Category : Tin tức vở diễn

XEM "ÂM BINH" NGHĨ VỀ THÂN PHẬN CHIẾN TRANH

người đăng @dmin | 18-09-2012 12:00 am

http://hcmcpv.org.vn/app.cgi

       Những vở kịch có “dính dáng” đến chiến tranh dường như từ lâu vắng mặt trong dòng chảy của sân khấu TPHCM, nơi dòng kịch thị trường đang ồ ạt chiếm lĩnh nên khi Âm binh ra đời, khán giả có một chút “lơ là”. Những người dựng Âm binh phải tự bỏ tiền túi ra làm. NSƯT Hoàng Yến với 150 triệu đồng gom góp cật lực cùng Trọng Hiếu, Trí Đức và tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Xuân Hồng, chung sức chung lòng, thực hiện vở với tất cả tâm huyết và thống nhất không hứa hẹn gì nhiều về thù lao, cứ diễn cho thỏa rồi mọi thứ tính sau. Một vở diễn nhỏ gọn, tự “lóc cóc” gói ghém ra Huế tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc 2012, và đã tạo nên một ấn tượng rất đẹp. Huy chương Bạc cho vở, 2 Huy chương Vàng cho Hoàng Yến, Trí Đức, 2 Huy chương Bạc cho Xuân Hồng, Trọng Hiếu là sự khẳng định về sự thành công của Âm binh.
 
       
       Trở về TPHCM, Âm binh đứng trước thử thách lớn: liệu vở diễn có “lạc lõng” giữa các dòng kịch thị trường? Những người làm vở cùng thống nhất thử nghiệm - công diễn vở vào mỗi thứ Năm hàng tuần.

       Sân khấu tối thứ năm thử nghiệm tại Nhà hát Thế Giới Trẻ đông dần lên theo mỗi suất, có nước mắt, có pháo tay, có cả nụ cười. Mừng cho những nghệ sĩ đích thực vẫn giữ được lửa nghề trong trẻo, nồng cháy, dẫu cuộc sống bộn bề lo toan, phức tạp. Mừng cho sân khấu vẫn còn sự quyến rũ lặng thầm, không cầu viện vào cái hài hay ma quỷ rộn ràng. Mừng vì vẫn còn những khán giả tri âm ngồi suốt từ đầu đến cuối, đầy cảm xúc cùng nhân vật và miên man cùng thông điệp của vở diễn. Sân khấu cứ trọn vẹn “sống” đi và sàng lọc, rồi nghệ sĩ sẽ gặp khán giả “của mình” trong cõi đời bôn ba khắc khoải…

       Chiến tranh bao giờ cũng ác nghiệt, dẫu đứng bên này hay bên kia. Chỉ có người dân như cô Nhi (NSƯT Hoàng Yến) là hứng chịu mọi đau khổ mà thôi. Cùng lúc cứu sống hai người đàn ông ở hai chiến tuyến, cô đã gạt được nỗi đau mất con, cho tình người vẹn nguyên nhân bản, không để ý niệm trả thù, hằn học chiếm lĩnh trái tim. Vậy mà, những con người thực thi pháp luật ở hai chiến tuyến ấy lại không chấp nhận cô. Chế độ cộng hòa thì bắt cô tra tấn vì đã cứu anh Quân bộ đội (Trọng Hiếu); khi mảnh đất ấy được giải phóng thì Nhi lại bị mọi người nghi ngờ, ghẻ lạnh vì cô đã cứu sống Trung, người lính cộng hòa (Xuân Hồng), rồi cô bị buộc tội khi đã để Trung vượt biên... Thế là suốt 30 năm cô sống biệt lập, nghèo nàn cô độc trên mảnh đất đầy mộ, đó là những người thân: ông bà, cha mẹ, chồng, con gái và những người lính ở hai chiến tuyến. Cô chăm sóc các mộ phần, giữ nguyên sự trung thực, nhân bản và chờ đợi mỏi mòn. Mong những người đàn ông được cô cứu sống bình yên ra đi rồi trở về. Và chờ những đôi mắt đồng loại biết nhìn về, biết cảm thông. Chờ trong lặng thầm từ lúc mái tóc còn xanh mướt nồng nàn hương bưởi hương đêm, cho tới khi tóc bạc da nhăn lưng còng gối mỏi… Làm sao khán giả không rơi nước mắt cho một thân phận đàn bà như thế!

       Cao trào nhất là lớp diễn cô Nhi gặp lại Trung trong đêm anh gặp cô và đi vượt biên. Những khao khát đàn bà nóng rẫy trong Nhi làm người xem quặn thắt xót thương. Phụ nữ dẫu trong chiến tranh hay hòa bình đều gắn chặt với thiên chức làm mẹ. Giữa đồi cát mênh mông ấy, chung quanh chỉ có những nấm mồ thinh lặng, Nhi cần biết bao tiếng khóc của con thơ. Không có con, Nhi như cành cây khô héo trên mảnh đất đầy gió cát.

       Cát đã trở thành một nhân tố rất đẹp trong bối cảnh sân khấu, tuôn chảy qua kẽ tay nhân vật như nói thay những lời thoại nồng nàn và cay đắng. Cát quyện với nét vẽ tài hoa của Trí Đức đã thay cho phông màn cảnh trí, đủ để người xem nhận biết không gian, thời gian, tâm lý, mà lại rất mềm mại, huyền ảo. Đây là một thử nghiệm mới của sân khấu, được khán giả hoan nghênh. Kịch có nước mắt xót đắng nhưng không bi lụy, có chiến tranh nhưng không hề lên gân, có khao khát ái ân mà không hề dung tục.

       Những thân phận chiến tranh được đặt trong chiếc thảm đẹp của sân khấu.

       Hoàng Kim

       Nguồn: Trang web của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (hcmcpv.org.vn/app.cgi)
 

Chủ đề: Tin tức vở diễn

Tags:

Bình luận

Viết bình luận