Category : Tin tức vở diễn

Vở kịch Âm binh Cú nổ giữa làng kịch Thủ đô

người đăng @dmin | 13-03-2013 12:00 am

Vở kịch "Âm binh": Cú “nổ” giữa làng kịch Thủ đô?

Thứ Sáu, 25/01/2013 13:41 | 

 

 

(Thethaovanhoa.vn) - Âm binh, vở kịch vừa được nhà văn Nguyễn Quang Vinh tổ chức diễn chiêu đãi bạn bè văn nghệ Thủ đô, thực sự gây nhiều ấn tượng. Công chúng đến rạp không vì tên diễn viên, mà vì tên tác giả. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, Âm binh sẽ diễn liên tiếp một tuần tại Hà Nội vì nhu cầu khán giả rất cao, nhiều công ty, đơn vị muốn ký hợp đồng. 

Không diễn viên ngôi sao, và dù chỉ đoạt Huy chương Bạc nhưng vở kịch Âm binh (KB: Nguyễn Quang Vinh; ĐD: Cao Đức Xuân Hồng) đã “làm mưa làm gió” tại Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc tháng 7/2012 ở Huế và 100% DV đều nhận huy chương. Vở đã diễn tại TP.HCM và các tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Biên Hòa, Long An, Đồng Tháp. Suất diễn đầu tiên ở Thủ đô bằng vé mời với sự ủng hộ kinh phí của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và nhà văn Hữu Ước. Dân nhà nghề nô nức đi xem.

Hội họa, điện ảnh và tranh cát

Câu chuyện 40 năm do Gốc phi lao kể: “Đây có thể là câu chuyện của một người đàn bà, cũng có thể là câu chuyện của hai người đàn ông. Cũng có thể là câu chuyện của gió, của  cát, của sóng biển. Nhưng đây là câu chuyện của tất cả chúng ta”, lời của Gốc phi lao.

Tên các nghệ sĩ được viết trên cát cùng cảnh vùng cát vẽ trực tiếp, ngay từ đầu đã gây xúc cảm chưa từng có. Âm nhạc và ánh sáng giản dị, đạo cụ cực ít. Bối cảnh suốt vở là vườn mộ nhà Nhi (NSƯT Hoàng Yến). Nền phía sau không phải phông màn, mà là tranh cát do HS Trí Đức (vai Gốc phi lao, chứng kiến và chia sẻ câu chuyện với nhân vật) vẽ, camera gắn tại khung tranh ghi hình tại chỗ và phát qua máy chiếu. Yếu tố hội họa và điện ảnh được kết hợp làm nên sức truyền cảm cao.


Cảnh trong vở Âm binh.

 

Ngày, đêm, chiến trận hay ngôi làng, triền cát hay nhà giam, cảnh trăng sao bình yên hay trận tra tấn tàn bạo, được vẽ trên cát. Cát không còn chỉ là hình ảnh của vùng giáp ranh giữa hai giới tuyến ở Quảng Trị, nó là bão, là sóng, là sa mạc của nỗi buồn.

Trận pháo kích làm tan hoang một vùng, đứa con gái 3 tháng tuổi của Nhi chết, thêm ngôi mộ nhỏ trong khu vườn - nghĩa trang. Đau đớn vì con chết, cô tức sữa, vắt vào bát cúng con. Ngay cảnh đầu, Nguyễn Quang Vinh đã đẩy sự chân thực lên cao. 

Nhi không có chồng con, chỉ có “âm binh” bên cạnh. Cô tin cát và người chết hơn những người sống quanh vùng, ác nghiệt với cô. Thật cay đắng. Thoại hồn nhiên, đau đớn nhiều lần được khán giả vỗ tay. Lời thốt từ gan ruột Hoàng Yến, chị đã thực sự hóa thân và xuất thần như tác giả khi sáng tạo.

Chất điện ảnh được sử dụng ở vở diễn, các xử lý tinh tế của ĐD trẻ Xuân Hồng và NSND Trần Ngọc Giàu làm cho vở diễn suốt 2 tiếng cuốn hút liên tục. Ban đầu, vở chỉ viết cho 3 nhân vật, nhưng khi tìm được Trí Đức, được anh nhận lời, Nguyễn Quang Vinh viết thêm nhân vật Gốc phi lao. Trí Đức là họa sĩ tranh cát có tiếng nhưng mới chỉ làm minh hoạ cho các bài hát, chưa khi nào tham gia vở diễn dài, chưa từng diễn xuất. Vậy mà ngay từ đầu tham gia sân khấu anh đã thành công. 

Chất văn trong lời thoại

Tài và tình trong nghiệp viết, văn của Nguyễn Quang Vinh bộn bề hình ảnh, vốn sống vùng cát của anh giàu, lại mạnh mẽ, gai góc nên Nguyễn Quang Vinh luôn có những chi tiết, lời thoại dữ dội, dám đẩy đến tận cùng, rất thật mà nghệ thuật. Anh là tác giả của nhiều vở kịch: Vú cát, Quyền lực của tình yêu, Sau cơn dông, Hồn trinh nữ, Đặng Thùy Trâm… 

NSND Hoàng Cúc nhận định: “Tôi rất bất ngờ về vở kịch này. Ít nhân vật, không đầu tư về thiết kế, đạo cụ, mà có sức lay động, chính bởi tính kịch, chất văn trong lời thoại. Khi làm vai trò đặt hàng kịch bản cho Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi luôn tin tưởng anh em Nguyễn Quang Lập - Nguyễn Quang Vinh. Những kịch bản của Nguyễn Quang Vinh bám chắc vào đời sống với những câu chuyện không cũ. Nguyễn Quang Vinh đã sống và viết rất quyết liệt bằng trái tim rực cháy. Những người viết như Nguyễn Quang Vinh chỉ đếm đầu ngón tay trong làng sân khấu Việt Nam hiện nay”.

NSND Lan Hương (Nhà hát Kịch Việt Nam) bày tỏ: “Lâu lắm, tôi mới được xem một vở kịch đem nhiều cảm xúc như thế. Âm binh là một vở hay. Các diễn viên đam mê cháy bỏng trên sân khấu. Hoàng Yến rất ấn tượng, Trí Đức độc đáo. Xuân Hồng, Trọng Hiếu diễn chưa tới, nhưng trong sáng đáng yêu. Nhạc chọn tốt, cách “mở khóa” của đạo diễn hay, hình thức lạ, sáng tạo thấy rõ”.

“Con người khi quá đau khổ sẽ úp mặt vào đất hoặc ngửa mặt lên trời. Vì thế Âm binh sẽ là câu chuyện của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Cây và thiên nhiên có linh hồn, cát có thể xóa đi, chôn vùi và lưu giữ tất cả. Cát, đất đều chứa câu chuyện của những phận người” - Nguyễn Quang Vinh tâm sự. Cảm nhận sâu sắc về đời sống như thế nên anh tạo ra Âm binh xuất sắc cũng không khó hiểu.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa


Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận