Vì sao sân khấu thiếu hình tượng con người của thời đại mới?
Có một thực tế là xã hội Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay đã có nhiều thay đổi, công cuộc đổi mới với những con người của thời đại mới xuất hiện trên nhiều lĩnh vực ngành nghề đã đạt được nhiều thành tựu thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước. Những nhân vật như trí thức, doanh nhân, phụ nữ, thanh niên… hiện đang là những đối tượng được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, các vấn đề xã hội và đặc biệt là được xây dựng thành những hình tượng trên văn học, điện ảnh thì trên sân khấu họ lại rất mờ nhạt. Phải chăng đề tài hiện đại với những con người của thời đại mới chưa phải là một mảng đề tài thuận đối với sân khấu nên các tác giả né tránh và tìm về những mảng đề tài khác như lịch sử, dã sử, chiến tranh…
Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại đều có những hình tượng nhân vật con người mới tích cực, giữ vị trí trung tâm tạo nên mọi nguồn lực trong xã hội. Trong xã hội VN hôm nay, con người mới được hiểu là những nhân tố tích cực phải hội tụ đầy đủ những phẩm chất như lý tưởng, chính trị, đạo đức, niềm tin và đặc biệt là những con người có tri thức. Họ là những hạt nhân tốt để tác động chi phối và tạo ảnh hưởng tới nhận thức của những đối tượng khác trong xã hội. Những năm 80 của thế kỷ 20, sân khấu đã từng là một trong những loại hình nghệ thuật mũi nhọn khi xây dựng những hình tượng con người mới với hàng loạt những vở diễn khiến khán giả phải chen chân mua vé tới nhà hát như: “Tôi và chúng ta”, “Cuộc đời tôi”, “Sẽ đến một mùa xuân”, “Mùa hè ở biển”, “Nếu anh không đốt lửa”… và những cái tên tác giả sân khấu nổi tiếng của một thời như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… Ông Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: “Những năm gần đây, sân khấu thiếu vắng những vở diễn khắc họa sắc nét nhất hình ảnh con người mới một cách thuyết phục. Số vở khắc họa thành công có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Ngay cả sân khấu mũi nhọn là kịch nói cũng chạy theo thị hiếu dàn dựng những vở diễn, chương trình giải trí thương mại. Sân khấu chính kịch trở nên lép vế. Hàng ngày chúng ta xem trên truyền hình có rất nhiều nhà doanh nghiệp, tri thức, cá nhân họ làm thay đổi cả một nhà máy, một bộ phận xã hội. Vậy mà trên sân khấu lại thiếu vắng những con người như vậy “.
Ai cũng thừa nhận rằng sân khấu đang lỗi nhịp khi thiếu vắng những hình tượng con người mới điển hình. Đây là nỗi trăn trở không chỉ đối với từng tác giả mà của chính những người lãnh đạo các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Đạo diễn, NSƯT Anh Tú – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch VN chia sẻ: “Đề tài con người mới trên sân khấu kịch là một đề tài vô cùng cần thiết bên cạnh các đề tài khác như lịch sử, chiến tranh. Chúng tôi các nhà hát đều mong muốn tìm được những kịch bản hay về đề tài hiện đại xây dựng những con người mới nhưng quả thực rõ ràng các kịch bản mà chúng tôi đọc cũng như dàn dựng chưa làm chúng tôi hài lòng bởi con người mới chỉ mới là sự mô phỏng không có được sức thuyết phục. Chúng tôi vô cùng “khát” những con người mới được đặt trong những bối cảnh của những vấn đề nóng của xã hội như biển đảo, xây dựng nông thôn mới, chống tiêu cực…”. Mô típ về con người mới trên sân khấu đang bị nhìn nhận có phần phiến diện một chiều, tốt thì tốt quá mà xấu thì xấu quá. Trong đời sống thực thì con người mới hôm nay không chỉ nhất nhất theo kiểu tiêu chí “trung quân ái quốc” theo mẫu nhân vật của thời đại phong kiến, con người mới hôm nay phải đối diện với những khó khăn, thậm chí có lúc phải đối diện đấu tranh giữa ranh giới tốt và xấu để vượt qua và khẳng định mình. Nhân vật trên sân khấu cần phải gần hơn với đời sống. Con người ngoài đời đa dạng và phức tạp hơn với nhiều chiều. Con người mới phải dung nạp ở cả cái tốt và cái chưa tốt, cái chưa tốt thì khắc phục để thành tốt. Con người mới phải xung đợt với chính mình, khẳng định mình mới được hiểu là con người mới.
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội NSSKVN chia sẻ: “Tôi cho rằng cuộc sống đang đi nhanh hơn sân khấu. Sân khấu ngày hôm nay đã đánh mất thiên chức dự báo khi xây dựng những hình tượng nhân vật xa rời với thực tế, mô phỏng thực tế. Muốn thuyết phục được khán giả đến với nhà hát, những người làm nghệ thuật cần nói được những vấn đề của chính khán giả, mang những vấn đề mà họ đang quan tâm ra mổ xẻ, bàn bạc mới mong tìm được tiếng vọng lại từ khán giả”.
Có ý kiến cho rằng khán giả ngày hôm nay không thích xem những vở chính kịch với những đề tài hiện đại và những vấn đề chính trị khô khan, xáo rỗng. Nếu những ai đã tham gia Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ vào tháng 9/2013 vừa rồi sẽ thấy rõ khán giả không hề thờ ơ với những con người trên sân khấu. Không chỉ khán giả mà những vị tướng, những vị lãnh đạo đã từng trải qua bao trận đánh máu lửa cũng rơi những giọt nước mắt vì xúc động, có cụ già 90 tuổi được con dâu đưa tới rạp hát để xem kịch, các suất tại 3 địa điểm diễn ra LH các vở diễn kịch Lưu Quang Vũ sạch bách ghế ngồi, có suất diễn có tới hàng trăm khán giả đứng 2 tiếng đồng hồ chen kín trên các lối đi rạp hát… Các vở “Ông không phải là bố tôi”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Trái tim trong trắng”, “Lời thề thứ 9”… đã thấy rõ những nhân vật đại diện của một thời đại đó từ nhân vật tích cực cho tới các nhân vật phản diện, tiêu cực đều rất rõ nét. Những con người mới của một giai đoạn xã hội chuyển đổi như những học sinh giỏi, trung thực dám bỏ thi khi phát giác đề thị bị lộ, những thầy giáo trong “Mùa hạ cuối cùng” đã dám dấu tranh với tiêu cực của chính ngành mình bảo vệ niềm tin cho học trò. Hoặc như trong vở “Ai là thủ phạm” của Đoàn kịch Nam Định hình ảnh những người chiến sĩ công an, không chỉ lao vào các vụ trọng án mà còn phải giải quyết những khúc mắc, những vấn đề rất đời thường trong sinh hoạt của người dân. Con người mới có cả những thanh niên đã từng lầm đường lạc lối chỉ vì bốc đồng như Vinh trong “Ai là thủ phạm” nhưng sau khi được cải tạo đã vượt qua mọi rào cản về tâm lý đứng ra tố giác cái xấu, cái tiêu cực đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả. Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức đã vô cùng xúc động sau khi xem xong “Mùa hạ cuối cùng” đã nhận xét: “Cảm ơn các nghệ sĩ đã cho tôi được sống lại những kỷ niệm của mùa hạ cuối cùng thời học sinh và cũng cho tôi được nhìn lại mình qua vở diễn. Mùa hạ cuối cùng dã thức tỉnh tôi, còn quá nhiều điều mà mình chưa làm được cho các con. Vở diễn thức tỉnh trách nhiệm của người thầy giáo không chỉ truyền bá kiến thức mà còn cần mang lại niềm tin yêu cho các con“. Đó là lý do ngay sau liên hoan, Nhà hát Tuổi Trẻ đã được doanh nghiệp đứng ra tài trợ biểu diễn hàng trăm suất miễn phí cho học sinh, sinh viên các trường. Trên sân khấu vừa qua tuy không nhiều vở hay về con người hiện đại nhưng rõ ràng những vở diễn như “Tai biến” của Nhà hát Kịch VN, “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch Công an nhân dân và Nhà hát Dân ca kịch cũng đã dấy lên sự quan tâm của khán giả với sân khấu khi mà sân khấu dám đi vào những đề tài nóng và vô cùng nhạy cảm đó là những vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng Đảng.
