Category : Tin tức vở diễn

Hai diễn viên và 4 vai diễn

người đăng @dmin | 30-08-2015 12:00 am

Vở kịch Cát trắng như gạo mang tính thể nghiệm vừa ra mắt của Nhà hát Thế giới trẻ TP.HCM (kịch bản: Nguyễn Quang Vinh), NSƯT Hoàng Yến đạo diễn và đóng vai chính.


NSƯT Hoàng Yến (vai Sáu Huệ), Trí Đức (Minh) trong vở Cát trắng như gạo - Ảnh: H.K
Trên sân khấu chỉ có 2 diễn viên, nhưng có 4 nhân vật mà Hoàng Yến đã đóng 3 vai. Đặc biệt, 3 vai của Hoàng Yến có lời thoại, còn vai của họa sĩ Trí Đức lại là người câm. Nhưng Trí Đức có thể kiêm luôn người phối cảnh sân khấu, bởi bàn tay tài hoa của anh vẽ nên những hình ảnh tuyệt đẹp và sống động làm nền cho câu chuyện.
Mô típ một người phụ nữ chờ chồng suốt 20 năm, rồi người chồng gặp lại vợ con mình… không hẳn quá mới lạ, nếu không khéo có thể sa đà vào bi lụy.
Nhưng ở Cát trắng như gạo, câu chuyện được kể bằng một cách khác, để người ta không chú tâm vào cốt truyện mà phải chú tâm vào cách diễn xuất của nghệ sĩ, xem từng nét mặt, nghe từng lời thoại, nhấn nhá câu chữ để thấy thú vị.
Trí Đức không phải dân sân khấu mà đã diễn rất tốt, không cần sự hỗ trợ của lời thoại. Còn Hoàng Yến, khi là cô công an mẫu mực, khi là người vợ chung thủy, lúc lại biến thành cô bé mười mấy tuổi phiêu bạt giang hồ. Hai vai sau, Hoàng Yến nói giọng nam trong sự ngạc nhiên và tán thưởng của khán giả. Anh em đồng nghiệp thường bảo rằng con chim yến bay từ phương bắc về phương nam đã vô cùng nỗ lực để chinh phục người yêu kịch nơi đây.

Hoàng Kim

http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/hai-dien-vien-va-4-vai-dien-601582.html
--------------------------------------------------------------------
 

Thứ hai, 24/8/2015 | 12:25 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print

Kịch 'Cát trắng như gạo' - hình thức thể hiện mới trên nội dung cũ kỹ


http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/san-khau/kich-cat-trang-nhu-gao-hinh-thuc-the-hien-moi-tren-noi-dung-cu-ky-3267085.html

Vở kịch chỉ hai người diễn của Nhà hát Thế giới trẻ là nỗ lực làm mới sân khấu khi kết hợp đối thoại và nghệ thuật vẽ tranh cát. Tuy vậy, thông điệp tình yêu trong vở khá cũ.

Tối 20/8, sân khấu Thế giới trẻ TP HCM công diễn kịch Cát trắng như gạodo NSƯT Hoàng Yến và họa sĩ Trí Đức dàn dựng và biểu diễn. Vở diễn từng mang về huy chương vàng cho NSƯT Hoàng Yến, huy chương bạc cho họa sĩ tranh cát Trí Đức trong Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc và Liên hoan nghệ thuật sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2015.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời người họa sĩ câm tên Minh và những số phận liên quan đến anh. Minh có mối tình tuổi trẻ sâu đậm với Sáu Huệ nhưng không đến với cô do mặc cảm mình bị câm. Sau nhiều năm lưu lạc, sống bằng nghề vẽ dạo, anh gặp vợ người bạn cũ - một nữ chiến sĩ công an. Cuộc gặp gỡ tình cờ đưa đẩy anh trở về quê hương. Tại đây, anh gặp lại Sáu Huệ và biết sự thật cả hai có con chung. Cô bé đang phải chạy trốn pháp luật do bị nghi ngờ cướp hàng và tung hỏa đốt cháy một con tàu. Minh bị giằng xé trước tình cảm cha con, vợ chồng với trách nhiệm của một công dân trong việc tố giác tội phạm. Kịch kết thúc trong cảnh con gái Minh ở tù, Sáu Huệ chết trên tay chồng khi lần đầu mặc thử chiếc áo cưới mà cô ao ước bấy lâu. 

DSC-0021-JPG-5659-1440384870.jpg

Cảnh kết nhiều ám ảnh của vở kịch. 

So với nhiều vở kịch tâm lý khác trên sân khấu TP HCM, Cát trắng như gạogây chú ý khi lần đầu thể nghiệm nghệ thuật vẽ tranh cát để minh họa cho nội dung. Họa sĩ Trí Đức tái hiện khung cảnh sông nước miền Trung và những chân dung đầy ám ảnh qua đôi tay vẽ cát điêu luyện. Trong vai một họa sĩ bị câm, diễn xuất của anh chủ yếu thể hiện qua biểu cảm gương mặt và những động tác hình thể nên những bức tranh bằng cát được coi là một hình thức biểu đạt nội dung khá độc đáo, mới mẻ. Nam diễn viên còn khiến khán giả thích thú khi dùng hai tay điều khiển những con rối nhiều màu sắc.

Suốt diễn tiến câu chuyện chỉ có hai diễn viên trên sân khấu, trong đó một người độc thoại từ đầu đến cuối vở diễn. NSƯT Hoàng Yến thể hiện khả năng hóa thân đa dạng khi một mình đảm nhiệm ba vai diễn với ba lứa tuổi, số phận, tính cách khác nhau. Trong vai Sáu Huệ, Hoàng Yến thể hiện một phụ nữ nông dân chân chất, cô độc nuôi con nhưng kiên định trước mọi sóng gió để chờ đợi người đàn ông duy nhất của đời mình. Chỉ vài phút sau, cô hóa thân thành nữ chiến sĩ công an bề ngoài khắc nghiệt nhưng mang tấm lòng vị tha. Trong vai Linh "Lục bình" - một cô gái tuổi teen tinh nghịch và bướng bỉnh, cô lột tả nỗi đau ẩn chứa bên trong tâm hồn nhiều tổn thương. 

page-3370-1440384870.jpg

Hóa thân đa dạng của NSƯT Hoàng Yến trong vở kịch. 

Hoàng Yến thể hiện được thần thái của nhân vật qua trang phục, động tác và ngôn ngữ. Chị cũng diễn tả thành công chuyển biến tâm lý của các nhân vật, nhất là Linh "Lục bình" - từ kiêu ngạo, thách thức đến thảng thốt, đau khổ rồi vỡ òa hạnh phúc khi biết người họa sĩ câm bấy lâu cưu mang mình chính là cha.

"Lần đầu tôi xem một diễn viên đóng ba vai trong một vở kịch. Cô ấy không bị đuối sức mà còn hóa thân thành công với lối diễn dung dị, không khoa trương", một khán giả cao tuổi phát biểu. 

Tạo điểm nhấn về hình thức thể hiện nhưng kịch kém hấp dẫn ở cách chuyển tải thông điệp gượng ép và sắp đặt cảnh trí nghèo nàn. 

Trong hơn hai tiếng trình diễn, ngoài bục gỗ cùng tấm bạt lớn mô tả cảnh những đồi cát, kịch không có bất cứ cảnh trí nào khác. Số lượng những bức tranh cát do họa sĩ Đức Trí thể hiện không đủ để tạo hiệu ứng, giúp khán giả hiểu rõ hơn về một vùng đất miền Trung mênh mang sông nước, cát trắng và gió Lào (mà phải dùng lời thuyết minh). Ánh sáng yếu trong một không gian sân khấu salon với cách bố trí ghế ngồi hình vòng cung không khiến khán giả "đã mắt" với những bức tranh cát được trình chiếu.

Về nội dung, ngay ở tiêu đề, khán giả đã ngầm hiểu thông điệp của tác giả kịch bản. Dường như muốn nhấn mạnh thêm chủ ý này, đạo diễn nhiều lần để cho nhân vật tự sự về cuộc đời, vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Xen giữa các đoạn độc thoại là thuyết minh để giải thích cho diễn tiến kịch và sự xuất hiện không liền mạch của nhân vật.

Trong vai một nữ chiến sĩ công an, Hoàng Yến bộc bạch với người họa sĩ câm: "Mẹ chồng tôi nói, nếu con người biết yêu cát, thì bao nhiêu cát cũng biến thành muối. Chúng ta cứ sống hết mình với cát rồi sẽ được cát đền ơn phải không anh". Nhiều khán giả đánh giá đây là câu nói mang tính ước lệ cao và không nhất thiết phải có trong khi thuyết minh kịch đã nhắc lại nhiều lần thông điệp này. 

DSC-0004-JPG-5388-1440384870.jpg

Sân khấu đơn sơ của vở kịch.

Câu chuyện một tình yêu tan vỡ, hai người chia lìa vì người này sợ làm người kia tổn thương cũng không mới để được coi như cái cớ đưa ra thông điệp về tính nhân văn của tình người, tình yêu quê hương đất nước. Nhiều mô típ cũ được lặp lại như nhân vật chính bị bệnh hiểm nghèo, con gái cô phải làm liều để có tiền thuốc thang cho mẹ, dẫn đến việc phạm tội một cách vô thức.

Kịch đưa ra nút thắt ở cảnh Linh "Lục bình" bị tình nghi đốt cháy cả một đoàn tàu, có thể đối mặt với án phạt nặng. Nhưng ở nút mở trong cảnh cuối, kịch không giải mã bí ẩn về thế lực ngầm đứng sau vụ đốt tàu khiến Linh bị liên đới mà chỉ dùng một câu thoại của nữ công an: "Đây là một âm mưu phá hoại". Cái kết đến đột ngột khi chưa giải quyết rõ chi tiết khiến không ít khán giả hụt hẫng.

Châu Mỹ


 

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận