Category : Nguyên Giám Đốc Nhà Hát - NSND Trần Ngọc Giàu

Nguyên Giám Đốc, Cố vấn nghệ thuật Nhà Hát TGT- NSND Trần Ngọc Giàu

người đăng @dmin | 14-08-2012 12:00 am




Trong giới sân khấu, đạo diễn Trần Ngọc Giàu luôn được các đoàn hát “ưu tiên” mời dàn dựng vở diễn. Ngoài dàn dựng kịch, cải lương, phim truyền hình, làm cố vấn nghệ thuật cho một số vở diễn, đạo diễn Trần Ngọc Giàu còn giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM.
Nhiều năm gắn bó với sân khấu và giảng dạy, NSND – đạo diễn Trần Ngọc Giàu luôn trăn trở về thực trạng sân khấu cũng như công tác đào tạo hiện nay. Anh từng chia sẻ, bây giờ làm sân khấu rất khó khăn, diễn viên luôn bận chạy show, thời gian luyện tập rất ít nên dẫu có muốn sáng tạo mới cho vai diễn, vở diễn cũng khó lòng thực hiện được.
 **************************
"Thương hiệu" đạo diễn của sân khấu

Một gương mặt dễ nhớ, một vóc dáng chắc đậm cùng bản tính thâm trầm... người chưa từng tiếp xúc với ông thường khá ngại ngần. Vốn trực tính, không ngại nói thẳng nhưng với cách nói thể hiện được sự hóm hỉnh, thông minh nên những nhận xét thẳng thắn của ông khiến người ta không thể giận ông lâu được. Ðã ở tuổi hơn năm mươi nhưng ông vẫn rất phong độ, sung sức với nghề khi đã tạo dựng được cho mình một "thương hiệu" nghệ thuật rất ổn định trong làng sân khấu. Ông là NSND Trần Ngọc Giàu.
Ở Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012, NSND Trần Ngọc Giàu được mời vào Ban giám khảo. Nhưng người làm nghề quan tâm nhiều hơn tới vai trò của ông trong công tác đạo diễn. Trong các vở diễn tham dự Liên hoan, ông đứng tên chỉ một vở song một phong cách, một dấu ấn riêng của Trần Ngọc Giàu thể hiện khá rõ ở nhiều vở của các đơn vị phía nam. Ðó là tác phẩm như Hồn ma báo oán của đạo diễn Hữu Châu, cũng đã có phiên bản ông dựng thành công mấy năm trước đây nên vì thế, bản dựng này thấy rất rõ những thủ pháp âm thanh, ánh sáng để tạo dựng không khí nửa thực nửa hư, một cách đưa người xem vào không khí rất hồi hộp... ông đã từng sử dụng. Rồi một cái tên đạo diễn rất mới: Xuân Hồng khiến cả Liên hoan bất ngờ với cách kể chuyện rất động qua nghệ thuật tranh cát, do họa sĩ tài ba Trí Ðức thể hiện. Sử dụng phông trang trí là tranh cát, sống động, có hồn, hào hoa... nhưng đưa thẳng họa sĩ lên sân khấu như một nhân vật dẫn chuyện, cách làm đã đưa tới thành công cho vở diễn Âm binh, dù rằng, người làm nghề đều khẳng định, sáng tạo gây ấn tượng nhất là đạo diễn đã đưa tranh cát tham gia vào tạo dựng cảnh trí, bối cảnh. Và đằng sau thành công của Xuân Hồng không thể bỏ qua vai trò tư vấn rất quan trọng của NSND Trần Ngọc Giàu... Lý giải về sự tham gia của mình, ông cho biết, không phải vì là sự ẩn danh hoặc cố tình đứng sau, mà ông tự thấy mình có nghĩa vụ của người đi trước, giúp tay tiếp sức cho các em để sân khấu có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng.
Tác phẩm sân khấu của ông tham dự Liên hoan năm nay khiến bạn nghề kính nể chính là vì có sự so sánh, đối chứng rất rõ ràng với một vở diễn khác của đơn vị khác khi cùng dàn dựng một kịch bản. Từ một kịch bản văn học của nhà viết kịch Ðăng Chương, đã có hai phiên bản sân khấu rất khác nhau. Cũng chủ đề đó, cũng sự kiện kịch như vậy, nhưng đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã chọn lựa, lọc đi những chi tiết có thể khiến người xem lãng quên đường dây chính, tập trung vào những tội ác ẩn sau danh vọng và quyền lực của nhân vật chính. Ông đi sâu khắc họa quan hệ của những người chung quanh để làm nổi bật tham vọng phi nghĩa, bất nhân của anh ta. Ðó là quan hệ với gia đình, với huyết thống, với người tình, với cấp dưới và bao người trong xã hội khác... Sự so sánh này còn thêm nổi bật khi trong tay Trần Ngọc Giàu là dàn diễn viên rất trẻ, hầu hết là những cái tên mới mẻ, đồng nghĩa với việc họ còn ít kinh nghiệm, còn non nớt như Việt Hà, Ðại Ngọc Trâm, Cao Thành Danh, Tấn Phát... vậy nhưng vở diễn đã tạo được sức tác động rất lớn đối với công chúng, với giới nghề, giành Huy chương vàng một cách thuyết phục.
NSND Trần Ngọc Giàu đã tham gia dàn dựng rất nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, cải lương, phim truyền hình... Ông còn là một nhà sư phạm, không chỉ khi chính thức đứng lớp ở Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh thành phố mà ngay trong quá trình dàn dựng, cho tất cả những ai đam mê, nhiệt huyết với nghề. Nghệ sĩ Hoài Linh đã từng khẳng định, anh đã "bái sư" NSND Trần Ngọc Giàu để học hỏi kỹ thuật diễn kịch tâm lý. Nhiều gương mặt nghệ sĩ của thành phố đều thương mến gọi ông bằng tiếng "thầy Giàu" thân thương, trân trọng.
Bằng tài năng, cùng cái nhìn công tâm, giàu thiện cảm với bạn nghề, trân trọng với từng đóng góp của các nghệ sĩ, NSND Trần Ngọc Giàu thật sự là một thương hiệu đạo diễn được công chúng và người làm nghề dõi theo những sáng tạo nghệ thuật của ông.
CAO NGỌC
Tin tức - Sự kiện

-------------------------------

NSND Trần Ngọc Giàu: Không khó để thi tài cùng đạo diễn Hà Nội

NTĐ NSND Trần Ngọc Giàu là đạo diễn duy nhất của miền Nam liên tiếp nhận được các lời mời dựng vở cho sân khấu phía Bắc. Khi ông dựng kịch ma, lúc lại dựng chính kịch, vở nào cũng chơi chơi, cười cười, đậm tính giải trí. Trần Ngọc Giàu có ý định sẽ “Sài Gòn hóa”các vở kịch miền Bắc.

ảnh 1NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo diễn viên diễn xuất trên phim trường


“Tôi không tài giỏi”

- PV: Chắc Trần Ngọc Giàu dựng kịch lạ lắm nên các nhà hát thích mời ông ra Bắc dựng vở?

- NSND Trần Ngọc Giàu: Các nhà hát mời tôi ra Bắc dựng vở để đa dạng hơn phong cách dựng, chứ không phải vì tôi tài giỏi. Lại cũng còn bởi, đội ngũ đạo diễn phía Bắc đang gặp khủng hoảng. Anh Doãn Hoàng Giang thì sức khỏe yếu, anh Lê Hùng cũng đã có tuổi, anh Xuân Huyền thì không làm. Còn Tuấn Hải, Triệu Trung Kiên, Anh Tú cũng không đủ sức bao hết sân.  

- Dựng kịch cho khán giả Thủ đô, ông có chiều theo thị hiếu của khán giả?

- Ban đầu, tôi chiều theo thị hiếu khán giả. Nhưng sau tôi nhận ra, kịch miền Bắc bài bản và kỹ thuật, thiếu đi sự tự nhiên, đời thường. Nên sau vài vở, tôi đã đề nghị các diễn viên, các lãnh đạo cho tôi được “Sài Gòn hóa” một chút trong tác phẩm. 

Đúng hơn, hôm trước thì tôi theo các bạn, còn hôm nay, các bạn cho tôi được điều chỉnh lại. Tôi thích những vở kịch đời hơn, diễn viên diễn trên sân khấu như đang nói chuyện với nhau mà không cần phải “lên gân”. 

- Phá vỡ một thói quen không dễ, động lực nào để ông tiếp tục với định hướng này trong dựng vở cho sân khấu miền Bắc? 

- Tôi quan niệm, kịch là phải đến được với khán giả. Không ai bắt chính kịch không có hài hoặc hài kịch không thể nói những vấn đề nghiêm túc. Các vở chính kịch miền Bắc lâu nay nặng về chủ đề, mỗi vở đều đưa ra một thông điệp, tuyên ngôn trong khi hình thức lại chưa nhuần nhuyễn. 

Cùng một nội dung ấy, có đạo diễn chọn lối thể hiện vui vui, nhưng có đạo diễn lại thích nói nghiêm túc. Hơn nữa, bản chất của sân khấu mang tính giải trí nên tôi lệch sang hướng chơi chơi nhiều hơn.  

- Các vở kịch “Sài Gòn hóa” một chút như ông nói có được khán giả đón nhận? 

- 8, 9 năm nay, tôi vẫn bay ra bay vào Hà Nội-Sài Gòn để dựng vở. Khoảng thời gian ấy cũng đủ nói lên, kịch của tôi có được đón nhận hay không. Tôi đã pha yếu tố trêu ghẹo, đùa vui của sân khấu miền Nam và yếu tố bài bản, kỹ thuật của sân khấu miền Bắc trong cùng một tác phẩm với mong muốn tạo nên vở diễn mềm mại hơn. 

ảnh 2
Vở kịch kinh dị “Quỷ ám” do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng tại sân khấu phía Bắc
 
- Một đạo diễn từ Sài Gòn ra Thủ đô dựng chính kịch, có vấp phải những rào cản không, thưa ông?

- Tôi đến từ TP.HCM nên mang cái nhìn và nhận định của đạo diễn sân khấu giải trí. Trong khi ấy, sân khấu miền Bắc vốn mạnh và nổi tiếng ở dòng chính kịch. Nhưng rất may, ngoài làm đạo diễn tôi còn đi dạy nên cũng có sự chỉn chu nhất định. Chưa hoàn toàn theo giải trí nên tôi không quá khó khăn để thi tài cùng các đạo diễn Hà Nội. 

Không ai bỏ sân khấu

- Dạo này, ông còn bận chạy “sô” trong Nam, ngoài Bắc?

- Mấy năm nay, tôi cũng ít làm kịch. Giờ có tuổi, tôi không còn đủ sức khỏe để theo diễn viên tập vở bắt đầu từ 11h đêm. Chỉ vài buổi như vậy là tôi đuối sức. Tôi chuyển sang làm phim, thu nhập tốt hơn và cũng phù hợp với tuổi tác. Năm nào, tôi cũng có phim chiếu rạp.

- Người nổi tiếng như Trần Ngọc Giàu cũng đang dần rời xa sân khấu để chuyển sang điện ảnh. Đây có thể coi là tín hiệu không mấy tốt đẹp của làng kịch? 

- Không chỉ tôi mà các diễn viên kịch của miền Nam cũng đang dần chuyển sang lĩnh vực giải trí. Không ai bỏ sân khấu cả, chỉ nên đánh giá chúng tôi là những người ham việc. Sân khấu vẫn đang chuyển mình. Dù là sân khấu trong Nam hay ngoài Bắc thì cũng đang đi tìm một hình thức thể hiện mới. 

Vì thế, thời gian vừa qua, liên tiếp các vở kịch ma, kịch đồng tính ra đời cũng chỉ để đi tìm lời giải cho việc kéo khán giả đến với rạp hát. 

- Ông thử lý giải hiện trạng xuống cấp hiện nay của sân khấu?

- Tôi nhớ, ngày còn học trong trường, tôi luôn mơ ước sau này mình sẽ dựng được vở diễn hay như chú Đình Nghi. Nhưng ngày nay, các em đang học trong trường không có điểm sáng để nhìn vào. Những diễn viên sân khấu nổi tiếng như Thành Lộc hay Lê Khanh mấy năm nay không có vai diễn nào nổi trội. Vậy thì, các em học sinh sẽ không có hình mẫu, thần tượng để nhìn vào. 

Có em đang học năm thứ nhất được mời đi đóng phim rồi cũng gây dựng được tiếng tăm đã dẫn đến tâm lý không cần học cũng thành ngôi sao. Sân khấu vốn đã yếu, nay lại ít thần tượng càng trở nên khó khăn hơn. 

- Bệ phóng của lĩnh vực giải trí quá hấp dẫn với người trẻ và ngay cả với ông?

- Thu nhập từ sân khấu so với lĩnh vực giải trí đúng là một trời một vực. Với sân khấu, diễn viên hàng ngôi sao thì được một triệu đồng một suất diễn, còn với các diễn viên thì chỉ vài ba trăm nghìn đồng. 

Một tuần, họ diễn được vài suất nên cũng không đủ cho cuộc sống mưu sinh. Bản thân tôi cũng phải ngược xuôi các tỉnh để dựng phim, làm các chương trình giải trí. Ngoài sân khấu, chúng tôi còn lấn sân sang các lĩnh vực khác, cũng tốt. Tôi muốn tận dụng thời gian và có thêm thu nhập. 

- Xin cảm ơn NSND Trần Ngọc Giàu

Bình luận

  1. avatar Nhahatthegioitre says:

    Mọi thông tin gửi Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu Giám đốc nhà hát Trần Hũu Trang, xin gửi về nhà hát Trần Hữu Trang, xin cảm ơn.

  2. avatar Annie says:

    Kính gửi ông Giàu ! Thưa ông, hôm nay qua tin tức tôi được biết rằng ông, bà Hoa Hạ, và một số người khác đã đề nghị phạt nặng Trấn Thành vì đã vi phạm tác quyền vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của cố soạn giả Trần Hữu Trang, người đã qua đời từ rất lâu

Viết bình luận