Category : Tin tức vở diễn

DÙ GÌ... DÂN CŨNG CHÍNH LÀ MẸ!

người đăng @dmin | 10-08-2012 12:00 am



     Từ 14/07 đến 28/07 sắp tới, tại Huế sẽ diễn ra  Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2012 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL), Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ – Huế 2012.
 
     Có khoảng 20 đơn vị, trường nghệ thuật trong cả nước đăng ký tham gia liên hoan với 26 vở diễn. Đó là các tác phẩm kịch có đề tài hiện đại, nội dung, tư tưởng phản ánh rõ ràng, sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, giải phóng dân tộc; những thành tựu mà Đảng, Nhà nước cùng nhân dân đã đạt được trong công cuộc đổi mới; đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn; lên án cái ác, sự thấp hèn và những thói hư tật xấu của con người; đồng thời phản ánh sinh động cuộc sống đa chiều của xã hội trong thời kỳ hội nhập… (theo TCBC)
 
     Đặc biệt, Liên hoan lần này đánh giá cao những tác phẩm kịch có sáng tạo, đổi mới trong phương pháp nghệ thuật, hình thức biểu diễn, thể hiện rõ chức năng giáo dục, thẩm mỹ. Một trong những vở diễn mới mẻ và có nội dung tư tưởng sâu sắc đó chính là  "Âm binh" của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tác giả kịch bản: Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (blogger Cu Vinh), đạo diễn: Xuân Hồng. Vở kịch được diễn trên phông nền sân khấu là tranh cát (sand-art) được minh hoạ và chuyển cảnh liên tục bởi đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Trí Đức, người vừa trở về từ nước Anh để vẽ tranh cát về cuộc đời Nữ hoàng Anh Elizabeth 2 trong đại lễ kim cương của bà.
 
     Âm binh kể về chuyện một người phụ nữ tên Nhi bị mất chồng và con gái 3 tháng tuổi trong cuộc chiến chống Mỹ. Bom đạn chiến tranh lạnh lùng tàn khốc đã trút xuống ngôi làng miền trung đầy cát ấy và đã vùi lấp đi bao sinh mạng người dân vô tội. Người mẹ trẻ ấy đơn độc, khốn khổ vì mất chồng con và nỗi đau ấy ứ tràn nơi bộ ngực căng cứng sữa.
 
     Tình cờ, một anh Việt Cộng (tên Quân) bị thương chạy vào khu vườn nhà Nhi và được Nhi chăm sóc vết thương, nặn sữa cho uống đề bù vào lượng nước đã mất do vết thương gây ra. Kế đó, một anh lính VNCH (tên Trung) cũng bị thương và nhờ Nhi cứu chữa. Dù rất căm ghét chiến tranh, căm thù những người lính đã gây ra những cái chết thương tâm cho chồng con, cho dân làng nhưng Nhi vẫn tận tình cứu chữa vì cô nghĩ không thể để cho có thêm hai người mẹ đau khổ vì mất con như mình nữa...
 
     Đoạn đối thoại giữa Nhi và Quân, giữa Nhi và Trung rất đặc sắc. Nó lột tả tâm lý của một con người vừa căm giận khi bị gây ra hậu quả mất người thân, vừa tốt bụng hiền lành muốn cứu giúp người bị nạn mà không nghi ngại, chọn lựa giữa bên Việt Cộng hay lính Quốc Gia. Rốt cuộc vì tình nghĩa đồng loại, đồng bào, cô đã cứu chữa, săn sóc vết thương cho cả hai con người thuộc hai chiến tuyến đối nghịch nhau cho đến khi lành hẳn.
 
     Nhi đã hỏi cả hai người Trung và Quân: "Đạn bom của bên nào đã giết chết con tôi?" - Cả hai đều ngắc ngứ, không thể trả lời được. Chiến tranh là mất mát. Đạn bom thì vô tình. Trung là một sinh viên trẻ trường Luật bị động viên đi lính Quốc Gia, anh ăn năn trước nỗi đau khổ mất mát của Nhi, anh khóc: "Tôi cũng chỉ làm theo nhiệm vụ thôi!". Ngay lập tức, Nhi quát lại: "Nhiệm vụ gì mà lại đi chĩa súng chĩa bom về phía nhân dân?". Với Quân, một chiến sĩ cách mạng giải phóng quân, anh nhiệt tình vì lý tưởng sẵn sàng hy sinh để quét sạch giặc Mỹ ra khỏi quê hương, thống nhất đất nước. Nhưng những hậu quả mà anh và đồng đội khi tham gia chiến tranh đã khiến bao người mất mạng, bao gia đình tan nát cũng khiến anh không khỏi ngậm ngùi, dằn vặt...
 
     Cả hai người lính đều được uống sữa của Nhi, đều được chăm sóc vết thương, ăn cháo trắng cho đến khi vết thương lành lặn. Kể ra, Nhi đã trở thành bà mẹ nuôi của cả Quân và Trung. Trung và Quân sau khi lành vết thương lại tiếp tục trở về đơn vị, lao vào cuộc chiến tranh phi lý và tàn khốc... Và "bà mẹ" Nhi vẫn đau đáu trông tin, lo lắng cho cả hai người...
 
     Vì giúp đỡ anh chàng Việt Cộng, Nhi bị chính quyền Quốc Gia tra khảo, bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn. Do cứu mạng anh lính Quốc Gia, sau ngày giải phóng, Nhi bị mọi người xa lánh, gièm pha, hắt hủi... Cô phải sống trong cô đơn trong túp lều của mình cùng với khu vườn đầy những ngôi mộ cát... Sống với người với cô khó hơn là sống với những nấm mồ, những âm binh...
 
     Sau giải phóng, Trung vượt biên đi Mỹ vài lần mới thành công. 30 năm sau trở về thành một ông Việt kiều giàu có, nhà đầu tư tiềm năng. Quân thì được thăng chức làm Chủ tịch tỉnh nơi Nhi sinh sống. Cả ba đã tái ngộ và tâm tình chia sẻ cùng nhau. Trung và Quân muốn đưa Nhi về Thị xã để sống một cuộc sống sung túc, còn khu vườn của Nhi sẽ được giải toả để làm trục đường xây dựng, phát triển dự án kinh tế tiềm năng của tỉnh...
 
     Lúc đầu, Nhi không chịu vì đã quen với cuộc sống nơi có những âm binh vẫn luẩn quẩn đêm ngày, không chịu rời xa những nấm mộ chồng con và xóm giềng. Mãi sau này, khi nghe Trung và Quân tâm sự, dự án đầu tư này sẽ giúp phát triển nền kinh tế của tỉnh nhà và mang đến rất nhiều lợi ích thì Nhi đã đồng ý. Không phải sự cưỡng chế bằng tiền, bằng quyền mà chính là lợi ích thiết thực, đúng đắn cho dân chúng đã khiến Nhi bằng lòng rời khỏi khu vườn thân quen...
 
     Câu nói của Nhi vẫn luôn vang vọng và khiến nhiều người phải lạnh gáy: "Các người mà cưỡng chế phi pháp, làm những điều trái với lương tâm thì đời các người chưa bị sao đâu, đời con cái các người cũng chưa bị gì, nhưng đến đời cháu chắt thì biết... Âm binh có đó nha! Rồi họ sẽ báo oán...". 
 
     Đâu đó trên quê hương Việt Nam này, rất nhiều ngôi mộ đã bị cưỡng chế để dành đất cho những dự án đắt tiền, người chết đã phải nhường đất cho người sống. Tấc đất tấc vàng. Người ta sẵn sàng đạp lên tất cả để đạt được mục đích. Thái độ cậy quyền, ỷ thể hiếp đáp người dân nhan nhản khắp nơi. "Người chết thì cũng phải tuân theo mệnh lệnh y như người sống thôi! Trần sao âm vậy mà!", những người có quyền có thế quan niệm như vậy. Và họ chả sợ gì âm binh... Có lẽ họ đáng sợ hơn cả âm binh nữa chăng???
 
     Dù gì đi nữa, người dân như Nhi là người khổ nhất. Hai người chịu ơn mình một người thì giàu có, một người thì quyền lực, nhưng Nhi thì chả có gì. Suốt cả đời khổ đau, vất vả, cô đơn vì giúp đỡ, cứu mạng hai người kia. Đến già cả vẫn cứ thui thủi sống cùng những ngôi mộ, rồi vì ích chung mà phải ra đi. Hình ảnh bà Nhi hốt cốt của các ngôi mộ và bước vào cổng chùa đã kết thúc vở kịch... nhưng nó mở ra nhiều suy tư trăn trở cho nhiều người...
 
     Nhi chỉ là một người dân thường tốt bụng, cam chịu, chịu thương chịu khó... Dù hai người lính kia có như thế nào thì vẫn phải chịu ơn của Nhi. Nhi là ân nhân, là mẹ của cả Trung và Quân - vì đã cứu sống và nuôi dưỡng hai người trong tình huống hiểm nghèo nhất. Tất cả là nhờ dân mà có. Người dân là thế đó! Tình mẹ là thế đó!
 
     Dù gì đi nữa, hãy nhớ: Dân là Mẹ!!!

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận