ÂM BINH HAY NHỮNG KHÁT VỌNG VÙI TRONG CÁT BỎNG
NGUYỄN HỒNG LAM
Toàn bộ vở diễn chỉ kéo dài 90 phút để diễn tả những biến động dữ dội của ba cuộc đời dài 40 năm. Không gian sân khấu không hề thay đổi, đều diễn ra trên một gò cát trắng lô xô mồ mả, nằm đầu đó ở miền Trung, ước lệ chính xác hơn thì ở một vùng tranh chấp ác liệt thuộc tỉnh Quảng Trị.
Lạc đơn vị, vô tình, cả anh lính giải phóng tên Quân lẫn Trung, một người lính Cộng Hòa đều bị thương và ngã gục gần sát bên nhau trên gò cát rát bỏng bom đạn ấy. Những uất ức, đau đớn, căm thù được tạm gác sang một bên, ngụm sữa từ bầu sữa căng căng cứng của Nhi, người đàn bà vừa bị chiến tranh cướp mất đứa con mới 3 tháng tuổi đã cứu sống hai người lính từ hai chiến tuyến. Cao hơn thế nữa, cứu sống cả hai tâm hồn, tạo nên một khoảng lặng suy ngẫm. Trong thời gian hai người lính hai phía chữa trị vết thương, tiếng súng hằm hè nhau tàn sát lẫn nhau đã không nổ ra dù trong nhận thức có phần ấu trĩ vì thời cuộc, cả hai đều tin chắc cuộc chiến giữa họ sẽ một mất một còn.
Dù nhận ơn cứu mạng và đã đổ gục trước những khát khao đàn bà, ước mong một lần nữa trong đời được làm vợ, làm mẹ của Nhi, 10 năm sau Trung vẫn nhẫn tâm rứt áo vượt biên, quay lưng lại với tất cả. Quân, trong vai trò một cán bộ chính quyền, vì ân tình, và cả cảm tình, đã buộc Nhi, người mà anh yêu thương phải nói dối, khi anh trong nhiệm vụ truy bắt những người vượt biên trong đó có Trung.
Đoạn kết là cảnh thời mở cửa, là hiện tại. Việt Kiều Trung quay về, ngõ ý muốn đầu tư, biến vùng cát trắng hoang hóa ven biển thành một khu du lịch. Quân, lãnh đạo địa phương, đã hoàn toàn đồng tình, chào đón nhà đầu tư, với hy vọng “thay đổi được gì đó cho vùng đất nghĩa tình, cho người dân bớt khổ”. Nhưng Nhi, người đàn bà đã mất tất cả vì chiến tranh, đã héo hắt chờ đợi trong mòn mỏi và tuyệt vọng một thay đổi mơ hồ nào đó cho số phận, cho giấc mơ của cát thì kịch liệt phản đối. Trong tâm thức chất đầy phế tích, người đàn bà với những định kiến đau đớn dứt khoát không chấp nhận cho san ủi những nấm mồ hoang để mở đường. Bà tự đóng đinh ý nghĩ của mình, rằng sở dĩ bà vẫn tồn tại, buộc phải tồn tại là vì bổn phận chăm nom hương khói cho những nấm mồ bơ vơ đó, trong đó có cả nấm mồ đứa con gái bé bỏng của bà.
Kịch tính nén chặt cứng, chất quá nhiều nút thắt, sau ¾ thời gian diễn, khán giả dễ có nhữnng băn khoăn, bất an khi cố dự đoán tình huống mở nút kịch để hạ màn. Nếu non tay, hễ đi theo luồng “quan điểm chính thống”, chọn một kết thúc tròn trịa, vở kịch sẽ bị đóng khung trong sự giáo điều tẻ nhạt và xa rời thực tế. Nếu tiếp tục ‘cương” theo mạch cảm xúc có phần cực đoan của các nhân vật, nhất là nhân vật nữ chính, rất có thể chất nghệ thuật sẽ bị chết non trong sự quá khích, cay cú hoặc vuốt đuôi thời cuộc. Nhưng cuối cùng, tình huống mở lại hé ra khá nhẹ nhàng. Sau khi nghe hết câu chuyện và những băn khoăn của hai người đàn ông có hai vị trí khác nhau trong xã hội, từng nhiều đoạn đối đầu, nhưng đều là người đàn ông “rất đặc biệt” của đời mình, bà Nhi đã thay đổi thái độ, chấp nhận cho di dời mồ mả, đễ “mong tương lai có một con đường rộng rãi, tươm tất hơn”. Thông điệp kịch vỡ òa : khi quá khứ, hiện tại biết gạt bỏ những bất đồng để cùng xây đắp cho tương lai thì “con đường” sẽ được mở. Sau những khổ đau, dằn vặt, thiệt thòi, tất cả các nhân vật trong câu chuyện đều mãn nguyện vì đều nhìn thấy một “con đường”.
So với kịch bản gốc, có phần cực đoan, đoạn kết của vở diễn đã ghi dấu khá nhiều sự sáng tạo, gia cố nghệ thuật của nhóm thực hiện.
Bám sát chất liệu thời sự đời sống nóng bỏng nhất - những tranh chấp đất đai gay gắt đến mức có thể tạo nên xung đột xã hội, thông điệp mà tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh đưa ra đã khiến “Âm binh”, dù tính ước lệ kịch chất nặng đến mức ngột ngạt, vẫn dễ nhận được sự quan tâm của khán giả. Vì nó thật. Vì nó không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Vì nó đầy ray rứt. Và bao trùm, nó thấm đẫm tính chất thân phận. Đáng ghi nhận, rung cảm nghệ thuật và mảng miếng sáng tạo đã đưa dòng chảy thời sự ấy vượt qua sự khô khan, nhợt nhạt của việc sao chép thời sự. “Âm binh” có nhiều mảng miếng đáng giá để lấy cả nụ cười lẫn nước mắt của người xem, được đánh giá rất cao trong Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2012.
Vai Nhi do nghệ sĩ Hoàng Yến đóng nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả nhất. Từ một cô gái sắp phát điên vì nỗi đau mất con đến khi thành một bà giả ương ương dở dở, Hoàng Yến đều thể hiện xuất sắc. Diễn thoại truyền cảm, thay đổi liên tục theo tuổi tác và tâm trạng, cho đến dáng dấp, cách đi đứng, của từng giai đoạn tuổi tác khác nhau, và cả những màn trình diễn ngôn ngữ hình thề độc đáo, Hoàng Yến đều nhập vai rất ngọt, rất có thần, khiến cảm xúc của khán giả xem kịch luôn bị dẫn dắt, vỡ òa theo. Biên độ cảm xúc gần như chạm cả hai cực, rất thật, dù đó là biên độ đó có trường độ rất rộng. Vai Nhi của Hoàng Yến đã gạt bỏ được tính ước lệ xơ cứng khi thể hiện xuất sắc rất nhiều trạng huống tâm lý kịch thuộc loại khó. Những sáng tạo cập vật hóa bằng âm sắc diễn thoại và ngôn ngữ hình thể đã giúp nghệ sĩ làm sân khấu sinh động hơn, nóng bỏng hơn trong những tiểu đoạn tình huống kịch chất quá nhiều những lời thoại mang tính bất cập vật – điều mà tác giả kịch bản khó tránh khi lấy chất liệu thời sự làm nền cho tác phẩm.
Khán giả cũng trầm trồ thú vị và rung động mạnh với nhân vật người dẫn truyện mà diễn viên – họa sĩ Trí Đức đảm nhận. “Gốc phi lao” – tên gọi nhân vật như lời giới thiệu, ngoài lời phi lộ đầu vở tuyệt đối không hề có thêm bất cứ lời thoại nào. Hiện diện từ đầu chí cuối vỡ diễn chỉ ở một vị trí duy nhất bên góc trái sân khấu, trong lớp hóa trang không tuổi, sắc diện không đổi thay, không cảm xúc, ngoài đôi tay thì các bộ phận khác của cơ thể chỉ “diễn” duy nhất một động tác là… bất động. Thế nhưng, vai diễn lại đóng góp nhiều nhất trong việc chuyển tải các sắc thái tình cảm của vỡ diễn. Vở kịch không có phông cảnh vật, thay vào đó là những bức tranh cát làm phông, thay đổi liên tục được “Gốc phi lao” thể hiện rất tài hoa, nhanh đến chóng mặt và thể hiện lên phông bằng kỹ thuật đèn chiếu. Nhờ cách bài trí đơn giản nhưng hiện đại này, sân khấu trở nên đa dạng, biến chuyển theo từng đợt cao trào, tạo nên một hiệu ứng cảm xúc rất đặc biệt. Địa điểm xảy ra câu chuyện bất biến trong khoảng thời gian 40 năm, không một lần chuyển cảnh, vở diễn vẫn không bị nhàm chán. Đó là điều mà cách bài trí sân khấu cổ điển không thể đạt được, vi bị đóng khung trong những cảnh không thể thay đổi.
Một điều đặc biệt nữa, “Âm binh” là một vở kịch không có vai phụ. Cả 4 nhân vật trên sân khấu đều là nhân vật chính. Dù không thoại, ngôn ngữ kịch truyền thông điệp, tình cảm đến khán giả mà Trí Đức đảm nhiệm vẫn đầy ắp. Anh vừa là “Gốc phi lao” cũ kỹ, vừa là cát, là gió, là 4 mùa chuyển động, vừa là những “âm binh” chứng nhân kiêm người dẫn truyện trong toàn vở diễn. Cùng với nhân vật Nhi của Hoàng yến, vai “gốc phi lao” của Trí Đức đã nhận Huy Chương vàng một cách hoàn toàn xứng đáng.
Người lính của hai phe, Trọng Hiếu (vai Quân) và Trung (Xuân Hồng) cũng thủ rất tròn vai. Đặc biệt, Trọng Hiếu vốn đang là một kỹ thuật viên vi tính của Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Hai chục năm trước, anh đã từng tốt nghiệp đại học sân khấu Điện Ảnh Hà Nội nhưng chưa từng có dịp thử vai trên bất kỳ sân khấu chuyên nghiệp nào. Lần đầu tiên nhận vai trong sân khấu chuyên nghiệp, vai Quân đã đạt ngay Huy Chương Bạc trong liên hoan toàn quốc.
Xuân Hồng cũng đạt Huy Chương bạc với vai lính Việt Nam Cộng Hòa. Quan trọng hơn, đây là vở kịch chuyên nghiệp đầu tiên mà anh vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn. Quy mô “sân khấu nhỏ” với chỉ 3-4 nhân vật cho mỗi vở diễn, thời lượng ngắn gọn, nội dung cô đọng cùng những sáng tạo, thể nghiệm mới mẻ trong cách giàn dựng sân khấu của Xuân Hồng và ê kíp thực hiện đã nhận được nhiều sự khen ngợi, đánh giá cao của cả khán giả lẫn giới phê bình. Có thể xem đó như một cách “làm mới” sân khấu kịch, rất hiệu quả trong việc đưa cả thời sự lẫn chất thể nghiệm vào chính kịch. Nhiều nhà phê bình có uy tín đã đánh giá rằng cách làm này sẽ tạo ra một hướng đi mới cho nhà hát Thế giới trẻ nói riêng và sân khấu kịch chuyên nghiệp nói chung trong việc đưa kịch đến gần công chúng văn nghệ hơn, nhất là với lớp công chúng trẻ tưởng chừng đang ngày càng thờ ơ với nghệ thuật sân khấu, nhất là chính kịch.
Vở diễn rất thành công này chỉ được tập trong 9 buổi. Say nghề, 4 diễn viên cả chuyên lẫn không chuyên, thậm chí chưa hề có tên tuổi đã tự bắt tay nhau dựng vở. “mượn”. Theo quy chế, những vỡ diễn xã hội hóa, nếu được duyệt tham gia sẽ được Ban tổ chức Liên hoan hỗ trợ 50 triệu đồng/vở. danh nghĩa sân khấu Thế giới trẻ của Đại học SKĐA TP Hồ Chí Minh để đủ điều kiện tham gia Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012, nhóm thực hiện không ngờ vở diễn của họ đã bị loại ra khỏi danh sách các vở được tài trợ.
Ngoài vai chính, nữ nghệ sĩ Hoàng Yến còn là người bỏ toàn bộ kinh phí dàn dựng vở diễn. Các thành viên tham gia cho biết, nhờ số tiền thưởng huy chương, họ mới lấy lại được khoảng một nửa chi phí bỏ ra. Phần còn lại, họ hy vọng sẽ bù đắp được bằng những suất diễn vào mối tối thứ 5 hàng tuần tại nhà hát kịch Thế giới trẻ. Nghĩa là vì say nghề, họ sẽ còn phải lao động cật lực thêm một thời gian dài với nhiều lo toan phập phù với việc đông hay thưa khán giả.
NGUYỄN HỒNG LAM
(Theo LeThieuNhon.com)
Bình luận