Nếu Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ giành cho các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và được miễn phí thì quá tốt, ước mơ của nghệ sĩ được diễn trên sân khấu lớn sẽ trở thành hiện thực, nhưng liệu có đủ tác phẩm theo đúng nghĩa đỉnh cao để diễn ở đây?

- GS Hoàng Chương: Khái niệm đỉnh cao hiện nay còn mơ hồ! Thế nào là đỉnh cao, ai công nhận tác phẩm đó là đỉnh cao?

Cũng như khái niệm “hàn lâm”, “kinh điển” trong 10 năm gần đây bị lạm phát quá nhiều! Chắc nhà báo còn nhớ năm 2009, ở Nhà hát Tuổi trẻ làm một dự án biểu diễn 100 kiệt tác thế giới với số tiền 100 tỷ đồng. Ngày hôm trước Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thông qua dự án này và đã công bố trên báo chí, truyền hình thì ngày hôm sau báo Thể thao & Văn hóa đến phỏng vấn tôi về chuyện 100 kiệt tác với 100 tỷ đồng? Câu đầu tiên tôi trả lời rằng: “Trên thế giới này không ai làm như thế cả” (đó cũng là tít của bài báo) và tôi đặt vấn đề: Thế nào là kiệt tác? Ai công nhận tác phẩm đó là kiệt tác? Ngay cả kịch của Sechxpia cũng không ai gọi là “kiệt tác”!. Vì sao chúng ta có hàng trăm vở Tuồng, Chèo, Cải lương kể cả Kịch nói rất hay, có thể gọi là xuất sắc lại không chọn để biểu diễn phục vụ nhân dân, lại đi chọn của nước ngoài và gọi là kiệt tác để chi phí hàng trăm tỷ, trong khi dân ta còn nghèo ngân sách nhà nước thì hẫng hụt! Ngày hôm sau, báo Thể thao & Văn hóa công bố ý kiến của tôi thì hầu hết các báo đều tỏ ra đồng tình, một số báo thẳng thắn phê bình dự án “100 kiệt tác”, thế là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho dừng đề án này, đỡ tốn hàng trăm tỷ đồng của nhà nước!

Tôi nhắc lại câu chuyện cách đây không lâu để thấy rằng để có tác phẩm đỉnh cao đem diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội là chuyện không đơn giản nhưng nói thế không phải không làm được, vì trong kho tàng vở diễn (repertor) ở các đơn vị nghệ thuật sân khấu hiện lưu giữ rất nhiều tác phẩm đỉnh cao, nếu biết phủi lớp bụi thời gian cho những viên ngọc lại sáng lên, tức là biết phục hồi một cách nghiêm túc thì sẽ có tác phẩm đỉnh cao để biểu diễn thường xuyên trong Nhà hát Lớn Hà Nội như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

* Nhưng một thực trạng đáng buồn hiện nay có nhiều khán giả thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, vậy diễn cho ai xem?

- GS Hoàng Chương: Đây là vấn đề muôn thuở, cái khó nhất hiện nay đối với nghệ thuật truyền thống trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, nghệ thuật giải trí đơn thuần, phim ảnh mang tính thương mại tràn ngập trong đời sống xã hội kéo khán giả về hướng nghệ thuật đương đại giải trí đơn thuần. Vì vậy mà những người làm nghệ thuật truyền thống phải biết cách giành giật khán giả bằng truyền thông, báo chí, bằng quảng bá nghệ thuật từ tromg nhà hát, trong cơ quan, trường học và đến tận gia đình. Phải biết tuyên truyền quảng bá bằng tri thức nghệ thuật, tài năng nghệ thuật đích thực chứ không phải ai cũng làm được việc này. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật truyền thống là món ăn tinh thần quý giá, nhưng không phải ai cũng ăn và cũng thấy ngon, nếu không được biết cái ngon, cái bổ của nó, cũng như hai vợ chồng ông đại sứ bạn tôi đến ăn cơm tại nhà tôi. Trong bữa tiệc có món thịt nai rừng rất đắt tiền nhưng ông bà đều từ chối vì chưa quen món ăn này. Khi tôi sang Hàn Quốc, bạn mời tôi ăn thịt chó là tôi ăn được ngay vì đã quen rồi. Thưởng thức nghệ thuật cũng vậy, phải được làm quen, phải biết cái hay cái đẹp của nó qua phân tích diễn giải có bài bản, có sức lôi cuốn thuyết phục, những năm 60 (thế kỷ 20) trước khi mở màn diễn một vở tuồng cổ, một nhà nghiên cứu bước ra nói về nội dung và cái hay của vở tuồng cốt dẫn dắt người xem vào vở diễn, cách làm này đã có kết quả. Khi đã hiểu, đã thích thì sẵn sàng mua vé xem tuồng diễn ở rạp Hồng Hà, rạp Đại Nam ở Hà Nội, còn được vào Nhà hát Lớn xem Tuồng, Chèo, Cải lương thì còn gì vui hơn trong những năm 60 - 70 thế kỷ trước. Vì vậy tôi thấy ý kiến của ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch là đúng.

* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 

http://vanhien.vn/news/tu-cau-chuyen-dong-cua-thuong-mai-nha-hat-lon-ha-noi-46340

............................................
Để Nhà hát Lớn Hà Nội luôn sáng đèn vì nghệ thuật

Lâu nay Nhà hát Lớn Hà Nội không thường xuyên diễn ra những chương trình nghệ thuật có chất lượng, bởi giá cho thuê quá cao so với khả năng của các đơn vị nghệ thuật truyền thống, hàn lâm. Song sắp tới, nơi đây sẽ mở rộng cửa góp phần đưa nghệ thuật đến công chúng.

 
Cần nhiều nỗ lực
 
Nhiều năm nay, sân khấu nước nhà rơi vào khủng hoảng khi khán giả thờ ơ, nhiều ngành đào tạo truyền thống không tuyển được học viên… Ngoại trừ một số loại hình nghệ thuật truyền thống (NTTT) đã được UNESCO vinh danh, như quan họ, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… có chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị bài bản, hầu hết các môn nghệ thuật đang phát triển tự phát. Hoạt động khó khăn không chỉ là thực tế của nhiều câu lạc bộ NTTT, mà còn là thực trạng chung của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Một số nhà hát cả năm không có vở diễn mới, sống lay lắt trong hành trình đi tìm khán giả; một số đang lúng túng trước kế hoạch tự chủ về kinh phí, do chưa đủ khả năng hoạt động độc lập. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thủy bày tỏ lo lắng: “Là đơn vị còn được bao cấp mà vấn đề bảo tồn NTTT hết sức khó khăn. Chúng tôi vẫn phải “đuổi theo” thương mại để lo cho đời sống cán bộ, công nhân viên. Vì vậy, khi phải tự chủ về kinh phí thì công tác bảo tồn càng khó khăn”. Đặc biệt, sự yếu thế của các đơn vị nhà nước trước “cơn lốc” tư nhân, xã hội hóa hoạt động nghệ thuật là điều thấy rõ. NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) nhận xét, nghệ thuật nước nhà đang tồn tại hai dòng: những chương trình nghệ thuật được Nhà nước đầu tư hoành tráng, công phu nhưng chỉ làm nhiệm vụ chính trị, không bán được vé; các chương trình nghệ thuật do tư nhân đầu tư, dàn dựng thì ngược lại. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đại diện cho nền văn hóa dân tộc để quảng bá, giao lưu thế giới cũng là một vấn đề đang được đặt ra.
.
Lâu nay, những chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm
 khá thưa vắng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Vừa qua, phát biểu ý kiến tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng toàn ngành, Bộ trưởng VHTT và DL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đang chạy theo những sự vụ, công việc thường nhật mà sao nhãng một nhiệm vụ cần thiết là bên cạnh việc bảo tồn NTTT, còn phải phát triển nghệ thuật đỉnh cao… Tuồng, chèo, cải lương mà không được quan tâm đầu tư rồi sẽ mất hết, các nhà hát sẽ phải đóng cửa, không còn nghệ sĩ tâm huyết và cũng chẳng có người mua vé xem. Không ai khác có thể làm thay chúng ta những nhiệm vụ này”. Thừa nhận trách nhiệm, Bộ trưởng đồng thời đặt quyết tâm, thời gian tới, ngành văn hóa sẽ phát huy nội lực để bảo tồn NTTT và từng bước xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. “Phải có chương trình hay, có địa điểm biểu diễn thuận lợi, NTTT mới thu hút được khán giả. Tất cả đều cần một chuyển động mới và thay đổi”, Bộ trưởng chỉ đạo.
 
Không chỉ là giấc mơ
 
Dù được xem là “ngôi đền” của nghệ thuật nước nhà, nhưng thời gian qua Nhà hát Lớn Hà Nội lại thường xuyên diễn ra các show ca nhạc, tạp kỹ; chương trình kỷ niệm, hội họp, văn nghệ quần chúng… của các tổ chức, doanh nghiệp; hiếm khi có “đất” cho các nhà hát thuộc Bộ VHTT và DL công diễn tác phẩm, nhất là với các loại hình NTTT như tuồng, chèo, cải lương. Dường như Nhà hát đã trở thành “nhà sự kiện” ở một vị trí đắc địa; không phù hợp, tương xứng với công năng, đẳng cấp của một công trình kiến trúc - văn hóa có giá trị của Thủ đô. Được biết, từ năm 2012, Nhà hát là đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên trực thuộc Bộ VHTT và DL, trừ kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, phải tự lo nguồn thu để trang trải mọi hoạt động. Hiện giá thuê Nhà hát trung bình khoảng 40 triệu đồng mỗi đêm/buổi diễn; cao nhất là các chương trình có yếu tố nước ngoài như hòa nhạc Hennessy, Toyota… (60 triệu đồng); thấp nhất là các chương trình NTTT của các nhà hát thuộc Bộ (20 đến 25 triệu đồng). Đây chính là rào cản lớn, khiến những loại hình nghệ thuật hàn lâm như ba-lê, nhạc cổ điển, nhạc kịch… khó tiếp cận địa điểm này nếu thiếu những cơ chế hỗ trợ đặc biệt. Còn với sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương,… dẫu được ưu ái mức giá “mềm” nhất, vẫn rất khó khăn.
 
Chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn Hà Nội làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng do Bộ trưởng VHTT và DL chỉ đạo thực hiện được giới nghệ thuật hồ hởi đón nhận. Bởi với rất nhiều nghệ sĩ, việc một lần trong đời được biểu diễn ở Nhà hát này luôn là giấc mơ; đồng thời, từ nay nhiều Nhà hát sẽ hết cảnh “không có nhà để hát” như thường ca thán. Lâu nay, nhiều vở diễn được Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp ít cơ hội được ra mắt ở địa điểm sang trọng này. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết, chúng tôi từng đưa các vở kịch lịch sử Công lý không gục ngã, Tất cả đều là con tôi (của kịch tác gia Mỹ hàng đầu A-thơ Mi-lơ) ra Nhà hát Lớn Hà Nội, song chỉ được “năm thì mười họa”. Ngay khi làm xong vở Hamlet, mặc dù có ý định ít nhất mỗi tháng diễn hai suất tại đây, nhưng may lắm chúng tôi cũng chỉ được vài đêm một năm. Còn ngay sau lưng Nhà hát nổi tiếng này là Nhà hát Kịch Việt Nam, cánh chim đầu đàn của làng kịch nói nước nhà cũng không có một nhà hát đúng nghĩa, phải cải tạo sân khấu từ một phòng tập; chỉ cách vài bước chân mà đường đến Nhà hát Lớn cũng là quá xa xôi. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh bộc bạch: “Mức giá thuê 30 đến 40 triệu đồng cho một đêm diễn quả thật rất lớn, chúng tôi khó có thể thu được nguồn vé để chi trả, nếu như không có nhà tài trợ. Diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là canh cánh ước mơ…”.
 
Vừa qua, Bộ VHTT và DL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị xây dựng những chương trình hay nhất để đưa vào diễn, từ nay tới cuối năm. Vào dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sắp tới, ba đơn vị khởi đầu là Dàn nhạc giao hưởng, Nhà hát Kịch và Nhà hát Chèo Việt Nam. Sau đó, lần lượt đến các nhà hát khác thuộc Bộ. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, tối 1-9, Nhà hát Chèo sẽ biểu diễn chương trình Năm cung Chèo từng được Huy chương vàng. Những tháng tiếp là các vở Thúy Vân, Bắc Lệ đền thiêng và các trích đoạn chèo truyền thống. “Các nhà hát của Bộ đều là những địa chỉ hàng đầu của mỗi loại hình nghệ thuật, chọn tác phẩm tốt nhất để biểu diễn ở địa điểm đẹp nhất, từ đó tạo thói quen thưởng thức NTTT cho khán giả. Hiện anh em nghệ sĩ rất vui vẻ, nỗ lực tập luyện để bước vào “thánh đường nghệ thuật”. Ở đó, chúng tôi có thể “khoe” nghệ thuật chèo; đồng thời khẳng định thương hiệu của Nhà hát Chèo Việt Nam” - NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ.
 
Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, Nhà hát đang khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ trương của Bộ VHTT và DL về công tác bảo tồn, phát triển NTTT, nghệ thuật đỉnh cao. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, từ tháng 9 tới đến hết năm nay, Nhà hát sẽ tự bỏ kinh phí hỗ trợ, miễn phí tiền thuê địa điểm cho 20 buổi biểu diễn; trong năm 2017, Bộ VHTT và DL sẽ hỗ trợ kinh phí để Nhà hát miễn phí tiền thuê cho 100 buổi biểu diễn của 12 nhà hát thuộc Bộ. Nhà hát cũng sẽ lựa chọn các chương trình thuê điểm biểu diễn chặt chẽ hơn nhằm giữ gìn hình ảnh, thương hiệu; triển khai thành lập phòng truyền thông lo công tác tuyên truyền, bán vé để có thêm nguồn thu; hợp tác với các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Bộ để xây dựng kế hoạch tiếp thị, quảng bá, giới thiệu chương trình. Bên cạnh đó, Nhà hát dự định tự đứng ra tổ chức, dàn dựng chương trình nghệ thuật; kết hợp các công ty du lịch xây dựng tua tham quan Nhà hát và kết hợp biểu diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách… “Thật ra, vấn đề kinh tế chúng tôi không quá lo, chỉ mong sẽ dần dần thu hút được khán giả đến với NTTT” - Giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh bày tỏ lạc quan, nếu duy trì được một “điểm hẹn” quen thuộc để khán giả Thủ đô và du khách quốc tế tìm đến nghệ thuật hàn lâm và truyền thống, đồng thời chú trọng quảng bá truyền thông và hợp tác cùng du lịch, mọi việc sẽ dần chuyển biến tích cực trong tương lai.
 
Để triển khai chiến lược này, sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được thử nghiệm và tiếp tục hoàn thiện từ thực tế. Hy vọng, với nỗ lực của ngành văn hóa, của bản thân mỗi nhà hát và từng nghệ sĩ, NTTT sẽ được bảo tồn và tiếp tục phát triển.


 

 

Chủ đề: Tin tức nhà hát

Tags:

Bình luận

Viết bình luận