Những năm gần đây Bộ VHTTDL và Hội NSSKVN đã hướng sân khấu về mảng đề tài này bằng cách đặt ra những tiêu chí riêng cho các kỳ liên hoan hội diễn hướng vào mảng đề tài hiện đại, ưu tiên những hình tượng con người mới, tổ chức hàng loạt các đợt thực tế sáng tác thực tế ở các vùng mỏ, các vùng nông thôn mới hoặc đưa các tác giả tới tìm hiểu cách làm ăn của các doanh nghiệp… Vậy mà giải thưởng kịch bản cho sân khấu hàng năm của Hội NSSKVN vẫn thiếu những giải đặc biệt cho tác phẩm, thiếu vắng những kịch bản hay, những vở diễn có chất lượng về đề tài hiện đại với những hình tượng con người mới đương đại. Vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn còn mạnh dạn triển khai đặt hàng sáng tác bốn vị tác giả có uy tín chuyên viết sân khấu viết hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Được khuyến khích, được trả bút với bậc cao nhất trị giá gần 140 triệu đồng kịch bản và cả lời hứa hẹn có đầu ra dàn dựng trên sân khấu của các nhà hát có uy tín dựng chính kịch, vậy mà chính bản thân các tác giả cũng chưa thực sự tự tin rằng mình có thể “sản xuất’ theo đơn đặt hàng được những kịch bản giá trị… NSND Trần Đình Sanh cho rằng: “Trong giai đoạn lịch sử hôm nay thực tế có ngồn ngộn những chất liệu để sân khấu có thể đưa lên sân khấu. Ngay cả câu chuyện của những người nông dân thôi, họ đã làm được bao nhiêu việc vĩ đại nhưng cuộc sống của họ còn biết bao trăn trở, bao khát vọng cần được đưa lên thành đề tài của sân khấu. Đơn cử như nhân vật ông Hai Chung từ 7 hạt thóc giống đã trở thành “vua lúa giống” và từ gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó là Bí thư thành ủy TPHCM gợi ý chăn nuôi và tặng ông con heo giống để rồi từ ý tưởng đó ông lại trở thành chủ trang trại heo giống lớn nhất tỉnh Tiền Giang“.
Làm gì để sân khấu hôm nay gần hơn với cuộc sống xã hội đương đại bằng những hình tượng nhân vật con người mới của thời đại mới là điều trăn trở không chỉ riêng với cá nhân từng tác giả, từng đơn vị nghệ thuật. Để đưa sân khấu tiếp cận với đề tài hiện đại, xây dựng những hình tượng nhân vật con người mới sống động, gần gũi không phải là chuyện nói là có thể làm. Điều này không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp mà còn phụ thuộc vào vượt lên trong tư duy sáng tạo của cá nhân từng tác giả cũng như sự nhạy bén, năng động tìm đề tài, bỏ sự thụ động ngồi chờ tác giả mang kịch bản đến với mình mà bản thân các lãnh đạo nhà hát, đơn vị nghệ thuật cần tự đặt hàng sáng tác để có được những vở diễn về đề tài hiện đại mà mình cần. Khán giả không hề thờ ơ với sân khấu nếu sân khấu thực sự khắc họa được những chân dung tiêu biểu, đặc sắc về con người mới, để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả, góp được tiếng nói tích cực trong việc xây dựng hình ảnh con người mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thúy Hiền
Bình luận