Category : Tin tức vở diễn

HÌNH TƯỢNG "DÂN" TRONG VỞ DIỄN ÂM BINH

người đăng @dmin | 18-09-2012 12:00 am

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&id=479139     

(CATP) Lâu lắm rồi khán giả mới được chìm đắm, ray rứt trước những sự kiện dồn dập, bất ngờ, diễn ra trên sân khấu. Vở diễn Âm binh (đạo diễn Cao Đức Xuân Hồng - Nhà hát Thế Giới Trẻ TPHCM) chỉ có ba nhân vật và một họa sĩ (Trí Đức) ngồi ở góc sân khấu vẽ tranh cát làm phông nền để tăng thêm sự bi tráng, tức tưởi cho câu chuyện diễn ra trên một vùng đất khô cằn, kéo dài suốt 40 năm. Sân khấu mở màn bằng cảnh đau thương - Nhi (NSƯT Hoàng Yến) vừa chôn xong đứa con mới sinh của mình. Cháu bé chết vì đạn pháo của một cuộc giao tranh năm 1972. Nhi khóc vì mất con và bầu sữa căng tức vì con không còn bú. Trung (Xuân Hồng), một lính Sài Gòn bị thương nặng lết đến gặp Nhi nhờ cứu giúp. Nhi trút nỗi đau mất con vào Trung và cướp súng định giết Trung, nhưng cô lảo đảo buông súng vì không thể để một người mẹ khác lại mất con!

 
Với tấm lòng của Nhi, hai người khác chiến tuyến tạm quên hận thù

     Rồi Quân (Trọng Hiếu) - một chiến sĩ giải phóng kiệt sức vì thương tích xuất hiện. Nhi lại hỏi Quân câu đã dành cho Trung: “Ai giết con tôi?”... Vừa thấy nhau, anh giải phóng và người lính cộng hòa gượng dậy chĩa súng vào nhau. Dù đang đau đớn, uất hận vì mất con, Nhi vẫn dũng cảm ngăn chặn hai họng súng AR15 và AK47 vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến. Nhi ở giữa hai người đàn ông đối địch nhau, ân cần và nhân ái chăm sóc cho cả hai bằng những bát cháo của một gia đình nghèo, bằng cả những giọt sữa Nhi nặn từ ngực mình để cúng con. Ân tình của Nhi làm cho cả hai tạm quên hận thù và từ từ rời xa cái chết. Khi sức khỏe phục hồi, mỗi người lẳng lặng xách  súng đi về một hướng...

     
Thừa lòng nhân nhưng thiếu hiểu biết chính trị nên Nhi mắc tai ương. Cô bị chính quyền Sài Gòn tra tấn vì đã nuôi cộng sản. Rồi miền gió cát quê nhà Nhi được giải phóng. Chưa kịp vui với hòa bình, cô lại bị chính quyền cách mạng điều tra vì đã “cộng tác với quân Sài Gòn”...

     
Nhưng Nhi vẫn cắn răng lầm lũi trên mảnh đất có nhiều mồ mả, vong hồn của lịch sử để lại, vẫn tận tâm hương khói cho các vong linh bất kể họ là người của phe nào! 

     
Rồi một đêm Trung len lén trở về. Anh vừa ở trại cải tạo ra, vượt biên vài lần không thoát, tìm Nhi cám ơn cứu mạng để lòng thanh thản trước khi đi xa mãi mãi. Nhi đã yêu Trung ngay lần đầu gặp mặt, mỏi mòn chờ đợi Trung quay lại. Nhi dồn bao ngày tháng cô đơn, khát vọng, nhớ nhung trong vòng tay ôm ghì cổ Trung. Cô sõng soài, mê man, gấp gáp, chờ đón nhận tình yêu... Nhưng thật phũ phàng khi Trung đang là kẻ chạy trốn. Dù rất biết ơn và thương xót cho Nhi, Trung cũng đành để Nhi thất vọng... Trung ra đi trong đêm tối mịt mù, nhiều đe dọa... Nhi ở lại với tận cùng đau đớn, hụt hẫng. Cô đang khóc cho phận mình, cho tình yêu vừa mất thì... Quân xuất hiện!
 
Quân gặp lại Trung sau 40 năm

     Sau chiến tranh, Quân là cán bộ phụ trách vùng đất này, anh đang đi tìm bắt những người vượt biên. Gặp lại Nhi, Quân trách móc: “Tại sao tôi gửi  cho em rất nhiều thư mà em không hồi âm?”.  Nhi nhận đủ, gói các bức thư đó lại chôn xuống cát. Bây giờ Nhi đào thư lên trả lại cho Quân. Quân nói: “Trong thư là hạnh phúc tôi dành cho em. Tôi đã chờ rất lâu trước khi phải lấy vợ!”. Nhi lắc đầu buồn bã: “Em không biết chữ, không đọc được...”. Thế là hạnh phúc đó đã chết non vì những câu chữ hứa hẹn xa vời với nhận thức của người dân nghèo như Nhi. Quân lại ra đi, để lại chút tình người: “Thằng Trung đã đến đây nhưng ai hỏi Nhi bảo không biết nhé!”.

     
Quân tạm quên chức phận của một cán bộ mẫn cán, vì... muốn trả ơn cứu mạng cho Nhi!

     
30 năm sau, Trung đã là một Việt kiều thành đạt trở về tìm cơ hội đầu tư, Quân là một lãnh đạo cấp tỉnh. Chỉ có Nhi - người chịu nhiều đau thương, thiệt thòi, oan ức suốt tiến trình lịch sử - là vẫn... nghèo, vẫn cô đơn, bất hạnh. Trong hình dáng một bà già còm cõi, cô độc, lẩn thẩn giữa những nấm mồ, Nhi gặp lại cả hai người đàn ông ngày xưa, hai thế lực đối chọi nhau suốt mấy mươi năm, hai xác chết hồi sinh nhờ những hy sinh, cưu mang, đùm bọc của mình ngày nào! 

     
Nhi chấp nhận di dời mồ mả vào chùa, giao đất để ông Việt kiều kết hợp với ông lãnh đạo tỉnh làm dự án du lịch. Rồi bà rời xa nơi chốn quen thuộc như một sự hy sinh vì cái chung, vì sự phát triển của quê nhà, vì sự hòa giải, hòa hợp dân tộc để quên quá khứ đau thương.

     
Kịch bản của Nguyễn Quang Vinh rất sâu sắc, tính triết lý cao, các nghệ sĩ Hoàng Yến, Xuân Hồng, Trọng Hiếu, họa sĩ Trí Đức nhập vai xuất sắc, vở kịch để lại nhiều cảm xúc, suy tư cho khán giả. Nhi chính là “dân” hay “người dân”, “nhân dân” được xây dựng thành hình tượng sân khấu rất biểu cảm. 

     Ban giám khảo liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã trao Huy chương bạc cho Âm binh và 2 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc cho các diễn viên. Chỉ một vở kịch nhưng tạo được “lửa” cho không khí  vốn “ở ẩn” của sân khấu suốt nhiều năm qua, kể từ những vở diễn sôi động của Lưu Quang Vũ xuất hiện sau thời kỳ đổi mới.

LẠI VĂN LONG

 

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận