Category : Tin tức vở diễn

Cú lội ngược dòng sân khấu Kịch

người đăng @dmin | 14-01-2013 12:00 am

Cú lội ngược dòng sân khấu Kịch
03/01/2013 http://nghethuatbieudien.vn/xem-tin-tuc/cu-loi-nguoc-dong-san-khau-kich.html
Trong khi một số loại hình nghệ thuật, trong đó có Kịch đang bị khán giả thờ ơ, lãnh đạm, thì vở “Âm binh” (tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Xuân Hồng) được coi là “cơn địa chấn” nhỏ trong tình hình trì trệ của ngành sân khấu kịch hiện nay. Vở “Âm Binh” giống như tiếng nói phê phán mạnh mẽ vào hiện thực xã hội, một cách trực diện nhất và không ngại các vấn đề “nóng” đang còn tồn tại trong xã hội...
Một vở kịch thấm đẫm nước mắt
Đề tài chiến tranh không phải là mới, nhưng luôn đủ sức làm lay động lòng trắc ẩn trong mỗi  khán giả, lấy bối cảnh mùa hè đỏ lửa năm 1972 khi chiến sự đang diễn ra ác liệt giữa quân Giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng hòa, không gian là một khu vườn hoang sơ vắng vẻ ở làng Cát, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã khắc họa một bức tranh bi tráng về số phận con người trong và sau chiến tranh xuyên suốt một giai đoạn lịch sử dài 40 năm từ 1972 đến nay.

Vở diễn chỉ xoay quanh ba nhân vật chính, đó là câu chuyện về số phận của ba con người tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại có một sợi dây vô hình kết nối, gắn bó họ với nhau. Đó là Nhi, người phụ nữ đau đớn tự tay chôn xác đứa con bé bỏng mới ba tháng trời của mình, trong khi bầu sữa căng tức như muốn trêu ngươi chị, nỗi nhớ xót đứa con thân yêu của mình chưa kịp dứt, chị phải nén lòng nặn bầu sữa nóng mà đáng lẽ dành cho con gái chị để cứu sống 2 người thương binh ở 2 bờ chiến tuyến đang bên bờ vực sinh tử, đó là Quân - người lính Việt cộng và Trung - người lính Việt Nam Cộng hòa.
Khu vườn hoang vu của làng Cát, nơi Nhi sinh sống, nằm giữa làn đạn giao tranh giữa hai bờ chiến tuyến ác liệt. Nhân vật Nhi (Hoàng Yến thủ vai) bừng sáng lên lòng nhân hậu và tình người ấm áp trong khu vườn hoang vốn chỉ có gió, cát, sóng biển và những nấm mồ mọc đầy cỏ dại. Nhân vật Nhi của Yến rất phức tạp, tâm trạng nhiều biến chuyển, đầy lưỡng lự, ngờ vực và cả tin, cùng lầm lỡ bản năng. Diễn viên Hoàng Yến đã diễn rất mỏng, nhẹ, dịu dàng khi cho Nhi chăm bẵm hai người đàn ông ở hai đầu chiến tuyến và vô cùng bạo liệt khi rẽ đôi hai họng súng hai người chĩa thẳng vào nhau với đôi cánh tay mảnh dẻ. Và Nhi của Yến đã quyết liệt bốc cát nhét đầy hai họng súng, ngăn hai người lính bị thương không cho họ bắn nhau...


Ngày hoà bình, người chiến thắng mải mê với công việc xây dựng bộn bề, kẻ chiến bại tìm đường vượt biên, trở về đoàn tụ cùng gia đình. Chỉ có Nhi vẫn ở lại nơi này, giữa những ngôi mộ người thân và chịu không biết bao nhiêu hệ luỵ từ việc cứu sống hai người lính thuộc hai phe đối địch. Sau 30 năm, sự xoay vần của con tạo đã biến hai kẻ thù khi xưa trở thành những người đồng hành, một nhà lãnh đạo (Trọng Hiếu thủ vai) và một Việt kiều yêu nước (đạo diễn Xuân Hồng thủ vai). Nhi đã không lựa chọn Quân giống như người ta đã tưởng, Nhi của Nguyễn Quang Vinh chọn yêu Trung ngay từ kịch bản và được Yến ủng hộ bằng diễn xuất nương theo logic tự nhiên của nhân vật, khiến vở diễn quyến rũ, có nhiều cái để xem, để cảm, để nhớ và để nghĩ cho công chúng yêu kịch, ngay khi vở diễn đang diễn ra và cả khi tấm màn nhung đã khép với một kết thúc tươi tắn. Ðiều tử tế ở đời đã được người đàn bà chứng thực từ tấm lòng của hai người đàn ông mà bà đã cứu sống.
Đạo diễn kiêm diễn viên Xuân Hồng và diễn viên Trọng Hiếu cũng đã thể hiện rất tròn vai 2 người lính Trung và Quân. Bên cạnh đó, điểm sáng tạo và cũng là chìa khóa quan trọng làm nên sự thành công của vở kịch chính là nền tranh cát được diễn viên Trí Đức trong vai Gốc Phi Lao già vẽ sống và chiếu trực tiếp lên phông nền, làm nền chủ đạo cho vở diễn. Nền tranh cát kết hợp với những nấm mộ cát trên sân khấu, dòng cát ròng ròng chảy từ tay Nhi xuống tay Trung lúc chia tay và từ tay Trung  xuống tay Nhi khi họ gặp lại nhau đã tạo nên một không gian rất riêng cho vở kịch.
 

Cú lội ngược dòng ngoạn mục
Đạt được nhiều huy chương trong liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (Huy chương Bạc cho vở kịch, 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cho diễn viên). Vở kịch “Âm binh” được báo chí gần đây rất quan tâm và đặt cho những “danh hiệu” như: “Làm mưa làm gió”, “Hiện tượng sân khấu kịch nhiều năm qua”, ví von như “Thời vàng son của sân khấu kịch Lưu Quang Vũ”, “Lấy được nhiều nước mắt của khán giả nhất”, và hơn hết vở kịch đã kéo được công chúng vốn thờ ơ với loại hình nghệ thuật này đến rạp.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả của vở kịch này chia sẻ: “Sân khấu muốn tiếp cận với khán giả thì tự thân người làm sân khấu phải biết thay đổi mình. Giờ mình cứ gào lên là khán giả quay lưng với mình nhưng không phải đâu, là do chính mình không chịu thay đổi. Sự sáng tạo trong nghệ thuật là sự đòi hỏi không ngừng. Ví như trong vở “Âm binh”, khán giả sẽ thấy một không gian kịch rất riêng. Vở diễn tuy chỉ có 4 nhân vật và không gian chỉ xoay quanh khu vườn hoang vu làng Cát nhưng đã thật sự khiến khán giả xúc động nhờ vào diễn xuất nhập tâm của các diễn viên. Câu chuyện của “Âm binh” là một câu chuyện hết sức đơn giản, dễ vào, không đao to, búa lớn, mà ngôn ngữ thoại tránh đi những ngôn ngữ thoại kịch hiện nay là quá tuyên ngôn, màu mè. Hơn nữa, sự xuất hiện của tranh cát sống động ngay trên sân khấu là một sự sáng tạo. Mình phải luôn tìm cách làm mới mẻ cho sân khấu, nhưng cũng cần tránh sự xa lạ, phù phiếm”.
Đến bây giờ vở “Âm binh” đã diễn gần 100 buổi, vé bán chạy, khán giả đến rạp khá đông và vở kịch đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Đó là những thành công bước đầu nhưng ê-kíp vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn. Ê-kíp của vở phải tự mình xoay sở bằng doanh thu của bán vé và sẽ tập làm quen với vai trò tự phát hành nhưng họ vẫn lạc quan, như người nghệ sỹ vốn là như thế. Hiện giờ, “Âm binh” thường xuyên diễn ở sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ 125 Cống Quỳnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào tối thứ 5 hàng tuần vào lúc 20 giờ.
Là người yêu và tâm huyết với nghề, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết đang chuẩn bị hoàn thành hai kịch bản để cho ra mắt khán giả vào tháng 12 tới. Kịch bản thứ nhất là vở kịch “Dưới cát là nước” với ý tưởng tình người, sự bao dung, sự nhường nhịn, cuộc sống muốn tuơi tốt, muốn hạnh phúc, phải biết xóa đi thù hận, đơn giản mà ý nghĩa, như vén màn cát nắng nóng, dưới ấy mát rượi, dưới cát là nước. Kịch bản thứ hai mang tên “Khát vọng âm thanh và ánh sáng”. Đây là chương trình lớn ra mắt vào dịp tết, diễn viên chính là các cháu từ 12 đến 20 tuổi bị khuyết tật nhưng có lòng yêu nghệ thuật. Vở kịch này có sự kết hợp giữa múa hiện đại, múa hình thể, kịch nói và hứa hẹn sẽ rất... cảm động!
Phạm Thị Nhung.
 

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận