Thử nghiệm làm mới kịch cổ điển Mê Đê
Thử nghiệm làm mới kịch cổ điển Mê Đê
http://hiec.org.vn/thu-nghiem-lam-moi-kich-co-dien-me-de-15018.htmlNgày đăng: 07/11/2016
(Thanhuytphcm.vn) - Cùng với Giấc mơ (Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B), vở kịch thử nghiệm Mê Đê (nguyên tác: nhà soạn kịch Hy Lạp Euripides, biên soạn lời mới: tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Thế giới Trẻ - Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM sẽ đại diện cho sân khấu TPHCM tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 - lần III tại Hà Nội vào giữa tháng 11. Trong đêm diễn ra mắt vào tối 3/11, vở diễn đã nhận được sự ủng hộ và nhận xét tích cực từ báo chí, giới chuyên môn và nhiều khán giả.
Mê Đê là vở kịch thử nghiệm ấn tượng của sân khấu TPHCM
Từ trước đến nay, những tác phẩm sân khấu mang tính chất “thử nghiệm” thường được đón nhận với một thái độ è dè, nghi ngại vì thường chuyển tải những ý tưởng rất mơ hồ, khó hiểu, xa lạ với đại đa số công chúng. Thế nhưng Mê Đê đã vượt lên được trở ngại đó khi vẫn truyền tải đầy đủ nội dung, cảm xúc của vở bi kịch cổ điển nổi tiếng thế giới đến khán giả mà vẫn đúng nghĩa là một vở kịch thử nghiệm với hình thức thể hiện mới lạ. Vở diễn đã cố gắng tìm một lối đi giữa kịch cổ điển và kịch tâm lý đương đại vừa giữ được không khí đặc trưng của kịch cổ điển mà vẫn đáp ứng được cảm thụ của khán giả xem kịch hiện đại.
Cái mới nhất của vở diễn là đã chuyển tải một cách hấp dẫn câu chuyện kịch trên một sân khấu gần như hoàn toàn trống: không phông màn, không cảnh trí, không bối cảnh, không phục trang. Vỏn vẹn 8 diễn viên trên sân khấu với số đạo cụ hạn chế đến tối đa, có thể nói với Mê Đê, sân khấu không che giấu bất cứ kỹ thuật nào, tất cả đều bày ra rõ ràng, mộc mạc trước mắt khán giả. Điều đó đòi hỏi sự tập trung cao độ của người diễn viên khi không chỉ chú tâm hoàn thành vai diễn mà còn phải phối hợp thật nhịp nhàng với cả ê-kíp để thể hiện đúng vị trí, nhiệm vụ của mình trong vai trò bối cảnh nền của vở.
Từng đảm nhận đến 3 vai diễn trong vở Cát trắng như gạo, cũng mang tính chất thể nghiệm và từng tham gia Cuộc thi Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa năm 2015, Mê Đê không phải là một vai diễn quá khó với NSƯT Hoàng Yến. Chính chị cũng là linh hồn của vở diễn khi thể hiện tròn trịa một nhân vật với nội tâm vô cùng phức tạp như Mê Đê: người phụ nữ si tình và đầy kiêu hãnh sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu và cũng đáng sợ đến tột cùng khi bị phản bội. Đến nay, sự trả thù của Mê Đê đối với người chồng bội phản Jason - hạ độc chết tình địch và cha của ả, tự tay giết chết 2 con - vẫn làm nhân loại phải rùng mình vì sự tàn bạo và trăn trở về những bi kịch gây nên bởi sự ích kỷ, mù quáng của con người mà cao hơn nữa là những bất công trong một xã hội áp bức, trọng nam khinh nữ. Mê Đê vẫn cứ là vở bi kịch được cả thế giới yêu thích, được diễn đi diễn lại suốt hàng ngàn năm qua và mỗi liên hoan sân khấu tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều dễ dàng bắt gặp Mê Đê.
Vở kịch thử nghiệm Mê Đê của Nhà hát Thế giới Trẻ sẽ dự thi vào sáng 16/11 tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội).
Tin - ảnh: Ngọc Tuyết
------------------------------------------------------------------------------
(http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/mede-bi-kich-cua-su-phan-boi-va-long-tham-569237.vov)
Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần 3:
Mê-Đê bi kịch của sự phản bội và lòng tham
Đây là nội dung của vở kịch kể lại câu chuyện của hơn 400 năm trước công nguyên ở Hy Lạp.
Mê-Đê (nguyên tác: nhà soạn kịch cổ đại Hy Lạp Euripides, biên soạn mới: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Thế giới Trẻ, Đại học Sân khấu & Điện ảnh TPHCM, là một trong hai đại diện cho sân khấu TPHCM tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần III/2016 tại Hà Nội diễn ra từ 13- 19/11/2016.
Câu chuyện bắt đầu từ việc sau khi lấy được bộ lông cừu vàng đem về Iolcos và giúp Jadong trả thù vua Pélias, Mê- Đê phải cùng chồng là Jadong và hai con chạy đến vương quốc Côranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ nàng, lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh.
Biết Mê-Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê- Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày ở lại theo ân huệ của nhà vua, Mê- Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ.
Mê- Đê kể từ khi ra đời đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân- hận bi thảm. Mê-Đê được diễn đi diễn lại suốt hàng ngàn năm qua ở các thể loại sân khấu, và trong các liên hoan sân khấu tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có Mê- Đê.
Chính vì thế, chọn Mê-Đê, sự thử nghiệm lần đầu tiên ở sân khấu kịch Việt Nam là một thử thách không hề nhỏ. Nhưng sự sáng tạo của tập thể Nhà hát Thế Giới Trẻ đã cho Mê-Đê một vẻ đẹp mới mẻ, chen vào chất cổ điển Hy Lạp là chất Việt gần gũi, sự phá cách phong cách sân khấu truyền thống bằng kịch hiện đại tạo hấp dẫn, để không thể bỏ sót bất cứ gì đang diễn ra trên sân khấu.
Với một nội dung kịch tính vương triều khốc liệt như thế, ở sân khấu truyền thống sẽ phải khá tốn công sức cho bối cảnh, trang phục… Nhưng ở sân khấu thử nghiệm của Nhà hát Thế Giới Trẻ, câu chuyện được kể trong một không gian tối giản gần như rỗng, không có gì che giấu. Không bối cảnh, không cảnh nền, chỉ 8 diễn viên trang phục đen cùng với những mảnh vải màu quấn lên người để thể hiện những nhân vật Hy Lạp cổ đại: vua, dũng tướng, công chúa, hồn ma, nhũ mẫu, người kể chuyện, người dự khán, trẻ con….
Đạo cụ là 8 cái trống cajon tạo âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu cộng với tiếng vocal biểu cảm cho không khí của câu chuyện, khi nhộn nhịp hoan lạc không khí hội hè, khi ai oán bi thương uất hận, có lúc thì thầm ghê rợn của bóng ma….
Tất cả như để khán giả chỉ tập trung hoàn toàn vào các vai diễn, đặc biệt là nàng Mê-Đê( NSƯT Hoàng Yến) xinh đẹp, kiêu kỳ, nội tâm phức tạp, vừa si tình, vừa ghen hận, vừa thông minh, vừa độc ác… Có thể thoắt biến đổi trạng thái tâm lý trong chớp mắt khiến người đối diện như bị mê hoặc, bị cuốn theo thần lực của nàng, để vừa yêu vừa sợ, vừa khinh bỉ vừa thần phục,…
NSƯT Hoàng Yến đã thể hiện vai diễn Mê-Đê phức tạp này khá thu hút, nhập tâm trong từng phân cảnh hỉ-nộ-ái-ố-ai-bi-lạc, để khán giả khóc, cười cùng vai diễn, rùng mình lạnh người khi chứng kiến cảnh giết các con trai, hay cảm thông với giọng cười khô khốc man dại khi biết cha con nhà vua đã chết.
Ấn tượng để lại cho khán giả còn có vai nhũ mẫu, người dẫn chuyện (Ngọc Vân), một vai diễn mang nhiều sắc thái biểu cảm, cùng sân- hận với chủ Mê- Đê, vừa trung thành đến cuồng si Mê-Đê bất chấp tất cả… Đồng thời cũng là người dẫn chuyện duyên dáng, đưa khán giả hòa vào câu chuyện kịch, xích lại gần hơn giữa sân khấu và khán giả, để khán giả như đang ở chính trong câu chuyện.
Vai hồn ma (Huy Thục), thoắt ẩn thoắt hiện như từ một thế giới khác, thổi vào tai mọi người những lời tiên tri thầm thì ghê rợn, vạch trần những âm mưu độc ác, cảnh báo những cái chết tàn khốc, hay sự trừng phạt kẻ gây bi kịch thảm sát. Từng là một đạo diễn nhiều kinh nghiệm mấy chục năm nay, nên đây là vai diễn ám ảnh khán giả rất nhiều của đạo diễn Huy Thục.
Các vai Jadong (Hữu Lợi), vua Creong và con trai của Mê-Đê + Jadong (Phạm Hồng), Ê-Jê và con trai Mê-Đê + Jadong (Xuân Hồng), công chúa (Ái Liên), cô gái (Kim Dung) đều diễn xuất phối hợp nhịp nhàng. Từ tiếng gõ trống theo các tiết tấu khác nhau, đôi khi như ngẫu hứng thể hiện trạng thái tâm lý nhân vật và bối cảnh câu chuyện khác nhau tạo thành không gian sân khấu sinh động.
Giọng ca đầy kịch tính như góp phần đẩy cao trào của vở kịch lên đỉnh điểm tạo hiệu ứng cộng hưởng cảm xúc từ diễn viên đến khán giả….Với một tập thể diễn viên nhiều kinh nghiệm nên có thể nói Mê-Đê là một vở diễn gọn, đẹp, sáng tạo độc đáo, truyền đạt được thông điệp từ cổ xưa đến nay về bi kịch của sự phản bội, lòng tham, ghen tuông biến con người trở thành tàn độc ngay với cả người thân của mình.
Kịch thử nghiệm luôn có sự đòi hỏi rất cao sự sáng tạo, tay nghề của đạo diễn. Đồng thời còn là sự phá cách trong dàn dựng, thiết kế không gian sân khấu, kết hợp hài hòa giữa không gian sân khấu truyền thống và hiện đại, không theo khuôn mẫu. Sự sáng tạo mới lạ còn ở phối âm, hòa âm, kỹ thuật ánh sáng, sự tương tác, có khi là đối thoại giữa âm thanh và diễn biến tâm lý nhân vật…
Tất cả các yếu tố quan trọng đó có sự gắn kết chặt chẽ để cùng hỗ trợ, giúp làm thăng hoa cảm xúc của diễn viên, của nhân vật. Và Mê-Đê của Nhà hát Thế Giới Trẻ đã làm được như thế.
Vở kịch thử nghiệm Mê-Đê của Nhà hát Thế Giới Trẻ sẽ dự thi vào sáng 17/11 tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội)./.
Hoài Hương/VOV.VN
-------------------------------------
Bình luận