Category : Nhà Văn Nguyễn Quang Vinh

Giới thiệu Nhà Văn Nguyễn Quang Vinh

người đăng @dmin | 14-08-2012 12:00 am

Nguyễn Quang Vinh, nhà văn, nhà viết kịch và biên kịch điện ảnh, tổng đạo diễn các sự kiện nghệ thuật.
Đã có 27 tác phẩm điện ảnh, truyền hình, sân khấu được thực hiện từ kịch bản của anh và dành được giải Vàng ở các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế, liên hoan và hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu và phim truyền hình toàn quốc; dành được nhiều giải thưởng về tác giả của các tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh.
Hiện nay là một trong những tổng đạo diễn sự kiện, chương trình nghệ thuật lớn gây được tiếng vang.
Đã cho in gần 10 cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện và ký. Và hàng ngàn phóng sự báo chí chất lượng cao cùng với hàng  trăm kịch bản các thể loại.
Là tác giả của các tác phẩm điện ảnh và sân khấu nổi tiếng: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông, Vú cát, Đặng Thùy Trâm, Hồn trinh nữ, Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ, Âm binh…
Bài ca không quên (sự kiện nghệ thuật lớn truyền hình trực tiếp trên VTV1) và chương trình sân  khấu lớn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản hùng ca Điện Biên (truyền hình trực tiếp trên VTV1).

Các bài báo nói về Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

“Vú Cát” - Sức mạnh tình yêu quê hương

(HNM) - Là vở cải lương đề tài hiện đại hiếm hoi của sân khấu cải lương miền Bắc, "Vú Cát" vừa ra mắt khán giả vào tối 25-12, tại Rạp Hồng Hà. Tác phẩm do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng ca ngợi sự vươn lên, tình yêu quê hương, sự chiến thắng thiên tai, địch họa cùng tệ quan tham lộng hành.

Gần tới giờ khai diễn vở "Vú Cát", Rạp Hồng Hà đã không còn ghế trống, những khán giả tới sát giờ diễn phải kê thêm ghế nhựa để ngồi, hoặc đứng kín mọi chỗ trống. Một phần vì vở diễn không bán vé, một phần vì cái tên đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng, hội diễn mà chị đạt được, và lâu lâu sân khấu cải lương Hà Nội mới ra một vở, mà đặc biệt là vở với đề tài hiện đại.
Cảnh trong vở “Vú Cát”.
 
Khai màn, phong cảnh một làng quê ven biển hiện ra, phía trước mặt là biển, phía sau là những núi cát tròn căng mà người dân nơi đây gọi là Vú Cát. Người dân làng Vú Cát nghèo xác xơ bởi bão tố, thiên tai rình rập quanh năm, bởi những ruộng lúa còi cọc trên những thửa ruộng ba phần đất, bảy phần cát, và bởi những tên cán bộ xã, huyện tham lam, ty tiện. Sau trận bão càn quét, hơn chục người Vú Cát thiệt mạng trong đó có cả ông trưởng thôn. Thế mà tay phó trưởng thôn Hoạt chỉ lăm le báo cáo láo số nhà bị tốc mái, số cây bị bão quật… để xin tiền hỗ trợ của nhà nước và bỏ túi. Người dân Vú Cát tiêu điều, xơ xác đã bỏ làng đi gần hết. May thay, trong làng còn có cô Lúa, trước là thanh niên xung phong về làm cán bộ phụ nữ, còn có Liên - kỹ sư nông nghiệp trẻ vừa ra trường quyết định ở lại làng, nghiên cứu đề án nuôi tôm trên cát giúp bà con nghèo vượt khó, còn có anh thương binh Nhớ quyết bỏ trại an dưỡng để về gây dựng lại làng. Ai ngờ tay Hoạt móc nối với tên "cave dự án" Phởn cướp dự án, cùng với sự hèn hạ, thủ đoạn, tham lam gây ra bao tai họa cho người làng Vú Cát. Không chịu để cho những kẻ xấu lộng hành, không chịu bị thiên nhiên khuất phục, cô Lúa, anh Nhớ, cô Liên… đã đấu tranh để đề án nuôi tôm được thực hiện, loại bỏ những người xấu như tay Hoạt, tên Phởn. Ấm no dần đến với Vú Cát. Những người bỏ làng đi lại trở về xây dựng quê hương tươi đẹp hơn.

Được nghệ sĩ Ngọc Chi chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nghệ sĩ Quỳnh Mai đạo diễn, "Vú Cát" là sự đan xen của nhiều tầng lớp truyện. Đó là câu chuyện vượt qua khó khăn, là tình cảm giữa anh thương binh Nhớ và cô Lúa, là vạch mặt thói tham nhũng lộng hành trong một bộ phận quan chức địa phương, là lên án những tệ nạn xã hội như chạy chức, bằng giả, ăn chặn dự án hỗ trợ dân... Xen lẫn đó là ngợi ca những người dân biết đấu tranh, vươn lên để xây dựng quê hương ấm no. Các tình tiết truyện được đan cài hợp lý. Bên cạnh những lời ca còn là những đoạn thoại với tình tiết gây cười, tạo thêm gia vị cho vở diễn. Đặc biệt, những người dựng vở đã rất khéo léo khi dùng một tấm vải trắng phủ lên sân khấu. Tấm vải này được biến hóa tài tình, khi đội lên thành những núi cát căng tròn, khi được một luồng gió thổi liên tiếp tạo thành dòng nước chảy trên mép biển, khi là bãi cát với màu trắng của ngày nắng…

Thật khó để tìm ra được một điểm để chê "Vú Cát", bởi câu chuyện với các tình tiết sân khấu được sắp đặt khéo léo, mạch lạc, diễn tả nhiều tầng lớp ý nghĩa với các giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực rõ nét. Tuy nhiên, nếu thời lượng của vở diễn rút ngắn bớt thì "Vú Cát" sẽ thành công hơn nữa, bởi thật khó bắt khán giả trẻ ngồi hai tiếng rưỡi để xem hết một vở cải lương.

Mắt phố: Lung linh vẻ đẹp Hà Nội



NDĐT - Vở kịch Mắt phố (kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Phạm Thị Thành) của Nhà hát Kịch Hà Nội làm ấm lòng những ai bấy lâu dành tình cảm cho kịch Hà Nội và hy vọng được xem một vở kịch hay về Hà Nội.

Hoàng Quyên bỏ dở sự nghiệp ở trong nước, chấp nhận ra nước ngoài đứng bán thuốc lá để ky cóp mua hàng gửi về cho gia đình. Nhưng bà chị cả thương em không nỡ bán đồ đạc cô em gửi về mà chắt chiu, tần tảo nuôi cả gia đình bằng thúng bánh. Để rồi ngày Quyên trở về, đống đồ đạc đã trở thành mớ đồng nát. NSƯT Hoàng Cúc vào vai nhân vật Hoàng Quyên.
Tràng (Tiến Minh đóng) - cậu em út là tiến sĩ khảo cổ học năng động, thức thời đã trở thành tay buôn bán đồ cổ có tiếng. Cắt đất ngôi biệt thự cô của gia đình ra bán rồi mua đi, bán lại để cuối cùng sở hữu khách sạn riêng trên chính mảnh đất của gia đình. Khi Hoàng Quyên trở về, tưởng rằng cô có ý định tốt đẹp là lấy lại mảnh đất biệt thự cho gia đình. Nhưng cô lại bày đặt một màn kịch làm cho Tràng trắng tay để giành lấy toàn bộ ngôi biệt thự về tay mình nhằm trả một món nợ lớn với bạn hàng ở nước ngoài. Màn kịch vỡ òa khi kẻ đóng vai chồng Hoàng Quyên tóm gọn được đống tiền và chuồn ra nước ngoài, bỏ lại Quyên và cả cô vợ phát điên của Tràng bị Quyên cho vào bẫy là người tình của y...
Giữa bao thật giả rối ren ấy, ông Minh (NSƯT Tiến Đạt) - người bố tỏ ra sáng suốt hơn bao giờ hết. Ông dường như biết hết mọi chuyện nên đã đem ngôi biệt thự cổ trả cho ban quản lý nhà và phố cổ để lấy mấy căn hộ chung cư, dù cô con gái thống thiết mong ông nghĩ lại để cứu cô khỏi cảnh trắng tay...
Trên nền câu chuyện gia đình với những mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa bảo thủ với thức thời... thông qua việc xây dựng những nhân vật có cá tính, tác giả khéo lồng ghép biết bao bức bối của Hà Nội hôm nay. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng góp thêm tiếng nói kêu gọi những người yêu Hà Nội sống có trách nhiệm hơn với mảnh đất này, và trước hết là sống văn minh, thanh lịch như truyền thống của Hà Nội từ bao đời nay...
Dàn diễn viên đồng đều, diễn xuất đến “độ”. Hoàng Cúc, Tiến Đạt, Trung Hiếu, Tiếu Minh... đều khắc họa rõ nét tính cách nhân vật.
Kịch bản được viết riêng cho kịch Hà Nội và bàn tay dàn dựng tinh tế của đạo diễn- NSND Phạm Thị Thành khiến vở diễn lung linh vẻ đẹp riêng, gợi nhớ đến truyền thống kịch Hà Nội. Lần đầu tiên viết nhạc cho sân khấu, nhạc sĩ Ngọc Châu đem đến những ca khúc trẻ trung nhưng chứa không ít tâm tư về Hà Nội. Phần thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Doãn Châu giản dị nhưng khá ấn tượng, với nếp nhà cổ giữa Hà Nội chật cứng như mắc cửi...
Chuyện kịch diễn ra tự nhiên, giản dị nhưng đầy kịch tính. Bức tranh gia đình Hà Nội quen thuộc hôm nay tưởng chừng chỉ một gam màu sáng tươi nhưng hóa ra chất chứa nhiều mảng tối. Giống như bộ mặt phố phường Hà Nội lộn xộn, chật chội. Người Hà Nội thanh lịch cũng không còn nhiều. Nhưng dù sao, trong mắt người Hà Nội thì “Hà Nội ngàn năm vẫn thế.
Mắt phố cùng với Điện thoại di động (kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn- NSND Hoàng Dũng) sẽ tham gia Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP Hồ Chí Minh từ 26-9 đến 6-10.

Chủ đề: Nhà Văn Nguyễn Quang Vinh

Tags:

Bình luận

  1. avatar Thu hà says:

    Tôi thích đọc những bài thơ của anh hơn..

Viết bình luận