Category : Tin tức vở diễn

Bất ngờ phía Nam

người đăng @dmin | 08-08-2012 12:00 am

BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

QĐND - Gần một tháng trước ngày diễn ra Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, chưa có một đơn vị sân khấu của phía Nam nào đăng ký tham dự, vậy mà suốt hai tuần liên hoan, kịch của phía Nam đã tạo nên những thành công… khiến cả giới chuyên môn không ngờ tới. Rồi cả những xì xèo về khán giả Huế không mặn mà với sân khấu kịch nói - cho rằng, Ban tổ chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn) sai lầm khi mang nghệ thuật kịch hiện đại vào nơi bấy lâu nay chỉ hướng đến những giá trị nghệ thuật dân gian, sẽ khó hút được khán giả, lãng phí… Kết thúc liên hoan (28-7), mọi hồ nghi, băn khoăn về kỳ liên hoan đã cơ bản được tháo gỡ!


Cảnh trong vở “Huyết lệnh” của Nhà hát kịch Hà Nội. Ảnh: Cao Ngọc


Khán giả hồ hởi
Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại Trung tâm Văn hóa TP Huế từ ngày 14 đến ngày 28-7. Có 20 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham dự với 26 vở diễn, trong đó có 8 đơn vị sân khấu xã hội hóa với 10 vở. Ngay khi thông tin đưa sân khấu kịch nói vào thi thố ở Huế đã khiến nhiều người thắc mắc, bởi chính Huế cũng không có đơn vị sân khấu kịch nói dự thi. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lý giải, năm 2012 là Năm Du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ, Huế là tâm điểm. Thêm nữa, nhiều kỳ liên hoan trước thường tổ chức ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lần này đưa kịch nói tới Huế là để tạo cơ hội cho khán giả yêu mến kịch, thường chỉ xem qua truyền hình, thì nay được trực tiếp xem.
Điều dễ dàng nhận thấy nhất, chính là sự đông đảo đến không ngờ của công chúng Huế, đã hồ hởi đón nhận sự xuất hiện của các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc suốt chặng đường dài nửa tháng trời với 26 buổi diễn, ngoại trừ hai ngày đầu khán phòng thưa vắng, do công tác quảng bá chưa tới tận người dân. Những đêm sau đó, cánh nhà báo theo dõi liên hoan phải rủ nhau đi sớm chừng 40 phút để có được một chỗ ngồi tốt.
Kịch Nam bứt phá
Như ở các hội diễn, liên hoan từng diễn ra, các vở diễn của đoàn nghệ thuật Trung ương lẫn địa phương, vùng miền luôn có sự khác biệt khá rõ ràng. Với liên hoan sân khấu kịch nói lần này cũng vậy. Tuy có những vở nổi trội, nhưng cũng không ít vở bị cho là làng nhàng. Có điều thú vị, không còn hiện tượng dựng vở chỉ để tham dự liên hoan mà hầu hết vở diễn của các đơn vị đưa đi là những vở nằm trong kế hoạch biểu diễn thường xuyên.
Lần ra quân này, làng kịch Bắc gặp khó khăn về kịch bản, về kinh phí, rồi hai đơn vị thuộc hàng mạnh nhất: Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ chưa ổn định được về mặt tổ chức, nên hầu hết đều đưa đi “trình làng” các vở cũ, lại không phải là những vở xuất sắc, khiến cho sắc màu của sân khấu phía Bắc đơn điệu. Diễn viên ngoài một số gương mặt đã thành danh thì xu hướng biểu diễn nhìn chung vẫn còn căng cứng, chưa đạt tới độ dung dị, tiết chế cần thiết của lối diễn hiện đại.
Nếu như kịch Bắc vẫn giữ sự chỉn chu, bài bản… đến không có gì mới mẻ, thì sự chân thật trong nghệ thuật diễn xuất, cùng cách dàn dựng đầy sáng tạo của một số đạo diễn đã làm nên cái “bất ngờ” đáng mừng của những đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bất ngờ nhất là các đơn vị xã hội hóa phía Nam lại dựng kịch chính luận không thua kém gì sân khấu phía Bắc. Nửa đầu của liên hoan những vở như “Làm…” (dựa theo tác phẩm văn học “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng), “Nước mắt người điên” của sân khấu kịch Hồng Vân đã tạo ra những dư luận trái chiều về cảnh nóng, về ranh giới khi mô tả những cảnh nhạy cảm trên sàn diễn, điều mà nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, trực diện như sân khấu thật khó đạt tới hiệu ứng như điện ảnh. Thì nửa thời gian sau của liên hoan, sự tham gia của sân khấu Nụ cười mới với “Tình cha”, sân khấu Sài Gòn phẳng với “Đời như ý”, sân khấu 5b Võ Văn Tần với “Đôi bờ”… sân khấu phía Nam đã thuyết phục được đồng nghiệp và khán giả Huế với sự tươi mới, duyên dáng đến từ phong cách diễn, sự sáng tạo trong ý tưởng với tiêu chí luôn hướng tới đáp ứng nhu cầu của khán giả.  Đặc biệt, khi vở “Âm binh” - chuyện kịch kéo dài từ mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972 đến ngày nay của Nhà hát Thế giới trẻ trình làng, đã chinh phục được những cái nhìn khắt khe của giới chuyên nghiệp, trở thành hiện tượng của Liên hoan với cách xử lý hết sức bất ngờ, mới mẻ trong dàn dựng khi tạo dựng không gian, thời gian, bối cảnh kịch là những nét vẽ tranh cát rất động của hoạ sĩ tài ba Trí Đức…
Một sự so sánh rõ ràng nhất làm minh chứng cho nhận định này, khi cùng một kịch bản của nhà viết kịch Đăng Chương, sân khấu phía Bắc có “Biển và bờ”, sân khấu Nam lại dựng thành “Tội ác và quyền lực”. Không khó khăn để thấy tác phẩm của sân khấu Phước Sang đã thuyết phục được người xem với lối dàn dựng kéo được khán giả vào sự giải quyết xung đột trong vở kịch. Không cần sự hoành tráng, không cố nhồi nhét ý tưởng cao đạo mà bằng nét dung dị trong diễn xuất, trong sự gọt giũa lời thoại sao cho gần gũi, chân thật, vở diễn đã tạo được sự bất ngờ ngọt ngào đối với giới nghề và hiệu ứng rất tốt với công chúng.
Giảm người cũ, tăng người mới
Theo đánh giá của Phó cục trưởng Cục NTBD Đăng Chương, liên hoan lần này đã bộc lộ rõ sự chuyển giao thế hệ ở mọi thành phần. Ngoại trừ các kịch bản cũ, những đơn vị đưa vở mới tham dự liên hoan thì hầu hết đều là những tác giả kịch bản mới, khác với những tên tuổi quá quen thuộc. Lực lượng diễn viên, bên cạnh số lượng nhỏ các diễn viên kỳ cựu đã xuất hiện nhiều diễn viên trẻ. Nhiều người trong số đó đã tiếp nhận được những tinh hoa của lớp đi trước, tâm huyết, giàu khả năng sáng tạo…
Có hai gương mặt đạo diễn trẻ nổi bật trong liên hoan lần này là đạo diễn Cao Đức Xuân Hồng với vở “Âm binh”. Còn NSƯT Anh Tú, ở liên hoan này anh đứng tên đạo diễn 3 vở. Tuy nhiên, những vở diễn của Anh Tú vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn được giới chuyên môn lẫn người xem về tính lô gích, về những chiêu thức đạo diễn thật hay, thật ấn tượng cần có của sân khấu kịch. Với nhiều nhận định, liên hoan lần này có nhiều cái để xem nhất, nhiều phong cách đạo diễn nhất, nhưng để nói về một thế hệ đạo diễn hoàn toàn có thể thay thế được những đạo diễn “vàng” của sân khấu Việt Nam thì vẫn còn quá sớm…
Kết thúc một kỳ liên hoan sau 5 năm mới được tổ chức một lần, giới chuyên môn và công chúng đều hy vọng rằng, sân khấu kịch Việt Nam qua liên hoan sẽ có nhiều đổi mới, bứt phá để mở ra phương hướng cho việc phát triển kịch nghệ, hoặc chí ít là chạm lại thời hoàng kim mà mảng nghệ thuật này từng có!.
CAO NGỌC - VƯƠNG HÀ

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận